Thượng Nông xây dựng đời sống văn hóa

Những năm qua, phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' tại xã Thượng Nông (Na Hang) được triển khai tích cực và mang lại hiệu quả. Kinh tế phát triển, diện mạo nông thôn không ngừng được đổi mới, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao.

Tính đến hết tháng 10 năm nay, toàn xã Thượng Nông có 705/982 hộ dân đạt chuẩn gia đình văn hóa, chiếm 71,7%. Trong phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa, nơi đây được biết đến là địa phương có sự đóng góp lớn từ nhân dân trong xây dựng kết cấu hạ tầng, người dân trong xã đã đóng góp trên 900 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa, toàn xã có 8/9 nhà văn hóa được xây dựng khang trang, còn 1 nhà văn hóa tại thôn Nà Cao chuẩn bị được xây dựng và dự kiến đưa vào sử dụng vào đầu năm 2021. Ngoài xây dựng nhà văn hóa, nhân dân Thượng Nông còn đóng góp công lao động để bê tông hóa đường làng, ngõ xóm và đường nội đồng, toàn xã hiện có 50% các tuyến đường được bê tông hóa. Trong năm 2020, xã triển khai xây dựng được 9 tuyến đường bê tông nội đồng với chiều dài 2.102 m, nối liền các xứ đồng, lắp đặt hàng trăm mét kênh mương dẫn nước phục vụ sản xuất cho 190 ha lúa.

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã đã đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa từ ngay trong gia đình. Chị Lương Thị Oanh, Chủ tịch Hội LHPN xã chia sẻ: “Hội Phụ nữ đã vận động trên 200 hội viên tham gia các CLB thêu thổ cẩm, CLB hát Páo dung, các đội bóng chuyền hơi ở thôn, chủ động phối hợp với các cơ quan, đoàn thể đẩy mạnh phong trào thể thao, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở và các điểm công cộng”. Đến nay, trên toàn xã có 4.796 nhân khẩu thì có trên 40% số người tham gia tập luyện thể thao thường xuyên, tại địa phương cũng thành lập được 20 đội bóng chuyền hơi, 10 CLB thêu thổ cẩm và hát Páo dung, từ đó tổ chức các buổi giao lưu thể thao, văn hóa văn nghệ với các xã khác trong địa bàn huyện, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.

Xã Thượng Nông có trên 70% đồng bào Tày sinh sống. Người Tày nơi đây vẫn giữ được nghề dệt vải. Phát huy giá trị truyền thống này, Hội LHPN xã đã mở các lớp truyền dạy nghề dệt vải cho lớp trẻ. Chị Nguyễn Thị Niềm, thôn Đống Đa cho biết, chị là người được truyền dạy những kinh nghiệm quý về trồng bông, quay sợi, dệt vải từ khi lên 17 tuổi. Khi đi lấy chồng, chị vẫn mang nghề này về để truyền cho nhiều chị em khác trong thôn. Trong Chi hội thôn Đống Đa, nhiều hội viên nữ biết dệt vải, các chị, em chủ yếu dệt quần áo, chăn, gối và nhiều đồ dùng khác để sử dụng trong sinh hoạt. Những ngôi nhà sàn được bà con Thượng Nông hết sức trân trọng, giữ gìn. Bí thư Chi bộ thôn Nà Tà, Nguyễn Văn Đa kể, từ khi triển khai phong trào xây dựng đời sống văn hóa, thôn đã xây dựng những nếp sống mới. Bên cạnh phong trào luyện tập thể dục thể thao, người dân còn tự giác bỏ dần các hủ tục trong các lễ cưới hỏi, ma chay và có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường nơi ở, không buộc trâu, bò dưới gầm nhà sàn, làm chuồng trại gia súc gần nhà... Toàn thôn Nà Tà hiện còn trên 50 căn nhà sàn của người Tày. Tới đây, UBND xã sẽ đưa những ngôi nhà sàn vào phát triển dịch vụ du lịch homestay, mở ra cơ hội phát triển kinh tế mới cho người dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Cướng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, thời gian tới, xã Thượng Nông sẽ tiếp tục đề ra các mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc, qua đó nâng cao đời sống của nhân dân, lấy văn hóa làm đòn bẩy giúp kinh tế phát triển, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn dưới 15%.

Bài, ảnh: Lê Duy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/thuong-nong-xay-dung-doi-song-van-hoa-139979.html