Thương nhớ cổng làng

Thương nhớ ai, chứ ai lại thương nhớ cổng làng. Thế mà thương nhớ thật, nhất là vào những ngày mùa hè này, khi hoa phượng đã rực đỏ khắp nơi, khi tụi học trò đã thi xong và chuẩn bị nghỉ hè…

Không gian cổng làng Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Đức Quang.

Không gian cổng làng Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Đức Quang.

Tôi nhớ về cổng làng quê của mình khi xưa. Ngày nào đi học cũng đi qua cổng làng, nhưng khi hè về, thì cổng làng trở thành nơi hò hẹn vào mỗi buổi trưa trốn ngủ.

Cổng làng tôi xây bằng đá ong. Phía trên cây dại mọc phủ. Phía dưới, xe cải tiến và trâu bò va vào mòn nhẵn…

Cạnh cổng làng, có ao sen xanh ngắt, bụi tre cũng xanh, và cây đa cũng tỏa bóng xanh mát. Hẹn nhau ở cổng làng, bọn trẻ chúng tôi chơi câu cá, trốn tìm, tắm ao… Thôi thì đủ cả. Đó thực sự là “thiên đường” để được vui chơi, chạy nhảy. Vào mùa cây đa có quả, chúng tôi còn trèo lên hái xuống chấm muối ăn…

Tôi cũng nhớ về những cái cổng làng mình đã đi qua. Cổng làng Cự Đà một sớm nào đã chạy qua chợt giật mình khi thấy chiếc đồng hồ to gắn giữa cổng, như ẩn ý một lời nhắc nhớ về thời gian cho con dân của làng và cả cho khách khứa đến với ngôi làng của nghề làm miến với những ngôi nhà cổ.

Và đây nữa, chiếc cổng làng của làng cổ Đường Lâm, ai đến cũng muốn “check-in”. Làng nổi tiếng nên cái cổng này cũng được đi vào trong nhiều tác phẩm nhiếp ảnh và hội họa. Riêng cổng làng Đường Lâm không thôi thì chưa hẳn đã đẹp, nhưng gộp chung lại cái không gian ấy, với cây đa cổ thủ bốn mùa phủ bóng, với bến nước long lanh thì đây quả là một không gian độc đáo.

Mỗi khi nhớ tới Đường Lâm người ta lại nhớ tới cổng làng này. Nhỏ nhắn thôi, nhưng có thể tiêu biểu cho cổng làng quê xứ Bắc. Trưa hè, dưới gốc đa cổ thụ, ngồi uống nước nhìn ngắm ra khoảng ao sen phía trước, ký ức lại rập rình trở về những năm thơ dại…

Cũng nhớ lắm về một cái cổng làng - hình như là làng Yên Thái - nằm ngay trên phố Thụy Khuê, đi qua đây bao lần mà vẫn còn giật mình về một vùng đất của Hà Nội, không xa Hồ Gươm là mấy nhưng vẫn còn giữ được nhiều dấu tích của làng, cũng là con phố có nhiều cổng làng nhất ở Hà Nội.

Cổng làng Yên Phụ chỉ cách phố Yên Phụ vài chục bước chân vẫn còn đó một vẻ cổ kính. Chiếc cổng này cũng đã đi vào nhiều bức ảnh của các nghệ sĩ. Dù cuộc sống phát triển, nhưng dân làng Yên Phụ vẫn bền bỉ giữ lại cổng làng này, và chiếc cổng làng, cũng là nơi đón nhận bao niềm vui, chia sẻ bao nỗi buồn.

Người ra đi cũng đi qua chiếc cổng làng này, người mới được rước dâu về cũng bước qua cổng làng này. Cổng làng Yên Phụ, cũng như tất cả những cổng làng quê xứ Việt, là nơi chứng kiến niềm vui của kẻ trở về, như tiếng reo vui trong câu thơ của ai đó: “Lũy tre thấp thoáng đằng xa/ Mấy mươi bước nữa về qua cổng làng/ Trong lòng bỗng thấy xốn xang/ Quê hương hai tiếng nặng mang suốt đời”; đồng thời chia sẻ nỗi ngậm ngùi khi phải tiễn những người con của làng trở về với đồng ruộng, với gió trời lồng lộng.

Cùng với cây đa, giếng nước, cổng làng gắn bó với tuổi thơ tôi cũng như nhiều cổng làng khác đã không còn, hoặc không còn nguyên vẹn như xưa. Ký ức thì như một cuốn phim, cứ tua trở lại và mong gặp lại những gì thân quen, thân thuộc.

Dù cho bây giờ, nhiều làng quê đã phục dựng lại cổng làng, xây cổng làng thật to, thật khang trang, nhưng hình ảnh những cổng làng bé nhỏ, gắn với ký ức, với kỷ niệm thì cứ trở đi trở lại, nhắc nhớ về một thời.

Thành ra, những ngày mùa hè này, cứ mãi là một niềm thương nỗi nhớ… Cổng làng…

Tản văn của DIỆP XƯA

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thuong-nho-cong-lang-10279606.html