Thương nhớ pơ lang

Ở Tây Nguyên, cứ khoảng tháng 11 âm lịch là bắt đầu mùa hoa pơ lang nở. Lâu nay, cũng có người nhầm lẫn hoa pơ lang nở vào tháng 3 dương lịch như hoa gạo ngoài Bắc hoặc một số nơi ở vùng duyên hải miền Trung.

Ấy chỉ là cách viết của những người quen kiểu “nói theo” cụm từ đã thành phổ biến “tháng ba hoa gạo nở” mà ít chịu khó quan sát hoặc do không quan tâm lắm đến cây cỏ xứ này nói chung, cây pơ lang nói riêng. Hay là cũng bởi hoa gạo với hoa pơ lang vẫn được xem là một, nghĩa là cùng có chung một “tên chữ” là hoa mộc miên.

Hoa pơ lang (ảnh internet).

Hoa pơ lang (ảnh internet).

Nói đôi điều như vậy để thấy rằng pơ lang không phải là loài cây “đặc hữu” của Tây Nguyên mà có ở khắp nơi trên mọi miền đất nước. Pơ lang có tập quán không mọc thành từng chòm, từng đám nhiều cây, mà thường chỉ đứng đơn lẻ, nhiều lắm thì cũng chỉ bắt gặp một “tập thể” vài ba cây mà thôi. Pơ lang cũng bình thường như các loài thảo mộc khác trên Tây Nguyên. Có lẽ, nó chỉ trở nên “nổi tiếng” và được mọi người chú ý nhiều hơn từ khi có ca khúc “Em là hoa pơ lang” của nhạc sĩ Đức Minh thịnh hành vào khoảng năm 1965-1966 với giọng hát ngọt ngào say đắm của ca sĩ Tường Vi.

Những ca từ không tiếc lời ca ngợi pơ lang như cô gái Tây Nguyên vừa đẹp đẽ mặn nồng, vừa cứng cỏi, khỏe mạnh: “Tây Nguyên ơi, hoa rừng bao nhiêu thứ/Cánh hoa nào đẹp nhất rừng Tây Nguyên/Ơi, anh có nhớ buôn làng, nhớ người con gái/Nhớ cánh hoa pơ lang đẹp nhất rừng Tây Nguyên”. Và: “Quê hương ơi, Tây Nguyên ơi/Anh ơi em sẽ là hoa pơ lang/Hoa đẹp nhất, thứ hoa buôn làng quý(…)/Tây Nguyên này bao nhiêu cô gái/Đều là hoa pơ lang”. Cũng đã có rất nhiều tác phẩm thơ văn, báo chí viết về hoa pơ lang, bài nào cũng hay cũng đẹp khi nhắc đến pơ lang.

Tùy độ màu mỡ của đất đai, thổ nhưỡng và tác động của thời tiết, khí hậu mà ở Tây Nguyên, cứ vào độ cuối tháng 11 sang đầu tháng Chạp âm lịch là mùa pơ lang bắt đầu nở rộ. Là người sinh sống, gắn bó với Tây Nguyên quá nửa thế kỷ, bằng quan sát riêng, người viết bài này chưa hề thấy năm nào pơ lang… sai hẹn bao giờ!

Một trong những cây pơ lang đứng đơn độc mà chúng tôi muốn nhắc đến ở đây là cây pơ lang đứng chơ vơ ven quốc lộ 14 trên trục đường Pleiku-Kon Tum. Từ TP. Pleiku đi về hướng Kon Tum, khi vượt quá chiếc cổng chào phía Bắc của thành phố khoảng 500-700 m, phía bên tay phải, ta bắt gặp 1 cây pơ lang. Cây pơ lang này được trồng hoặc tự mọc tự bao giờ thì chúng tôi không rõ, chỉ biết vào khoảng đầu những năm 70 của thế kỷ trước, từ Kon Tum về Pleiku, rồi khi về lại Kon Tum, chúng tôi thường đến đây đứng dưới bóng mát của cây để đón xe khách.

Cây pơ lang ấy như một điểm nhấn, một cọc tiêu, để mỗi lần từ Kon Tum đi Pleiku, nhất là vào khoảng giáp Tết, từ xa xa nhìn thấy dáng cây cao lớn xùm xòa vô cùng quen thuộc hoặc thấy màu hoa đỏ rợp của nó là mọi người reo lên: “Ô, đã đến Pleiku rồi”!

Thế mà năm nay, cũng giữa tháng 11 âm lịch, có việc về Pleiku, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi… không thấy màu hoa đỏ quen thuộc nữa. Chơ vơ bên đường là 1 cây khô đã chết từ bao giờ. Cảm giác như có gì hụt hẫng trong lòng. Tôi còn nhớ rất rõ là cây pơ lang này luôn nở sớm hơn những cây cùng tên khác. Nếu cây còn sống thì giờ này đã bung một màu hoa đỏ rưng rức trong se lạnh mùa đông. Quan sát thì thấy, cây đã được cắt tỉa những cành nhánh nhỏ chung quanh tán, giữ lại phần thân và những cành lớn chính, như cách khi di thực những cây lớn khác. Không rõ cây có khả năng hồi phục lại được không.

Cây cỏ có hồn của cỏ cây! Hồn cây pơ lang này đã lắng sâu trong tâm thức nhiều người. Hình bóng của nó đã trở nên quen thuộc với không ít người ở Gia Lai và Kon Tum. Còn tôi lại mong cây có thể hồi sinh hoặc chính quyền địa phương hay một ai đó có thể bắt tay trồng lại một cây mới để mai này, pơ lang tiếp tục được tỏa bóng.

TẠ VĂN SỸ

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/thuong-nho-po-lang-post260174.html