Thương mại Việt Nam - Tây Ban Nha: Nhiều triển vọng tăng trưởng
Áp lực cạnh tranh gia tăng khiến thương mại hàng hóa giữa Việt Nam - Tây Ban Nha gặp nhiều thách thức, song trong thách thức, vẫn thấy triển vọng tăng trưởng.
EVFTA - đòn bẩy nâng thương mại Việt Nam - Tây Ban Nha
Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cho biết, những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa hai nước đã phát triển ổn định.
Số liệu của Hải quan Việt Nam cho biết, năm 2024 kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 4,71 tỷ USD, tăng 19,5%; trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 4 tỷ USD, tăng 21%, nhập khẩu tăng khoảng 14,2%. Xuất siêu tiếp tục được duy trì ở mức cao là 3,29 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Tây Ban Nha gồm điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị, dệt may, giày dép, hải sản, cà phê và đồ nội thất... Ảnh: Quỳnh Anh
Với kết quả này, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cho rằng, mức tăng trưởng thương mại tương đối khả quan. Việt Nam luôn duy trì là một trong những nước có thị phần và kim ngạch xuất khẩu lớn nhất khu vực châu Á sang Tây Ban Nha, chỉ xếp sau các đối tác vốn được xem là chiến lược của bạn như Trung Quốc và Ấn Độ, xếp trên tất cả các nước châu Á còn lại và các quốc gia ASEAN khác.
“Kết quả này cũng đưa Tây Ban Nha trở thành đối tác thương mại lớn thứ năm của Việt Nam trong EU, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại chính của Tây Ban Nha trong ASEAN” - Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha thông tin và nhận định.
Phát huy những kết quả đó, trong quý I/2025 quan hệ thương mại giữa hai nước tiếp tục được thúc đẩy nhờ hiệu lực của Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA).
Đáng chú ý, vừa qua, trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pedro Sánchez từ ngày 8-10/4/2025, hai bên đã đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, mở ra cơ hội lớn trong các lĩnh vực tiềm năng như năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến và hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Tây Ban Nha vẫn còn nhiều hạn chế so với tiềm năng.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước chiếm 0,7% so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Tây Ban Nha và 0,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Chưa kể, đầu tư của Tây Ban Nha vào Việt Nam còn khiêm tốn, đứng thứ 46/147 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Do đó cả hai nước cần cùng nhau biến tiềm năng thành hiện thực, dựa trên cơ sở tin cậy, tôn trọng và tìm kiếm lợi ích chung, và sự hợp tác này còn nằm trong bối cảnh rộng lớn hơn của mối quan hệ giữa EU và ASEAN.
Ngoài ra, các yếu tố cạnh tranh cũng ngày càng gia tăng, như việc EU thúc đẩy phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mexico, Mercosur, New Zealand và các nước ASEAN khác. Điều này sẽ đặt áp lực lên hàng hóa Việt Nam tại thị trường Tây Ban Nha.
Triển vọng tăng trưởng trong thách thức
Tuy nhiên, trong thách thức vẫn thấy triển vọng tăng trưởng. Hai nền kinh tế Việt Nam - Tây Ban Nha có nhiều lợi thế, mang tính bổ sung cho nhau. Các doanh nghiệp Tây Ban Nha có thế mạnh trong các lĩnh vực như công nghiệp, năng lượng và cơ sở hạ tầng giao thông - đặc biệt là đường sắt đô thị - những lĩnh vực rất phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam sở hữu vị trí chiến lược tại Đông Nam Á, là thị trường tiềm năng trong bối cảnh toàn cầu hóa và các căng thẳng địa chính trị.

Doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm hiện hành của EU
Để biến tiềm năng thành hiện thực, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha khuyến nghị, doanh nghiệp hai nước cần dựa trên cơ sở tin cậy và cùng tìm kiếm lợi ích chung. Doanh nghiệp hai bên nên tăng cường hợp tác trong các dự án chiến lược, tập trung vào đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường.
Đáng chú ý, thương vụ Việt Nam khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm hiện hành của EU.
Song song đó, tăng cường phối hợp với thương vụ trong các hoạt động, hợp tác, ký kết hợp đồng; tiếp tục tham gia các chương trình xúc tiến, các hội chợ, triển lãm chuyên ngành để quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác giao thương.
Về phía thương vụ, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong hoạt động kết nối giao thương với thị trường nước sở tại; thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam và Tây Ban Nha để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, tiếp thị và kết nối giao thương.
Trong thời gian tới, thương vụ cũng chủ động cảnh báo về rào cản thương mại - các giải pháp kỹ thuật cơ sở cho các cơ quan, tổ chức và hiệp hội doanh nghiệp trong nước...
Năm 2024 kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Tây Ban Nha đạt trên 4,71 tỷ USD, tăng 19,5%; trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 4 tỷ USD, tăng 21%, nhập khẩu tăng khoảng 14,2%. Xuất siêu tiếp tục được duy trì ở mức cao là 3,29 tỷ USD.