Thương nhớ làng quê miền Bắc

Cuốn du ký của tác giả Thùy Linh cho cảm giác như chúng ta không chỉ đọc mà còn được đi thông qua những dòng chữ. Dưới con mắt của một nữ họa sĩ yêu tự do, yêu thiên nhiên, mỗi miền đất như Mông Cổ, Đức, Ai Cập… hiện lên sống động. Ngày ấy, những bãi bờ, nương dâu, những con thuyền nan mong manh neo đậu bên bờ lau bãi sậy ven sông đã đi vào bức vẽ của con trẻ một cách tự nhiên.

Dễ chừng phải mấy chục năm rồi, tôi mới có dịp quay lại những ngôi làng vùng châu thổ miền Bắc. Nói tới sông Hồng không ai không biết, nhưng với riêng tôi, con sông ấy lại gắn với những ngày ấu thơ đẹp đẽ, dù cuộc sống khi ấy rất khó khăn.

Đó là những sáng, những chiều, những ngày cuối tuần, lớp văn lớp vẽ của câu lạc bộ thiếu nhi được dẫn đi thực tế bên sông. Gia Lâm, Yên Sở, Cầu Đuống, Bát Tràng… ngay gần Hà Nội thôi mà với tôi là những thiên đường thật lạ lẫm.

Những miền quê Bắc Bộ

Ngày ấy, những bãi bờ, nương dâu, những con thuyền nan mong manh neo đậu bên bờ lau bãi sậy ven sông đã đi vào những bức vẽ ngô nghê con trẻ một cách thật tự nhiên.

Tình yêu thiên nhiên, hội họa, văn chương, những chuyến đi, có lẽ đã bắt nguồn từ đó. Sau này lớn lên, lại muốn tìm tới những miền đất lạ nên không có nhiều chuyến đi về những ngôi làng ở châu thổ của những con sông miền Bắc. Những bờ bãi nương dâu ấy chìm lấp đâu đó trong nỗi hoài hương của người xa xứ.

Năm ấy, khi hoa cải đã nở vàng dập dìu trên những cánh đồng dọc theo triền đê ven sông, tôi mới có dịp quay lại những địa danh xưa: Đình Bảng, Phụng Hiệp, làng Sủi, làng Diềm, làng Thổ Hà…

Đã hàng chục năm sống tại thành phố miền Nam, khung cảnh quê miền Bắc sao đột nhiên lạ lẫm quá. Lạ từ đường tới ngõ.

Tôi cố thuyết phục anh bạn lái xe đi tìm những con đường làng nơi còn rơm rạ phơi đầy trên đê. Bạn cười: “Thời buổi này, lấy đâu ra?”.

Bánh xe lạo xạo nghiến trên đá sỏi gợi nhớ lại con đường làng từ chùa Tây Phương tới chùa Thầy. Thời học sinh, có ai không từng đạp xe trên những con đường trải đầy rơm rạ, phơi thóc, phơi lúa?

Tôi kéo cửa kính xe. Rõ ràng là trong gió vẫn có mùi thơm của lúa, mùi ải của đất, mùi nồng nồng của bùn và mùi cay của khói rơm tỏa ra từ những nếp nhà ven triền đê. Thoảng trong gió còn là vị mặn mòi của nước sông đục màu của phù sa.

Bạn cười: “Khéo tưởng tượng quá!”.

Quê hương quan họ hiện ra trước mắt tôi. Làng Diềm, làng Thổ Hà… những cái tên thật dân dã, thật mộc mạc. Vẫn là con đò qua con sông Cầu năm nào, nhưng giờ chẳng còn ai gọi đò, chèo đò nữa, đã có máy móc đảm nhiệm.

 Làng tranh dân gian Đông Hồ. Ảnh: Nguyễn Xuân Tùng.

Làng tranh dân gian Đông Hồ. Ảnh: Nguyễn Xuân Tùng.

Thăm lại Thổ Hà

Thổ Hà vẫn ba mặt sông như một hòn đảo, nhưng vẻ duyên dáng nay còn đâu? Những đường làng, ngõ cổ sâu và hẹp từng một thời vang bóng vì vẻ đẹp của các bức tường mảnh sành, mảnh gốm vỡ chỉ dùng bùn sông Cầu trát lên mà thành, nay chỉ còn rất ít.

Vài ngôi nhà cổ cửa đóng, then cài còn sót lại trong các con ngõ. Chất Bắc Bộ xưa kia có chăng chỉ còn lại ở chiếc cổng làng nổi tiếng là đẹp nhất vùng hạ lưu sông Cầu, trên mái đình, mái chùa rêu phong, bên những cây đa trăm tuổi.

Bến nước bên sông Cầu sau thời gian bị ô nhiễm nặng, đã được cứu chữa, nhưng làm sao lấy lại được cái “trong leo lẻo” khi xưa? Quá nhiều thứ đã mất đi cùng nghề làm gốm của Thổ Hà.

Tôi đi dọc con ngõ nhỏ, nơi vẫn còn một bức tường làm từ những mảnh tiểu sành màu da lươn. Vuốt nhẹ tay trên những mảnh vỡ ấy, mà như có mũi dao đang cứa vào tim. Cứa vào nỗi hoài hương về một miền quê không phải nơi mình sinh ra, không phải nơi mình từng gắn bó, nhưng không hiểu sao, mấy mươi năm luôn đau đáu về.

Những mặt gốm nâu sẫm, dày đanh, tiếng gõ nghe như tiếng thép, như mang theo nỗi niềm của bao người chót bén duyên cùng Thổ Hà năm xưa.

Những nỗi niềm đã tan theo từng ánh đỏ, hòa vào những sắc nâu và biến mất dưới lòng sông sâu. Chỉ còn lại con sóng chở đầy nỗi đau, vẫn lặng lờ mãi không thôi.

Và tôi biết rằng cái đêm trăng rằm vằng vặc trên chiếc đò nan bên dòng sông Cầu cách đây đã mấy chục năm, đã vĩnh viễn trôi qua không bao giờ trở lại. Cái đêm mà cả những câu ca quan họ lẫn tôi đều nhuốm màu của gốm của sành, nhuốm cái hồn sâu lắng của đất, cái nồng nàn của lửa, cái thanh khiết của gió, và cái diết da của khí chất vùng bến nước trong bên sông Cầu, cái đêm ấy đã vĩnh viễn ra đi.

Để lại một khoảng trống không sao bù đắp nổi trong miền ký ức của tôi, một nỗi hoài hương ngày một dầy lên theo năm tháng. Như bản nhạc màu từ nỗi nhớ cứ mãi ngân nga.

Trần Thùy Linh / NXB Văn học liên kết công ty Sống

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thuong-nho-lang-que-mien-bac-post1133151.html