Thương mại hóa 5G và cơ hội cho doanh nghiệp

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp viễn thông đang trong quá trình triển khai mạng 5G, đưa vào thương mại hóa. Dự kiến, trong thời gian tới, 5G sẽ được áp dụng trong nhiều lĩnh vực kinh doanh.

Dự kiến, thời gian tới, 5G sẽ được áp dụng trong nhiều lĩnh vực kinh doanh

Dự kiến, thời gian tới, 5G sẽ được áp dụng trong nhiều lĩnh vực kinh doanh

Cơ hội cho cácdoanh nghiệp

5G đang được ứng dụng phổ biến ở nhiều nước. Tại Đức và Nhật Bản, 5G hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thông minh và tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Ở Mỹ và Hàn Quốc, 5G được sử dụng để phát triển xe tự lái và hệ thống giao thông thông minh, trong khi Anh và Trung Quốc áp dụng công nghệ này trong y tế từ xa. Các nền tảng thương mại điện tử và giải trí tại Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc cũng tận dụng 5G để nâng cao trải nghiệm người dùng. Ngoài ra, Hà Lan và Australia ứng dụng 5G trong nông nghiệp thông minh, giúp tăng sản lượng và giảm chi phí.

Tại Việt Nam, 5G sắp được thương mại hóa. Các lĩnh vực có tiềm năng đẩy mạnh quá trình số hóa được củng cố bởi khung pháp lý hiện hành có thể kể đến như ngân hàng, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech), các doanh nghiệp kinh doanh sàn thương mại điện tử và các doanh nghiệp đưa hoạt động cung ứng hàng hóa, dịch vụ lên sàn.

Đối với Fintech, xu hướng phát triển của các tổ chức tín dụng hiện nay bao gồm việc chuyển đổi số và sự xuất hiện của các ngân hàng số (Digital Banking). Đây là những ngân hàng hoạt động hoàn toàn trong môi trường số, không có chi nhánh vật lý, nhờ vào các nền tảng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, điện toán đám mây và Blockchain. Hiện nay, tại Việt Nam, xu hướng phát triển Fintech mới được thể hiện rõ nét qua việc các công ty khởi nghiệp công nghệ, các tổ chức không phải là ngân hàng có thế mạnh công nghệ.

Luật Các tổ chức tín dụng 2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, bổ sung quy định tại Điều 106, cho phép một số hoạt động mới phù hợp xu thế chuyển đổi số như cho phép cơ chế thử nghiệm đối với Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, hoạt động cho vay trực tuyến, giao dịch điện tử. Để củng cố cho mục tiêu sớm đưa cơ chế thử nghiệm vào kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng Dự thảo về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, tập trung vào các Fintech ứng dụng trong hoạt động ngân hàng.

Nhằm hướng tới ưu tiên các giao dịch trực tuyến, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP về quy định thanh toán không dùng tiền mặt; trong đó có những quy định bổ sung về tiền điện tử tại Điều 3.12, ví điện tử và thẻ trả trước áp dụng đối với các tổ chức tín dụng tại Điều 6, thanh toán quốc tế tại Điều 3.8 và Điều 5.

Thương mại hóa 5G đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ mục tiêu chuyển đổi số của các tổ chức tín dụng, cho phép các ngân hàng số cung cấp dịch vụ trực tuyến một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn, đặc biệt là trong những giao dịch thời gian thực như thanh toán điện tử và chuyển khoản. Ngoài ra, 5G còn thúc đẩy khả năng kết nối và tích hợp giữa các nền tảng công nghệ tiên tiến như AI, dữ liệu lớn (Big Data) và blockchain, tạo điều kiện cho các ngân hàng số phát triển những dịch vụ tài chính thông minh, cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng và tăng cường bảo mật giao dịch.

5G cũng hỗ trợ tích cực đối với doanh nghiệp sở hữu và có hoạt động trên các sàn thương mại điện tử, các hoạt động thương mại điện tử phát sinh giữa doanh nghiệp sở hữu sàn thương mại điện tử, khách hàng (bên mua và bên bán) và các đơn vị trung gian hỗ trợ thanh toán điện tử.

Trong mối quan hệ xác lập hợp đồng giữa bên mua và bên bán hàng hóa, hợp đồng điện tử chứng thực chữ ký số và hợp đồng thông minh ứng dụng công nghệ chuỗi khối blockchain ngày càng phổ biến. Trong trường hợp này, công nghệ 5G có thể cải thiện hiệu quả việc xử lý và xác nhận các hợp đồng điện tử, bao gồm cả hợp đồng chứng thực chữ ký số và hợp đồng thông minh (smart contract) ứng dụng blockchain.

Trong mối quan hệ với bên trung gian thanh toán, theo Điều 75, Nghị định 52/2013/NĐ-CP, bên trung gian phải đảm bảo hoạt động lưu trữ dữ liệu về từng giao dịch thanh toán, chịu trách nhiệm liên đới với các thương nhân sở hữu sàn về quản lý thông tin. Công nghệ 5G cho phép bên trung gian thanh toán lưu trữ và truy xuất dữ liệu giao dịch một cách hiệu quả, bảo mật thông tin khách hàng tốt hơn.

Cần hoàn thiện khung pháp lý

Trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp đồng thời đứng trước cả cơ hội và thách thức khi ứng dụng công nghệ 5G vào hoạt động kinh doanh. Nhiều cơ chế pháp lý cần hoàn thiện để tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp.

Thứ nhất, để có thể đẩy nhanh ứng dụng Digital Banking và Fintech trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và các công ty công nghệ tài chính, Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng cần sớm được ban hành và đưa vào thực hiện.

Thứ hai, hiện vẫn chưa có khung pháp lý công nhận giá trị hợp pháp của hợp đồng thông minh, ứng dụng công nghệ blockchain, mặc dù xét trên nhiều khía cạnh từ quy định tại Điều 385, Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 34, Luật Giao dịch điện tử 2023, thì hợp đồng thông minh có đầy đủ bản chất pháp lý của hợp đồng dân sự và hợp đồng điện tử. Theo đó, pháp luật công nhận hợp đồng thông minh, đặc biệt là khi các giao dịch đòi hỏi tính bảo mật cao và dữ liệu lưu trữ lớn.

Thứ ba, về đảm bảo an ninh mạng trong hoạt động giao dịch và lưu trữ thông tin khách hàng. Đây là một trong những rủi ro lớn mà việc ứng dụng các công nghệ mới mang lại. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có khung quy định về xử phạt trong hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân, do đó, nghị định xử phạt cần sớm được ban hành để thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về an toàn thông tin trong khi ứng dụng các công nghệ tiên tiến.

(*)Công ty Luật LNT & Partners

Ngô Thanh Hải - Nguyễn Vân Anh*

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thuong-mai-hoa-5g-va-co-hoi-cho-doanh-nghiep-d226156.html