Thương nhớ tiếng còi tàu

Bạn tôi thời sinh viên đại học giờ là chủ tịch một huyện ở Bắc Trung bộ điện thoại nhờ tôi đặt phòng giúp cho bạn cùng gia đình đi thăm thú TPHCM vài ngày. Tôi bất ngờ khi biết cả gia đình bạn đi vào TPHCM bằng tàu lửa mà lẽ ra bạn thừa sức đi máy bay cho nhanh, nhà lại gần sân bay.

Gặp nhau tâm sự, thì ra bạn ấy muốn ngắm cảnh đẹp quê hương đất nước trên đường tàu mà thời sinh viên, lũ chúng tôi hay đi tàu “cọp” (trốn vé), hay mơ ước sau này ra trường đi làm sẽ đĩnh đạc đi tàu từ Bắc vào Nam.

Nhưng bạn tôi buồn buồn khi cho biết dọc đường tàu mà gia đình bạn đi qua, ga tàu nay vắng hoe, ít người đi chen chúc như vài chục năm về trước.

15-20 năm trở lại đây, ga tàu bắt đầu vắng dần, cảnh chen chúc về quê mùa tết ở các ga tàu lớn như Hà Nội, TPHCM đã thưa dần khi giao thông đường bộ, đường không phát triển mạnh, thậm chí vé xe giường nằm, vé xe cao cấp, vé máy bay lắm chặng, lắm lúc khách đặt mua còn thấp hơn vé tàu.

Mấy tháng qua, du lịch bùng nổ sau dịch bệnh Covid-19, các sân bay lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM ken kín người. Dư luận, báo chí lại ca bài ca hàng không chậm chuyến, trễ chuyến. Trên báo chí, người dân hàng ngày đọc không biết bao nhiêu là thông tin rằng hôm nay xây thêm nhà ga sân bay này, ngày mai hãng bay kia mở thêm tuyến bay, hoặc tỉnh nọ xin dự án làm sân bay. Tương tự, giao thông đường bộ nhan nhản tin tức đầu tư đường cao tốc này, mở rộng đường quốc lộ kia. Nhưng, hiếm khi thấy tin tức nói về đường sắt.

Trên trang web của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường sắt cho biết nguồn vốn Nhà nước bố trí cho đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt trong giai đoạn 2016-2021 chỉ đạt 6,8% toàn ngành. Trong đó, vốn cho đầu tư, cải tạo, nâng cấp đường sắt quốc gia chỉ đạt khoảng 21.288 tỉ đồng, trung bình 2.129 tỉ đồng/năm.

Trong khi đó, cũng trên trang web của Bộ Giao thông Vận tải, trong giai đoạn 2010 – 2020, tổng nguồn vốn đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng cảng hàng không khoảng 113.558 tỉ đồng, tức bình quân mỗi năm hơn 11.000 tỉ đồng, cao hơn gấn 5 lần so với đầu tư cho đường sắt.

Có người ví mạng lưới đường sắt ở các quốc gia phát triển chính là xương sống trong vận tải của nền kinh tế, nhưng ở Việt Nam thì có vẻ chưa được xem trọng. Chẳng hạn các cảng lớn ở khu vực TPHCM và lân cận hiện nay gần như chưa có đường sắt nối tới cảng. Cảng Cát Lái, Cái Mép – Thị Vải là những cảng đang xuất – nhập hàng hóa lớn của phía Nam, cảnh tắc nghẽn giao thông đường bộ vào cảng lâu lâu lại nảy sinh và ngành giao thông đa phần lo nâng cấp mở rộng đường sá nhiều hơn là lo làm đường sắt nối cảng.

Trên trang quốc tế của nhiều tờ báo mấy tháng nay có đưa tin về cuộc chiến giữa Nga và Ukraina và cũng không ít bài báo đề cập đến ý nghĩa của hệ thống đường sắt khi di tản dân cư hàng triệu người, vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm chứ ít ai nói tới hàng không.

Rõ ràng, đường sắt không chỉ là xương sống của vận tải mà còn có ý nghĩa an ninh, quốc phòng, nhưng tiếc thay, đầu tư cho đường sắt ở Việt Nam mấy năm qua chưa được xem trọng đúng mức. Các dự án đường sắt cao tốc mang ra bàn các năm trước thì đa phần bàn lùi và ngành đường sắt ngày càng đìu hiu mà ai lên ga đường sắt Sài Gòn lớn nhất phía Nam sẽ hiểu được.

Đành rằng cung cách kinh doanh còn mang nặng tính bao cấp của Nhà nước trong ngành đường sắt cũng góp phần làm giảm đi thế mạnh của những đoàn tàu, nhưng cách đầu tư, tầm nhìn lâu dài cho hệ thống giao thông như cách đã và đang làm hiện nay sẽ còn tạo mất cân bằng trong giao thông đường bộ, đường sắt và đường hàng không vài chục năm nữa.

Hồng Ngọc

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thuong-nho-tieng-coi-tau/