Thương mại Việt Nam - Trung Quốc: Còn bỏ trứng vào một giỏ?
Trung Quốc là nền kinh tế có tổng quy mô GDP lớn thứ hai thế giới, cũng là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách Zero Covid khiến cho việc giao thương hàng hóa giữa 2 nước gặp không ít khó khăn.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu liên tục tăng
Theo Tổng cục Thống kê, trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. So với tổng kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường của Việt Nam, nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2019 chiếm 29,8%, năm 2020 chiếm 32%, năm 2021 chiếm 33,1%, 8 tháng năm 2022 chiếm 33,1%, dự báo cả năm 2022 chiếm 33,4%. Đây là tỷ trọng tăng lên và lớn hơn nhiều so với các thị trường lớn thứ 2 trở xuống (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Thái Lan,…).
Nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc sang Việt Nam có tốc độ tăng cao, năm 2019 tăng 15,2%, năm 2020 tăng 11,6%, năm 2021 tăng 30,5%, 8 tháng 2022 tăng 12,6%, dự báo cả năm 2022 tăng 11,6%. Mức tăng tuyệt đối về nhập khẩu từ Trung Quốc khá lớn và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức tăng nhập khẩu của cả nước (2019 tăng 9,95 tỷ USD, chiếm 59,6%; 2020 tăng 8,72 tỷ USD, chiếm 93,8%; 2021 tăng 25,68 tỷ USD, chiếm 36,9%; 8 tháng 2022 tăng 9,17 tỷ USD, chiếm 30,8%; dự đoán cả năm 2022 tăng 12,7 tỷ USD, chiếm 36,5%).
Mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có nhiều, trong đó có 14 mặt hàng đạt quy mô lớn (trên 1 tỷ USD). Lớn nhất là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; Vải; Điện thoại và linh kiện; Sắt thép; Sản phẩm chất dẻo, hóa chất; Nguyên phụ liệu dệt may, giày dép; Dây điện và dây cáp điện... Trong các mặt hàng này, có những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, vải.
Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2016 là 21,97 tỷ USD, chiếm 12,4%; năm 2017 là 35,46 tỷ USD, chiếm 16,8%; năm 2018 là 41,37 tỷ USD, chiếm 17%; năm 2019 là 41,46 tỷ USD, chiếm 15,7%; năm 2020 là 48,91 tỷ USD, chiếm 17,3%; năm 2021 là 56,01 tỷ USD, chiếm 16,7%; 8 tháng năm 2022 là 35,63 tỷ USD, chiếm 14,1%; dự đoán năm 2022 là 51,44 tỷ USD, chiếm 13,9%).
Các mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc rất đa dạng, trong đó có một số mặt hàng có kim ngạch lớn (trên 1 tỷ USD) như điện thoại và linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, giày dép, thủy sản, cao su. Một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn (cao hơn tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng xuất khẩu mặt hàng tương ứng của Việt Nam), như rau quả, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su, Clanhke và xi măng…
Đa dạng hóa thị trường, tránh đứt gẫy nguồn cung
Do nhập khẩu có quy mô lớn và tốc độ tăng cao hơn xuất khẩu, nên nhập siêu từ Trung Quốc lớn nhất trong các thị trường mà Việt Nam có quan hệ thương mại và đang có xu hướng tăng lên. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, do Trung Quốc là nền kinh tế có quy mô tổng GDP lớn thứ 2 thế giới (năm 2020 đạt 14,72 nghìn tỷ USD, chiếm 17,4% toàn cầu); có GDP bình quân đầu người đạt 10.435 USD (nếu tính PPP đạt 17.211 USD); có tỷ trọng trong GDP của nông, lâm nghiệp - thủy sản chỉ còn 7,7%; có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới (năm 2020 đạt 2723,3 tỷ USD và tiếp tục tăng cao), có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới (2357,1 tỷ USD).
Thứ hai, Trung Quốc còn là nước có quy mô dân số đông nhất thế giới, có đường biên giới dài rộng với Việt Nam, với nhiều cửa khẩu và chợ biên giới mà dân cư 2 bên có thể chi tiêu chung đồng tiền của 2 nước. Cơ cấu GDP của Trung Quốc đang có xu hướng chuyển mạnh sang công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, tỷ trọng nông, lâm nghiệp - thủy sản giảm mạnh và còn ở mức thấp nên đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu và sản xuất các mặt hàng công nghiệp giá trị cao.
Thứ ba, có một nguyên nhân quan trọng là chênh lệch giữa tỷ giá sức mua tương đương và tỷ giá thực tế của Việt Nam lớn hơn của Trung Quốc (2,44 lần so với 1,65 lần).
Bên cạnh những mặt tích cực, trong quan hệ buôn bán với Trung Quốc, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức với thị trường rộng lớn này. Do nhập siêu từ Trung Quốc quá lớn và ngày càng tăng nên chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường này dẫn đến nhiều mặt hàng xuất, nhập khẩu của Việt Nam còn có tình trạng “bỏ trứng vào một giỏ”. Khi Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách Zero Covid đã thường xuyên xảy ra là nhiều hàng nông sản bị ùn tắc lớn ở các cửa khẩu gây thiệt hại lớn cho người nông dân và DN trong nước
Khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới trong 3 năm qua, nhiều chuyên gia kinh tế đã khuyến cáo, Việt Nam nên đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu để tránh đứt gẫy nguồn cung, cũng như đẩy mạnh được xuất khẩu. Trước mắt, Việt Nam cần tận dụng triệt để các Hiệp định thương mại đã ký kết với các thị trường khác trên thế giới để đẩy mạnh xuất, nhập khẩu tránh lệ thuộc vào một thị trường duy nhất. Từ đó mới cân bằng được cán cân thương mại tiến tới phát triển kinh tế một cách bền vững.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thuong-mai-viet-nam-trung-quoc-con-bo-trung-vao-mot-gio.html