Thương mại điện tử nỗ lực vượt rào cản niềm tin

Các chương trình mua sắm cuối năm như Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia - Ngày mua sắm trực tuyến (Online Friday)… đã và đang mang đến cho người tiêu dùng những ưu đãi tốt nhất trên thị trường, đáp ứng thị hiếu mua sắm trực tuyến ngày một tăng. Khác với bán hàng online trên các nền tảng xã hội, thương mại điện tử thường của tổ chức nên được quản lý chặt chẽ hơn.

Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại dịch vụ tháng 11 diễn ra khá sôi động để chuẩn bị phục vụ cho các ngày lễ cuối năm và mừng năm mới 2024. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2023 ước đạt 552,7 nghìn tỉ đồng (tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước).

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm 2023 ước đạt 4.420 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,8%). Trong đó, nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 14,7%; lương thực, thực phẩm tăng 11,4%; may mặc tăng 7,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 6,3%; riêng phương tiện đi lại (trừ ô tô) giảm 3,3%.

Để thương mại điện tử phát triển bền vững, xây dựng niềm tin với người tiêu dùng là điều kiện tiên quyết với các doanh nghiệp.

Để thương mại điện tử phát triển bền vững, xây dựng niềm tin với người tiêu dùng là điều kiện tiên quyết với các doanh nghiệp.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như: Quảng Ninh tăng 12,4%; Bình Dương tăng 10,8%; Khánh Hòa tăng 10,7%; Hải Phòng tăng 9,9%; Cần Thơ tăng 9,4%; Đồng Nai tăng 8,5%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7%; Hà Nội tăng 6,7%; Đà Nẵng tăng 6,2%...

Tiếp nối đà phục hồi tích cực của thị trường, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh khuyến mãi, kích cầu trên các nền tảng số với hàng loạt hoạt động được tổ chức từ nay đến cuối năm. Trong đó, sự kiện kích hoạt Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia - Ngày mua sắm trực tuyến (Online Friday) vừa được Bộ Công Thương tổ chức, đây được xem là sự kiện khuyến mại rầm rộ nhất nhằm kích cầu tiêu dùng qua thương mại điện tử.

Theo ghi nhận của VnBusiness, hưởng ứng các chương trình kích cầu tiêu dùng của Bộ Công Thương, trên các sàn thương mại điện tử có hàng nghìn thương hiệu lớn, nhỏ thuộc các ngành hàng như: Thời trang, túi xách, vali, giày dép, mỹ phẩm, nước hoa, đồng hồ, trang sức, phụ kiện… cùng tham gia chương trình khuyến mãi, giảm giá lên đến 100%, cùng đó, nhiều sản phẩm cũng chỉ có giá bán từ 1.000 đồng cho đến vài nghìn đồng…

Theo dự đoán của nền tảng thương mại điện tử Shopee, từ nay đến cuối năm là thời điểm “vàng” cho các doanh nghiệp bán lẻ, thương hiệu, nhà bán hàng nhỏ lẻ và các sàn thương mại điện tử lên ngôi nhờ nhu cầu mua sắm tăng cao. Theo các chuyên gia dự báo, với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương, cùng với sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp, các chương trình mua sắm cuối năm mang đến cho người dùng những ưu đãi tốt nhất trên thị trường, đáp ứng thị hiếu mua sắm trực tuyến ngày một nổi trội. Đây cũng là dịp các thương hiệu và nhà bán hàng có thể tận dụng để nâng cao mức độ hiển thị trực tuyến, tiếp cận tệp người dùng rộng lớn trên sàn và tạo đà bứt tốc doanh số hiệu quả.

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, từ tháng 7/2023, tiêu dùng nội địa đã trở về mức bằng giai đoạn trước dịch Covid-19. Dù vậy, lần đầu tiên chỉ số niềm tin của người tiêu dùng tại Việt Nam rơi vào tốp thấp nhất Đông Nam Á. Trong khi cơ cấu nguồn hàng hóa đầu vào đang có sự dịch chuyển, hàng ngoại thâm nhập thị trường mạnh mẽ và một số doanh nghiệp xuất khẩu quay lại thị trường trong nước và đẩy mạnh qua kênh bán hàng trực tuyến, số hóa.

Nền kinh tế vẫn còn nhiều biến động, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, tuy nhiên, với sự điều chỉnh kịp thời từ các chính sách của Nhà nước, cũng như việc các doanh nghiệp thương mại điện tử đang tích cực xây dựng niềm tin với người tiêu dùng, đã và đang giúp thương mại điện tử phát triển bền vững. Theo đánh giá của các chuyên gia, tạo dựng niềm tin cũng là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp bứt tốc trong cuộc đua chiếm lĩnh thị phần trên sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh việc xây dựng niềm tin với người tiêu dùng qua hình thức kinh doanh thương mại điện tử, cùng những kết quả tích cực đối với các doanh nghiệp khi kinh doanh trực tuyến, việc kinh doanh của các doanh nghiệp trên các sàn thương mại điện tử cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics thương mại điện tử còn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường; niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến...

Đề cập đến những khó khăn của thương mại điện tử, cũng như vấn đề làm thế nào để thương mại điện tử phát triển bền vững, chia sẻ tại hội nghị Phát triển thương mại điện tử bền vững, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, phát triển bền vững đối với bất kỳ lĩnh vực nào cũng phải bao gồm đầy đủ các yếu tố tăng trưởng ổn định tích cực, đảm bảo sự cân bằng không ai bị bỏ lại phía sau, đáp ứng xu thế xanh, bảo vệ môi trường và đặc biệt là bảo vệ người tiêu dùng.

Chính vì vậy, Cục trưởng Lê Hoàng Oanh mong muốn không chỉ những diễn giả tại hội nghị, mà tất cả đại biểu được mời đến sẽ cùng nhau thảo luận để đưa ra được những đáp án hay cho câu hỏi: Làm thế nào để thương mại điện tử phát triển bền vững? Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cần làm gì để hỗ trợ phát triển thương mại điện tử bền vững?

Để giải quyết câu hỏi này, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đưa ra một mô hình định hướng phát triển Hệ sinh thái số, để phát triển thương mại điện tử bền vững, trên cơ sở bao hàm từ các hoạt động chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số đến các nhóm giải pháp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các chủ thể tham gia giao dịch thương mại điện tử.

Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, với việc tham gia Hệ sinh thái số, các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp sản xuất sẽ có sự cộng hưởng để tạo ra hệ sinh thái bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời cùng nhau triển khai nhiều giải pháp cam kết về chất lượng hàng hóa để mang lại trải nghiệm tốt cho người tiêu dùng.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thuong-mai-dien-tu-no-luc-vuot-rao-can-niem-tin-163644.html