Thương nhân phân phối phải báo cáo về nhập, xuất và tồn kho xăng dầu

Thương nhân phân phối xăng dầu phải thực hiện việc báo cáo với các nội dung theo quy định gồm: báo cáo nhập, xuất và tồn kho xăng dầu, báo cáo đăng ký điều chỉnh hệ thống phân phối... về Bộ Công thương.

Thương nhân phân phối phải báo cáo về xuất-nhập và tồn kho xăng dầu về Bộ Công thương.

Thương nhân phân phối phải báo cáo về xuất-nhập và tồn kho xăng dầu về Bộ Công thương.

Bộ Công thương vừa có văn bản gửi thương nhân phân phối xăng dầu về việc đôn đốc báo cáo theo quy định; trong đó có nội dung báo cáo nhập-xuất- tồn kho xăng dầu và tồn kho xăng dầu theo 3 miền...

Văn bản được ban hành sau khi một số doanh nghiệp đầu mối đề xuất giảm nguồn phân giao nhập khẩu xăng dầu trong năm nay để giảm lỗ.

Cụ thể, căn cứ theo các Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 80/2023/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương cho rằng, để phục vụ công tác quản lý nhà nước các mặt hàng xăng dầu, Bộ này đề nghị thương nhân phân phối nghiêm túc thực hiện việc báo cáo 3 nội dung theo quy định gồm: Báo cáo nhập - xuất - tồn kho xăng dầu và tồn kho xăng dầu theo 3 miền; báo cáo đăng ký điều chỉnh hệ thống phân phối; quyết định điều chỉnh giá và báo cáo đột xuất khác khi có yêu cầu.

Những báo cáo này phải được thương nhân phân phối gửi qua đường văn thư đến Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương (số 23 Ngô Quyền, Hà Nội), đồng thời gửi bản PDF có ký tên đóng dấu của doanh nghiệp đến địa chỉ email [email protected] của Bộ Công thương để Vụ Thị trường trong nước tổng hợp.

Công văn cũng nhấn mạnh, trường hợp thương nhân phân phối không báo cáo hoặc quá hạn về thời gian, Bộ Công thương sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại cuộc họp với Bộ Công thương hôm 18/9, một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có đề xuất điều chỉnh giảm mức tổng nguồn được phân giao cho cả năm 2024.

Bởi theo lý giải của các doanh nghiệp, hiện nay, nhu cầu của người dân về cơ bản sẽ không có sự tăng trưởng đột biến. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão; một số doanh nghiệp bị lỗ do những tháng gần đây, giá xăng dầu giảm mạnh, trong khi lượng dự trữ của doanh nghiệp phải đảm bảo trong 20 ngày cung ứng nên việc cân đối gặp khó khăn.

Nguyên nhân, theo các doanh nghiệp này, nhu cầu của người dân không có sự tăng trưởng đột biến. Nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại nặng sau bão; số khác bị thua lỗ do những tháng gần đây giá xăng dầu giảm mạnh, trong khi doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải duy trì dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu bằng 20 ngày cung ứng nên việc cân đối gặp khó khăn.

Trước đề nghị của doanh nghiệp, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, ông Pham Văn Chinh cho biết: "Tình hình thị trường xăng dầu còn có những diễn biến rất phức tạp trong những tháng tới, thời tiết cũng sẽ có những diễn biến khó lường, Bộ sẽ cân nhắc thật kỹ về vấn đề xin điều chỉnh giảm tổng nguồn được phân giao của các doanh nghiệp".

Năm 2024, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được Bộ Công thương phân giao cho 36 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện là 28,43 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Trong đó: xăng dầu mặt đất: bao gồm xăng, diesel, dầu mazut, dầu hỏa: 27,45 triệu m3/tấn; nhiên liệu hàng không: bao gồm Jet A1, xăng tàu bay: 980.039 m3.

Báo cáo từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, tổng nguồn nhập khẩu và mua trong nước thực hiện 8 tháng đạt 18,16 triệu m3/tấn, bằng 63,7% tổng nguồn tối thiểu Bộ phân giao, bằng với cùng kỳ năm trước.

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thuong-nhan-phan-phoi-phai-bao-cao-ve-nhap-xuat-va-ton-kho-xang-dau-d225596.html