Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và những cống hiến cho sự nghiệp tài nguyên của đất nước
Từng có thời gian công tác tại Cục Bản đồ địa chất, cùng sống trong một khu tập thể giản dị, tôi may mắn được làm việc và sẻ chia cuộc sống đời thường bên đồng chí Trần Đức Lương - người sau này trở thành Chủ tịch nước, Nhà lãnh đạo đức độ, mẫu mực, tài năng, kiên trung của Đảng. Những kỷ niệm ấy, đến giờ vẫn in đậm trong tim.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương gặp gỡ công nhân Công ty Than Khe Chàm khai thác than trong hầm lò năm 2002. Ảnh: Trọng Nghiệp/TTXVN
Vì thế, khi hay tin ông qua đời vào tối 22/5, tôi lặng người. Một nỗi tiếc thương vô hạn trào dâng, như tiễn biệt một người thân yêu, một con người tận tụy, liêm khiết, giàu nghĩa tình.
Là một nhà báo, từng có duyên gắn bó sâu đậm với gia đình Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, tôi lưu giữ trong mình biết bao ký ức chân thực, quý giá, đủ để viết nên cả một cuốn sách về ông, một vị lãnh đạo mẫu mực, mộc mạc và đầy nhân hậu. Nhưng lúc này, khi cầm bút để viết những dòng tưởng nhớ, tim tôi như thắt lại. Bao kỷ niệm ùa về, làm nghẹn từng con chữ, bởi sự ra đi của ông không chỉ là mất mát của đất nước, mà còn là khoảng trống khó lấp trong lòng người ở lại.
Ngay từ ngày đầu được điều động về Cục Bản đồ địa chất, tôi được sắp xếp ở khu nhà tập thể và thật may mắn, gian phòng của tôi lại liền kề với Cục trưởng Trần Đức Lương. Giai đoạn những năm 80, khi ấy, tôi chỉ là một cán bộ trẻ, đầy háo hức, cũng đầy bỡ ngỡ với môi trường công tác mới. Còn ông – người lãnh đạo cao nhất của Cục - lại mang dáng vẻ của một con người thâm trầm, giản dị, nhưng ánh mắt thì luôn ánh lên sự thông tuệ và sâu sắc.
Buổi gặp đầu tiên giữa chúng tôi diễn ra không giống bất kỳ buổi chào hỏi thông thường nào. Ông không hỏi tôi quê quán ở đâu, gia cảnh thế nào như lẽ thường người ta vẫn hay bắt chuyện mà thay vào đó, ông nhìn tôi, mỉm cười rồi hỏi ngay một câu đầy hàm lượng chuyên môn: “Vùng đất tiếp giáp giữa Thái Nguyên và Tuyên Quang mấy năm trước đội khảo sát Đội địa chất mình đã phát hiện là nơi hội tụ của một vùng kiến tạo đa khoáng, cậu có nắm được không?”.
Tôi có chút bất ngờ, nhưng cũng vui vì được trao đổi nghề nghiệp với người đứng đầu ngành. Tôi đáp, theo tài liệu của các đoàn khảo sát lập bản đồ từ trước đến nay, Đoàn Địa chất 12 và 14 hiện cũng đang thăm dò. Đó đúng là một vùng đa khoáng, trong đó chủ yếu là kim loại màu, với quặng thiếc (caster) cộng sinh với thạch anh, tuốc-ma-lin, penpatr… Tôi còn nói thêm, về phía Sơn Dương thì có parit, còn phía Đại Từ thì có cả vonpram…
Nghe tôi nói, ông gật gù, ánh mắt thoáng niềm hài lòng. Ông nhắc lại tài liệu nghiên cứu của Nguyễn Nghiêm Minh và Lê Thản ở Viện Khoáng sản, khẳng định vùng này rất phong phú, tiềm năng lớn. Nhưng rồi ông trầm giọng: “Phong phú là vậy, nhưng phương pháp khai thác sau này mới là điều đáng lo. Làm sao mà tận thu được hết tổ hợp cộng sinh phức tạp của mỏ, mới là điều khó”.
Những câu chuyện đầu tiên ấy không chỉ là sự sẻ chia kiến thức, mà còn là hình ảnh rõ nét nhất về ông Trần Đức Lương, một nhà địa chất tâm huyết, cẩn trọng, sâu sắc đến từng chi tiết. Ông không làm lãnh đạo theo kiểu hành chính khô cứng, mà luôn là người đồng hành, người thầy cho những người trẻ chúng tôi lúc bấy giờ.
Vậy nên hôm nay, khi hay tin ông đã về với đất mẹ vào tối 22/5, tôi như nghẹn lại. Câu nói đầu tiên năm ấy vẫn vang bên tai tôi như mới hôm qua, mà người thì đã vĩnh viễn đi xa. Ông ra đi, mang theo một thế hệ vàng của những nhà khoa học , nhà lãnh đạo vừa uyên bác, vừa chân chất, mà cũng đầy tình người. Trong tôi, không chỉ là nỗi mất mát, mà còn là sự trân trọng đến tận cùng với một con người mà tôi từng được gọi là “người hàng xóm liền gian”.
Những năm tháng ở khu tập thể của Cục Bản đồ địa chất trên đất Tân Quang (Mĩ Văn, Hải Hưng), dãy nhà nhìn ra cánh đồng thuốc nam Nghĩa Trai, dường như chưa đêm nào thật sự tĩnh lặng. Bởi tối nào cũng vậy, phòng ông Lương sáng đèn. Khách từ các đoàn khảo sát khắp ba miền Việt Bắc, Đông Bắc, Tây Bắc, miền Trung cứ tranh thủ ghé qua báo cáo. Có những hôm, mãi đến tám, chín giờ tối ông mới kịp ăn cơm. Sau bữa ăn, ông lại bật đèn sáng, cẩn thận trải tấm bản đồ địa chất ra, cắm cúi đánh dấu từng địa danh mà anh em vừa báo cáo. Không một chi tiết nào bị ông bỏ sót.
Những năm tháng là cộng sự, đồng nghiệp, tôi có vinh dự được tham dự và ghi chép tại các buổi giao ban do Cục trưởng Trần Đức Lương chủ trì. Các cuộc giao ban có sự góp mặt của những cán bộ đầu ngành các đoàn khảo sát địa chất về báo cáo, trao đổi chuyên môn. Ngày đầu được tham dự cuộc họp, tôi không khỏi ngần ngại, bởi ngồi quanh bàn là những vị đoàn trưởng, kỹ sư, tiến sĩ có tiếng như Tạ Hoàng Tinh, Bùi Phú Mỹ… Đây đều là những bậc thầy mà chúng tôi từng học qua sách, từng nghiên cứu và thường chỉ biết về họ qua lời kể. Vậy mà ông Lương, với phong thái điềm đạm, vẫn giữ cho không khí buổi họp luôn gần gũi, cởi mở, nhưng đầy chiều sâu học thuật. Vừa lắng nghe, ông vừa ghi chép, thỉnh thoảng xen vào những câu hỏi chuyên môn khiến ai cũng phải chú ý.
Ông hỏi: “Các dấu hiệu khoáng sản ở vùng Hà Tĩnh thế nào rồi?”. Vừa hỏi, ông vừa dặn dò kỹ càng: “Anh em ở Lai Châu nhớ thận trọng khi sử dụng máy đo phóng xạ, đừng chủ quan”. Những câu hỏi ấy không đơn thuần là sự kiểm tra, mà còn là sự tiếp lửa – một cách truyền kinh nghiệm, chia sẻ trách nhiệm từ người lãnh đạo có tâm, có tầm.
Khi nghe trưởng đoàn địa Vật lý báo cáo, ông trầm giọng nói: “Máy thăm dò theo phương pháp địa Vật lý bây giờ có thể còn đơn sơ, nhưng đó là tiền đề cho cả ngành địa chất trong tương lai đấy”. Và đúng thật, ngày nay, ngành khảo sát địa chất Việt Nam đã có bước tiến lớn, đã có nhiều thiết bị thăm dò hiện đại như vệ tinh chụp chiếu từ không gian truyền về hình ảnh đất. Điều tưởng như viễn tưởng ngày ấy, lại được ông nhìn thấy từ rất sớm.
Cuộc họp nào ông cũng điều hành đúng giờ, đến đúng 11 giờ trưa là đưa ra kết luận. Phần kết luận của ông luôn ngắn gọn, rõ ràng, súc tích - và quan trọng nhất, bao giờ cũng tạo được sự đồng thuận cao từ toàn thể các đoàn. Không khí sau cuộc họp lúc nào cũng nhẹ nhõm, cởi mở. Mọi người vui vẻ xuống nhà ăn tập thể dùng bữa cơm trưa đạm bạc, rồi chiều lại vội vàng khăn gói về đơn vị, xuôi ngược các vùng xa như Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Giang, Hà Tĩnh… Chỉ có vùng đất nằm dưới Vĩ tuyến 17 khi ấy còn chia cắt là chưa thể vượt sang được.
Thống nhất đất nước, ngay từ những ngày đầu, ông đã mời Thường trực Đảng ủy tới bàn chủ trương, và thống nhất thành lập đoàn địa chất vào khảo sát, lập bản đồ địa chất miền Nam ngay sau ngày thống nhất đất nước. Việc cử người vào vùng đất rừng phương Nam, nơi chiến trường xưa còn vương bom mìn sau mấy mươi năm chiến tranh, là quyết định không dễ dàng. Ông bàn kỹ, cân nhắc cả về chuyên môn lẫn tinh thần. Chưa kịp gợi ý, kỹ sư Nguyễn Xuân Bao, người bạn tâm giao của ông, đã chủ động nhận nhiệm vụ, dẫn theo hơn trăm cán bộ kỹ thuật vào Nam. Sau này, ông Nguyễn Xuân Bao được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì thành tích lập bản đồ địa chất các tỉnh phía Nam.
Tại Văn phòng Cục, ông Lương cùng anh em cán bộ tổng hợp tài liệu, hoàn chỉnh tờ bản đồ địa chất miền Bắc sau nhiều năm gian nan khai thác tài liệu cũ của Pháp, kết hợp cùng với chuyên gia Liên Xô nghiên cứu. Thành công của công trình nghiên cứu lập bản đồ địa chất miền Bắc do ông chủ trì đã được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh. Kỹ sư Nguyễn Tắc Lộc, Liên đoàn trưởng Liên đoàn 1, trong một lần gặp từng nói với tôi: "Trần Đức Lương hồi học đại học đã được mời nói chuyện chuyên đề kiến tạo địa chất. Sinh viên các khóa rất thần tượng ông. Ai gần ông đều học hỏi được nhiều”.
Sau này, khi tôi làm báo ở Hải Hưng, ghé thăm ông, khi đó, gia đình ông sinh sống tại phố Đội Cấn, Hà Nội tôi nói chuyện tỉnh Hải Hưng có nhà máy xay Ninh Giang, sản lượng lớn mà khó xuất khẩu, và cả nhà máy đông lạnh cũng vậy. Ông bảo: "Bảo tỉnh lên báo cáo Văn phòng, chúng mình bàn hướng đi…”.
Khi ông đảm nhận vị trí Chủ tịch nước, ông về thăm Hải Hưng, tôi lại được may mắn tháp tùng. Nghe lãnh đạo tỉnh nói: "Tỉnh nghèo, nhiều đồi núi...", ông cười: "Cả dải khoáng sản lộ thiên từ Chí Linh đến Kinh Môn sừng sững thế kia mà kêu nghèo à?". Rồi kết quả sau đó, hai nhà máy xi măng Hoàng Thạch, Phúc Sơn ra đời, mỗi năm đóng góp gần nửa ngân sách tỉnh.
Khi về thăm Côn Sơn, ông xem bia, bảo: "Tiếng Hán thì mình chịu, tiếng Anh, Pháp, Nga thì tạm". Tôi hỏi cảm xúc ông về chuyến thăm, ông nói: "Ngành địa chất có thuật ngữ 'trầm tích địa tầng'. Vòng cung Đông Bắc này là trầm tích của những anh hùng hào kiệt". Câu nói ấy đã gợi mở cho tôi làm phim tài liệu "Trầm tích những vì sao", nói về trầm tích các anh hùng hào kiệt được dịch ra hai thứ tiếng và phát sóng ra nước ngoài.
Một lần khác đến thăm nhà riêng, ông không hỏi chuyện chính sự mà bắt đầu bằng câu chuyện về đời sống nông dân, về làng quê - nơi mà ông luôn đau đáu dù ở bất kỳ cương vị nào. Tôi mang theo bản thảo tập trường ca "Lòng đất và tình người địa chất". Ông lật từng trang, đọc kỹ từng câu. Ông chỉnh sửa đoạn đầu nói về sự hình thành của Trái đất, với sự am hiểu sâu sắc của một nhà địa chất từng trải. Khi đọc đến phần viết về tình người trong nghề, ông dừng lại, gật đầu và khẽ nói: "Chỉ có hơn chục năm trong ngành mà chúng mình vẫn hay gọi cậu là nhà địa chất". Câu nói ấy với tôi là lời công nhận lặng lẽ nhưng sâu sắc từ một người thầy, một người anh, một nhà lãnh đạo suốt đời gắn bó với lòng đất, với con người.
Đêm 20/5/2025, Trần Tuấn Anh, con trai ông, gọi báo tin: ông đã ra đi lúc 22 giờ 50 phút. Dù tôi đang điều trị tại bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Dương, ký ức về ông cứ trào lên. Tôi gắng gượng ngồi dậy viết. Nếu không viết, tôi thấy mình có lỗi với một người đã dành cả đời lặng lẽ tìm kiếm tài nguyên, làm giàu cho đất nước, và để lại trong lòng người ở lại một di sản vô giá tình người, trí tuệ, và lòng tận tụy.
NGUYỄN THANH CẢI - nguyên Tỉnh ủy viên, Nguyên Giám đốc Đài PTTH tỉnh, kiêm Chủ tịch HNB Hải Dương