Thương nhân Trung Quốc ở Afghanistan rơi vào cảnh 'tiến thoái lưỡng nan'

'Đi hay ở?' là câu hỏi mà rất nhiều thương nhân Trung Quốc sinh sống tại Afghanistan đang tự hỏi trong nhiều ngày kể từ khi lực lượng Taliban nắm quyền kiểm soát và hỗn chiến xảy ra.

“Đi hay ở?”

Thương nhân Trung Quốc ở Afghanistan đang rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Ảnh: South China Morning Post.

Trong hơn 4 năm qua, Yu Yong, thương nhân 48 tuổi, sinh sống bằng nghề kinh doanh đá quý, cung cấp vật tư y tế và văn phòng phẩm tại thủ đô Kabul, Afghnistan và vốn dự định sẽ ở lại đây lâu dài.

Tuy nhiên, là một trong số những người Trung Quốc cuối cùng còn sót lại tại Afghanistan, Yu đang cân nhắc những rủi ro mà ông sẽ gặp phải nếu ông lựa chọn ở lại. Đặc biệt trong bối cảnh hỗn loạn trải dài các quốc gia Trung Á và nỗi sợ hãi trước sự trở lại của đạo luật Sharia, Yu lại càng rơi vào thế khó. “Về cơ bản, việc kinh doanh của tôi đã bị ngừng trệ”, ông Yu chia sẻ.

Chia sẻ với tờ South China Moring Post, Yu cho biết ngay sau khi lực lượng Taliban nắm quyền kiểm soát thủ đô Kabul, các chiến binh thuộc phiến quân đã trấn an các chủ doanh nghiệp Trung Quốc, đưa cho họ tài liệu chứng nhận hoạt động của Taliban là hợp pháp và được bảo vệ.

“Họ thậm chí còn nói với chúng tôi rằng có thể liên lạc với họ khi chúng tôi gặp rắc rối”, Yu kể lại. “Hiện tại, có vẻ như lực lượng Taliban, ít nhất là tại Kabul, vẫn đang thực hiện khá tốt các chính sách họ tuyên bố. Họ cũng không cướp bóc người dân. Dù vậy, thật khó để khẳng định điều này sẽ kéo dài trong bao lâu”, ông Yu nghi hoặc.

Đối với Yu Minghui, Giám đốc Ủy ban Xúc tiến Kinh tế và Thương mại Ả Rập Trung Quốc, ông cho rằng mình cũng có những trải nghiệm tương tự. “Chỉ huy khu của Taliban đã đến thăm chúng tôi tại khu phố người Hoa ở Kabul, và khẳng định sẵn sàng giúp đỡ nếu chúng tôi gặp bất kỳ khó khăn nào”, ông Yu Minghui, người đã làm việc tại Afghanistan trong gần hai thập kỷ, chia sẻ.

“Ông ấy nói rằng chúng tôi có thể giúp ổn định trật tự cuộc sống trong thành phố và hứa sẽ không thu phí của chúng tôi hay thậm chí không cần chúng tôi cung cấp đồ ăn cho họ”, ông Yu chia sẻ.

Dù vậy, những biến động xảy ra tại Afghanistan hiện cũng đã có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp Trung Quốc. “Các cửa hàng buộc phải đóng cửa để tránh xảy ra tình trạng cướp bóc trong bối cảnh hỗn loạn. Các quy tắc kinh doanh trước đây đều bị phá vỡ”, ông Yu Minghui chia sẻ.

Lệnh trừng phạt nước ngoài

Hàng trăm người dân Afghanistan vào ngày 28/8 đã tổ chức biểu tình bên ngoài một ngân hàng tại thủ đô Kabul. Ảnh: Getty Images.

Lực lượng Taliban đã tìm cách thể hiện giọng điệu ôn hòa, phân biệt với cách tiếp cận cứng rắn của hai thập kỷ trước. Dẫu vậy, động thái đó mới chỉ mang tính ngắn hạn. Tương lai của những doanh nhân Trung Quốc vẫn đang ở lại Afghanistan lại phụ thuộc vào các yếu tố dài hạn.

Một trong những yếu tố dài hạn trên là lệnh trừng phạt của các quốc gia lớn khác khi đây là vấn đề quan trọng được các nhà lãnh đạo của nhóm G7 liên tục đề cập tới trong cuộc họp về tình hình tại Afghanistan.

Đối với Yu Minghui và các thương nhân khác, tác động của những lệnh trừng phạt như vậy sẽ rất lớn. “Tình hình kinh tế của Afghanistan đang đi lùi và các lệnh trừng phạt của phương Tây thậm chí sẽ khiến nó trở nên tồi tệ hơn”, ông Yu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, lực lượng Taliban đã phần nào trấn an cộng đồng thương nhân Trung Quốc về việc sẽ đảm bảo việc làm ăn diễn ra như bình thường. Tuy nhiên, đối với các thương nhân Trung Quốc hiện vẫn đang ở Afghanistan, họ vẫn phải để ý đến những dấu hiệu xem: liệu Trung Quốc có công nhận Taliban hay không?

“Nếu Trung Quốc không công nhận, chúng tôi sẽ phải rời đi”, Yu Yong nhận định.

Hiện, Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào về Taliban nhưng vẫn tiếp tục tiếp cận các đại diện của nhóm chiến binh này.

Vào hôm 24/8, một phái đoàn Taliban đã gặp Wang Yu – đại sứ Trung Quốc tại thủ đô Kabul. Ngoài ra, khi hầu hết các quốc gia đã sơ tán nhân viên ngoại giao thì Trung Quốc lại là một trong số ít các quốc gia vẫn mở cửa đại sứ quán tại thủ đô Kabul.

Vào hôm 26/8, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết quốc gia này sẵn sàng hỗ trợ công cuộc tái thiết Afghanistan và thúc đẩy đà phát triển đất nước.

Trước đó, Mỹ được cho là đã chặn lực lượng Taliban tiếp cận các tài khoản chính phủ do Cục Dự trữ Liên bang và các ngân hàng khác của Mỹ quản lý, đồng thời nỗ lực ngăn chặn Taliban tiếp cận khoản dự trữ trị giá gần nửa tỷ USD tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Thái độ lạc quan

Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng chỉ ra rằng, trong nửa đầu năm nay, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Afghanistan đạt hơn 300 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến cuối tháng 6 vừa qua, Trung Quốc đã đầu tư tổng 430 triệu USD vào Afghanistan.

Yu và các thương nhân Trung Quốc khác đang sinh sống tại Afghanistan đang nằm ở giữa lằn ranh an ninh và kinh tế, điều mà có thể thay đổi tình thế chỉ trong nháy mắt. Dù cho tình hình còn hỗn loạn, giới doanh nhân Trung Quốc dường như trở nên lạc quan về công cuộc tái thiết Afghanistan thời kỳ hậu chiến.

“Có vô số cơ hội kinh doanh ở một đất nước giai đoạn sau chiến tranh. Nổi bật nhất là hoạt động khai thác mỏ”, Yu Yong cho hay. Đồng thời, ông cũng cho biết thêm rằng, nếu Trung Quốc công nhận chế độ Taliban, ông sẽ mở rộng kinh doanh tại Afghanistan.

“Quốc gia này có lượng tài nguyên khoáng sản dồi dào mà gần như chưa được khai thác đến. Có nhiều khả năng lực lượng Taliban sẽ ủng hộ mạnh mẽ việc phát triển ngành công nghiệp khai khoáng vì họ cần rất nhiều tiền. Từ đây, tôi có thể bán khoáng sản cho Trung Quốc”, ông Yu chia sẻ.

Ngoài ra, ông Yu Minghui cho biết ông đã lường trước về những tình huống có thể xảy ra và nhấn mạnh rằng “bất kể ai cầm quyền, miễn là họ cần phát triển kinh tế và thương mại, Trung Quốc và doanh nhân Trung Quốc chắc chắn sẽ không từ chối họ”.

Hương Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thuong-nhan-trung-quoc-o-afghanistan-roi-vao-canh-tien-thoai-luong-nan-post153489.html