Thương mại điện tử mở cửa cho doanh nghiệp nhỏ xuất khẩu

Sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, doanh số thương mại điện tử bán lẻ có mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong 10 năm qua. Điều này đã giúp đưa Việt Nam lọt top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất khu vực và thế giới.

Là thương hiệu cà phê đã có gần 24 năm hoạt động tại thị trường Việt, thế nhưng khi mở rộng xuất khẩu, doanh nghiệp Cafe Mê Trang lại gặp rào cản về lợi thế cạnh tranh thương hiệu cùng chi phí nghiên cứu tìm thị trường phù hợp.

Do đó, đầu tư cho website bán hàng, giới thiệu sản phẩm công ty hay tham gia vào các hoạt động thương mại trên các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế đang là những cách để công ty này mở rộng kênh bán hàng của mình trên toàn thế giới.

Doanh số thương mại điện tử bán lẻ có mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong 10 năm qua.

Doanh số thương mại điện tử bán lẻ có mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong 10 năm qua.

Ông Thạch Mai Long - Giám đốc Khu vực phía Bắc Cafe Mê Trang cho biết, ngoài các sàn thương mại điện tử như Alibaba, doanh nghiệp Cafe Mê Trang còn phát triển thêm nhiều kênh thương mại điệnt tử khác như Shopee, Lazada và xây dựng các kênh bán hàng online của riêng công ty.

Tuy nhiên, theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), khó khăn doanh nghiệp gặp phải là rào cản khắt khe của thị trường xuất khẩu, quy định xuất khẩu, tiêu chuẩn chất lượng của từng thị trường. Doanh nghiệp nhỏ thiếu thông tin về thị hiếu, tâm lý tiêu dùng tại các thị trường mục tiêu, việc thông qua các sàn thương mại điện tử sẽ giúp rút ngắn khoảng cách này.

Nói về những khó khăn của doanh nghiệp, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: "Tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng trên thế giới, bỏ qua khâu trung gian sẽ giới thiệu được các thương hiệu kể cả thương hiệu của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trực tiếp đến người tiêu dùng thế giới và các nhà nhập khẩu."

Doanh nghiệp cần phải xây dựng được thương hiệu nổi bật trong môi trường trực tuyến.

Doanh nghiệp cần phải xây dựng được thương hiệu nổi bật trong môi trường trực tuyến.

Ông Trần Văn Trọng - Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử cũng cho rằng: "Phần lớn doanh nghiệp của chúng ta là doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ. Thậm chí chúng ta có nhiều hộ kinh doanh, các hợp tác xã, đây mới là nhóm có nhiều hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam. Tuy nhiên, họ là những người chuyên sản xuất nên chưa tiếp cận được các hình thức thương mại kiểu mới."

Theo báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số, thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7,4 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

Do đó, để bán hàng thành công trên các sàn thương mại điện tử quốc tế, doanh nghiệp cần tìm hiểu hành vi tiêu dùng của người mua hàng thông qua xu hướng lựa chọn thương hiệu, mức độ tin cậy, sự tiện lợi và dịch vụ phù hợp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần phải xây dựng được thương hiệu nổi bật trong môi trường trực tuyến.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/thuong-mai-dien-tu-mo-cua-cho-doanh-nghiep-nho-xuat-khau-253048.htm