Thương mại nội địa: Duy trì hoạt động ổn định
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát và có lúc, có nơi diễn biến phức tạp đã ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn Bình Thuận. Như trong năm qua, một số ngành dịch vụ phải tạm ngưng hoạt động ở các tháng đầu quý II và quý III/2020 vì thực hiện theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội. Cũng do tác động từ dịch bệnh, một số mặt hàng thực phẩm tăng cao và tâm lý người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, phần nào ảnh hưởng đến tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tại địa phương… Tuy nhiên ngay khi tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát thì hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã trở lại bình thường. Tại các chợ, cửa hàng tiện ích, siêu thị, trung tâm thương mại vẫn đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không có biến động về giá và phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Thương mại nội địa
Theo Sở Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2020 trên địa bàn Bình Thuận đạt hơn 60.500 tỷ đồng, tăng 3,88% so năm trước đó (tính riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa khoảng hơn 41.940 tỷ đồng, tăng 9,09% so cùng kỳ)… Đến nay, địa phương cũng đã phát triển hệ thống chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ với nhiều hình thức đa dạng gồm 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị, 137 chợ. Ngoài ra còn có 68 chuỗi cửa hàng tiện lợi hiện đại với 50 chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh, 15 chuỗi cửa hàng Vinmart, 3 chuỗi cửa hàng Coofood cùng hệ thống các cửa hàng bán lẻ, siêu thị điện máy.
Dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, nhưng năm qua ngành chức năng địa phương luôn quan tâm triển khai các chương trình hợp tác, liên kết trên lĩnh vực thương mại. Trong đó phối hợp Sở Công Thương 3 tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Tây Ninh đồng chủ trì tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa cho 4 tỉnh tại TP. Phan Thiết. Hay như tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa Bình Thuận - Trà Vinh, xúc tiến kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành và ký kết hợp tác, kết nối cung cầu hàng hóa với Hà Nội...
Đối với dịp Tết Tân Sửu 2021, địa phương cũng kịp thời xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường trước, trong và sau tết nhằm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả thị trường. Những tháng qua đã có nhiều đơn vị tích cực tham gia, góp phần đảm bảo duy trì hoạt động thương mại nội địa ổn định trên địa bàn Bình Thuận. Tiêu biểu có chuỗi siêu thị Co.op Mart (Co.op Mart Phan Thiết, Co.op Mart La Gi, Co.op Mart Phan Rí Cửa) dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn giá phục vụ Tết Nguyên đán với 78,82 tỷ đồng.
Trong khi đó, Chi nhánh Công ty cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh tại Bình Thuận ban đầu tham gia kế hoạch bình ổn thị trường với lượng hàng hóa trị giá khoảng 13 tỷ đồng. Dù vậy, sau khi tính toán lại với chuỗi hệ thống 50 cửa hàng bán lẻ hiện có, đơn vị này đã tăng thêm lượng hàng hóa bình ổn thị trường Tết Tân Sửu 2021 với giá trị lên đến 51,6 tỷ đồng. Dịp này trên địa bàn tỉnh còn có sự tham gia của Công ty cổ phần Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam - Chi nhánh Bình Thuận (dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trị giá khoảng 9 tỷ đồng), Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tùng Loan (lượng hàng chuẩn bị trị giá khoảng 10 tỷ đồng)…
Với hoạt động thương mại duy trì ổn định, Sở Công Thương Bình Thuận đã mạnh dạn đề ra chỉ tiêu phấn đấu hoàn thành tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 đạt 69.510 tỷ đồng (tăng xấp xỉ 15% so thực hiện năm 2020). Theo đó trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, thực hiện tốt các chương trình hợp tác, liên kết giữa Bình Thuận với các tỉnh, thành, vùng, khu vực… Qua đó hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm cũng như tìm kiếm khách hàng, kênh phân phối nhằm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là những sản phẩm lợi thế của tỉnh.
Đ.QUỐC