Thương nhớ nón quê

Tôi trở về quê đúng vào mùa gặt, dọc hai bên đường lúa xôn xao chín rộ, người dân trong làng đổ ra đồng đông như đi hội.

Xa quê hai mươi năm có lẻ, xa công việc đồng áng nhưng là một người con sinh ra và lớn lên từ làng, tôi chẳng thể nào quên được việc cấy cày hay gặt hái. Mặc vội bộ quần áo của bố thêm chiếc nón lá trên đầu và chiếc liềm nữa là có thể ra đồng. Chẳng hiểu sao tôi lại luôn có ấn tượng sâu đậm với những chiếc nón lá - chiếc nón được làm từ lá cọ, lá dừa thân thương đã đi cùng năm tháng với người dân nghèo quê tôi.

Tôi nhớ mỗi mùa gặt, mẹ tôi hay các cô chú trong làng đều chuẩn bị cho người nhà mỗi người một chiếc nón lá để đội. Nón lá có thể mới hoặc cũ nhưng nhất quyết mỗi người phải có một chiếc. Đặc tính của vùng đất quê tôi quanh năm nắng gió, mưa bão nên nón lá như một vật bất ly thân để che nắng, che mưa. Vô tình nón lá trở thành điểm nhấn đặc biệt tuyệt vời trên bức tranh quê mùa gặt với màu vàng óng ả của lúa và màu nón trắng nhấp nhô. Thi thoảng lại bắt gặp cảnh người dân mở nón lá, đưa tay quệt vội những giọt mồ hôi đang chảy ròng trên mặt rồi dùng nón quạt lấy gió mát. Có khi đang gặt gặp ngay những chú cá quả, cá rô mà chưa kịp chuẩn bị xô, chậu để đựng thì mọi người sẵn sàng "hy sinh" nón lá để cho những chú cá vùng vẫy.

Quê tôi không phải là vùng làm nón chuyên nghiệp nhưng các bà, các mẹ trong làng tay nghề không thua kém những người lành nghề làm nón là bao. Chắc cũng bởi sự chịu khó, chắt chiu từ cái nghèo mà ai cũng cố gắng tự học, mày mò để làm nón phần nào tiết kiệm chi phí. Sau buổi làm nông, rảnh rỗi các bà, các mẹ lại tụ tập bên hiên nhà người róc lá, người chẻ tre để làm nón. Cứ thế lâu dần, mẹ tôi thành một "thợ" làm nón chuyên nghiệp lúc nào không hay. Nón mẹ tôi làm ra dùng không hết lại mang ra chợ bán đổi lấy mớ tôm, mớ tép về cải thiện bữa cơm gia đình. Nón lá cũng góp phần không nhỏ trong hành trình lớn lên ăn học của bốn chị em chúng tôi. Mỗi lần nhận cọc tiền mẹ chắt chiu để đóng học phí, tôi hình dung ra rất nhiều buổi trưa không ngủ, thức khuya dậy sớm, cặm cụi đan từng chiếc nón của mẹ.

Ảnh: Tư liệu

Ảnh: Tư liệu

Nón quê trong ký ức của tôi còn là những buổi chờ mẹ ở đầu ngõ. Những lần mẹ đi đâu xa về, thấy thấp thoáng bóng dáng chiếc nón nhấp nhô đầu ngõ là tôi biết mẹ về. Tôi vỡ òa trong niềm vui khi thấy mẹ ngả chiếc nón xuống và trong đó có chiếc oản hay bánh trái mẹ dành dụm. Tôi đón lấy món quà từ mẹ, lòng hạnh phúc ngập tràn.

Khi con gái về nhà chồng, trong lễ đưa rước dâu cũng không thể thiếu bóng dáng của chiếc nón lá thân thương. Tôi vẫn nhớ hình ảnh chị gái buổi đưa dâu ngày ấy. Chị mặc chiếc áo cưới trắng lộng lẫy, mẹ cầm chiếc nón đưa chị đội lên đầu. Khi chào người thân, họ hàng ra về, chiếc nón trở thành vật đựng trầu cau mời bà con, chòm xóm. Chị duyên dáng trong ngày hạnh phúc nhất của mình cũng nhờ chiếc nón trắng dịu dàng. Mắt chị lúng liếng ánh lên niềm hạnh phúc, nụ cười duyên dưới vành nón lá xinh xinh.

Nhớ tới nón lá là nhớ cả vùng trời quê yêu dấu. Nón lá mang hình bóng mẹ tôi, những người phụ nữ chân lấm tay bùn, lam lũ hiền hòa dưới mưa nắng. Nón lá là tất cả quê hương ân tình. Bất giác tôi nhớ hai câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân: "Quê hương là cầu tre nhỏ/ Mẹ về nón lá nghiêng che" và thấy lòng mình đang ngân lên từng nhịp rung động.

Nguyễn Văn Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phong-su-but-ky/thuong-nho-non-que-20230416202201286.htm