Thương mại điện tử Việt Nam 2025: Khoảng cách vùng miền rộng hơn trong kỷ nguyên AI
Ngày 25/4, tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2025 với chủ đề 'Chiến thắng trong kỷ nguyên AI', Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) chính thức công bố Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI) năm 2025. Báo cáo được xây dựng dựa trên khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp trên toàn quốc, phản ánh tương đối toàn diện thực trạng và năng lực phát triển thương mại điện tử (TMĐT) của các địa phương.
Theo EBI 2025, Hà Nội tiếp tục giữ vững vị trí số một trong bảng xếp hạng với 74,7 điểm, xếp ngay sau là Thành phố Hồ Chí Minh với 73,5 điểm. Đáng chú ý, vị trí thứ ba là Đà Nẵng với 28,1 điểm, thấp hơn Hà Nội đến 46,6 điểm - cho thấy khoảng cách ngày càng lớn giữa hai đầu tàu kinh tế và phần còn lại của cả nước.

Giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B)
Mức điểm trung bình toàn quốc năm nay chỉ đạt 9,3 điểm. Điều này phản ánh sự phân hóa rõ nét trong phát triển TMĐT, khi các địa phương ngoài tốp đầu vẫn đang loay hoay tìm lối đi hiệu quả trong lĩnh vực này.
Chỉ số TMĐT Việt Nam được xây dựng dựa trên ba nhóm tiêu chí chính: (1) Hạ tầng và nguồn nhân lực, (2) Giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), và (3) Giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Mỗi tiêu chí gồm nhiều thành phần cụ thể, phản ánh sự phát triển tổng thể và mức độ sẵn sàng của địa phương với TMĐT.
Năm 2025 đánh dấu lần đầu tiên VECOM tích hợp thông tin về chất lượng dịch vụ bưu chính chuyển phát TMĐT phân theo địa phương vào tiêu chí B2C. Đây là yếu tố quan trọng trong bối cảnh TMĐT phụ thuộc nhiều vào khả năng giao nhận hàng hóa hiệu quả.
Ở tiêu chí giao dịch B2C, Hà Nội và TP.HCM đạt điểm số từ 62,9 trở lên, trong khi 61 địa phương còn lại có mức điểm cao nhất chỉ đạt 4,5 (tỉnh Bắc Ninh). Điều này cho thấy đa số tỉnh, thành vẫn đang thiếu động lực hoặc chưa triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tiêu dùng trực tuyến.
Tương tự, ở nhóm hạ tầng và nguồn nhân lực, 3 địa phương đứng đầu có điểm số thấp nhất là 76,9, trong khi điểm cao nhất của 60 địa phương còn lại chỉ là 36 (Hải Phòng). Riêng với giao dịch B2B, điểm số cao nhất ngoài tốp 3 cũng chỉ dừng lại ở mức 42,2 điểm (tỉnh Bình Dương).
Theo đại diện VECOM, những khoảng cách này không chỉ thể hiện mức độ đầu tư chưa đồng đều mà còn là dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ tụt hậu nếu các địa phương không kịp thời đổi mới tư duy và cách tiếp cận trong phát triển TMĐT.
Báo cáo EBI 2025 cũng chỉ rõ, có một số giải pháp có thể giúp cải thiện nhanh điểm số ở các tiêu chí thành phần. Cụ thể:
- Nâng cao nhận thức về tên miền, website trong cộng đồng doanh nghiệp.
- Khuyến khích hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tham gia sàn thương mại điện tử.
- Phát triển mạng lưới bưu chính - chuyển phát nhanh, cải thiện tốc độ và chất lượng dịch vụ giao hàng tại địa phương.
Sở Công Thương được xác định là cơ quan nòng cốt trong triển khai các giải pháp này, đóng vai trò kết nối doanh nghiệp với chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Tuy nhiên, để nâng cao các tiêu chí dài hạn như số lượng doanh nghiệp hoạt động TMĐT hiệu quả, hay tăng thu nhập từ TMĐT, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều cấp, nhiều ngành: từ Ủy ban Nhân dân các tỉnh, tới các cơ quan về thương mại, đầu tư, công nghệ, bưu chính và giao thông vận tải.
EBI 2025 không chỉ là báo cáo thường niên, mà còn là chỉ dấu định hướng để các địa phương hoạch định chiến lược phát triển TMĐT trong dài hạn. Trong bối cảnh nền kinh tế số ngày càng phát triển, AI và công nghệ số bùng nổ, khoảng cách hiện nay chính là động lực để các tỉnh thành chưa vươn lên mạnh mẽ hơn, bứt phá hơn.
Chỉ khi TMĐT phát triển đồng đều, Việt Nam mới có thể phát huy tối đa tiềm năng thị trường số gần 100 triệu dân và hội nhập sâu hơn với kinh tế toàn cầu.