Thưởng Tết có đột biến?

Theo văn bản Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi các địa phương, chậm nhất đến 25/12 phải có báo cáo, tổng hợp về tình hình lương, thưởng Tết. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn rất ít doanh nghiệp có báo cáo về lương, thưởng thậm chí ở rất nhiều địa phương, tình trạng cắt giảm nguồn nhân lực vẫn diễn ra do doanh nghiệp khó khăn về sản xuất.

Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực chuẩn bị chi thưởng Tết cho người lao động. Ảnh: Quang Vinh.

Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực chuẩn bị chi thưởng Tết cho người lao động. Ảnh: Quang Vinh.

Vẫn giữ nguyên mức thưởng Tết như năm ngoái và có tính đến yếu tố trượt giá để giúp người lao động (NLĐ) đảm bảo có cái Tết đầy đủ. Thông tin này vừa được đại diện Công ty Canon Việt Nam thông báo đã khiến hàng chục nghìn NLĐ phấn phởi.

Khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn chi thưởng

Thực tế, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn việc giữ nguyên mức thưởng cũng như phúc lợi xã hội cho NLĐ từ doanh nghiệp (DN) có thể thấy thể hiện trách nhiệm xã hội với NLĐ rất lớn. Trước đó trong năm 2021-2022 dù bị ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch Covid-19 nhưng Canon Việt Nam vẫn đảm bảo lương, thưởng cũng như giữ nguyên các phúc lợi cho người lao động. Được biết, năm ngoái, 18.000 người lao động của Canon được thưởng 2 tháng lương dịp cuối năm (tương đương khoảng 16 triệu đồng/người).

Ông Mikinao Tanaka - Giám đốc cấp cao Ban hành chính, Công ty TNHH Canon Việt Nam (Bắc Ninh) cho biết, DN vẫn đảm bảo lương, thưởng cũng như giữ nguyên các phúc lợi cho NLĐ dịp cuối năm. “Dù DN khó khăn chúng tôi vẫn thưởng Tết cho NLĐ. Dự kiến mức thưởng vẫn như các năm trước và có tính trượt giá để hỗ trợ NLĐ bớt khó khăn. Hàng năm Công đoàn công ty vẫn triển khai các hoạt động hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ xe về quê trong dịp Tết âm lịch sắp tới cho NLĐ” - ông Mikinao Tanaka khẳng định.

Tương tự, Công ty TNHH Hyosung Việt Nam tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cũng vừa công bố thưởng Tết với mức thưởng cao nhất lên đến 150% lương cơ bản cùng nhiều đãi ngộ kèm theo. Đặc biệt, công ty công khai lộ trình chi, thanh toán thưởng Tết tới NLĐ theo đó, công ty sẽ thanh toán tiền phép năm 2023 vào lương tháng 12/2023; từ ngày 1 đến 2/2/2024, tặng quà Tết cho công nhân viên. Ngày 2/2/2024, công ty bắt đầu thưởng Tết 100% lương cơ bản cho công nhân viên, NLĐ và tiếp tục thưởng năng suất 50% lương cơ bản vào ngày 10/4/2024. Ngoài ra, công ty cũng sẽ tổ chức các hoạt động liên hoan tất niên, tiệc cuối năm; phối hợp với công đoàn thực hiện chăm lo Tết cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức chuyến xe miễn phí cho công nhân về quê đón Tết.

Công nhân, người lao động đang chờ mức thưởng khi Tết đã đến gần. Ảnh: Quang Vinh.

Công nhân, người lao động đang chờ mức thưởng khi Tết đã đến gần. Ảnh: Quang Vinh.

Nỗi lo không có… Tết

Đây là nỗi lo nhất của chị Nguyễn Thị Mai - Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) khi chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Chia sẻ về nỗi lo “trắng” thưởng Tết của mình chị Mai cho biết, thông thường dịp này là dịp công nhân tăng ca kiếm thêm thu nhập nhưng năm nay từ đầu năm đơn hàng giảm sút, cuối năm tình hình cũng không khá lên, vì thế thay vì lên kế hoặc thưởng Tết thì doanh nghiệp lên danh sách cắt giảm nhân sự.

Không chỉ khu vực DN, nhiều đơn vị công lập có thu nhiều NLĐ cũng thấp thỏm vì không có thưởng Tết. Không giấu được nỗi lo, chị Lê Thị Hà Hạnh (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chị và đồng nghiệp đang rất “hóng” lương, thưởng Tết. Chị Hạnh là viên chức làm ở đơn vị sự nghiệp có thu, vì thế đơn vị làm được thì “có ăn”, không làm được thì nhân viên “đói”.

“Năm trước chỉ mong hết dịch để làm ăn có thêm thu nhập nhưng năm nay dịch ổn mà làm ăn còn khó khăn hơn. Mọi khi họp tổng kết năm ai cũng háo hức và mong chờ nhưng giờ thì ai nấy đều lo lắng và buồn bã vì Tết cận kề mà lương thấp, thưởng và chính sách phúc lợi đều hạn chế. Không những thế cuối năm rồi mà cơ quan vẫn buộc phải tuyên bố cắt giảm chỉ tiêu để ứng phó với khó khăn” - chị Hạnh chia sẻ.

Nhận định về vấn đề này, giới chuyên gia cũng cho biết, trái ngược với dự báo đầy triển vọng về tiền thưởng của nhóm ngành “hot”, một số ngành được đánh giá khá bết bát. Có thể kể tới như khối ngành bất động sản; may mặc; da giày; ngân hàng... Nhiều khả năng thưởng Tết sẽ giảm, thậm chí có những khối ngành sẽ “trắng” thưởng Tết.

Trong báo cáo quý III/2023 mới công bố, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho biết, thực trạng “sức khỏe” của các DN bất động sản đã có dấu hiệu được cải thiện, tuy nhiên chưa hoàn toàn và diện rộng. Mỗi tháng có khoảng 107 DN bất động sản rời khỏi thị trường. Nhiều nơi đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, “sống bằng niềm tin” thị trường sẽ khôi phục cuối năm 2023.

Đánh giá về bức tranh thưởng Tết năm 2024, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2023 vẫn còn những khó khăn. Mặc dù phần lớn số DN đảm bảo được đời sống, việc làm cho NLĐ, song một bộ phận DN vẫn tiếp tục thiếu đơn hàng; hoặc trong một thời gian dài dưới tác động ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều DN đã suy giảm sức chống chọi. “Chúng tôi nhận định lương, thưởng Tết năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn” - ông Hiểu nói.

Trước dự báo như vậy, ông Hiểu cho biết thêm, Tổng Liên đoàn Lao động đã chỉ đạo ban hành kế hoạch chăm lo Tết cho NLĐ từ rất sớm. Theo đó, ngay từ tháng 10, Công đoàn đã sớm tổ chức chăm lo Tết cho NLĐ. Công đoàn dành ra một khoản kinh phí tặng quà chăm lo Tết cho NLĐ. Mỗi đơn vị tính toán, lựa chọn khoảng 10% lao động khó khăn nhất để chăm lo. Có thể chăm lo bằng nhiều hình thức như: tặng vé máy bay, vé tàu, tặng quà... huy động sức mạnh của cộng đồng để giúp người lao động gặp khó khăn.

Cụ thể, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đã sớm triển khai kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động trên địa bàn. Với chủ đề Tết sum vầy - Xuân chia sẻ, các cấp Công đoàn sẽ tổ chức các hoạt động họp mặt, thăm hỏi, động viên, tặng quà cho đoàn viên, NLĐ, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất việc làm...

Tương tự, Liên đoàn Lao động TPHCM mới đây đã ban hành kế hoạch chăm lo Tết cho công đoàn viên, NLĐ trên địa bàn thành phố với phương châm “Tết đến với mọi đoàn viên công đoàn”, trong đó có chăm lo ưu tiên cho NLĐ bị mất việc làm, giảm giờ làm, giảm lương…

“Tình hình chung của các DN khá khó khăn. Nhiều công ty hụt đơn hàng, công nhân phải giảm giờ làm. Chính vì vậy, Công đoàn Hepza cũng lên phương án hỗ trợ cho DN quá khó khăn, không có thưởng cho lao động bằng các hình thức như tặng quà, vé tàu xe, tiền mặt, hỗ trợ mua hàng giảm giá”- bà Vũ Thế Vân - Chủ tịch công đoàn Các khu chế xuất - công nghiệp TPHCM (Hepza) cho biết.

Được biết, năm 2023, theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), mức thưởng cao nhất dịp Tết Dương lịch là 606,2 triệu đồng ở TPHCM; còn mức thưởng cao nhất dịp Tết Nguyên đán là 1,004 tỷ đồng tại một DN dân doanh ở TP Đà Nẵng. Một số địa bàn có mức thưởng cao tập trung tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TPHCM…

Tuy nhiên, nói như ông Tống Văn Lai - Phó Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương (Bộ LĐTBXH) thì thời điểm cuối năm DN có kế hoạch, sau đó báo cáo với Sở LĐTBXH tại các địa phương. Thời điểm này chưa thể đưa ra dự đoán mức thưởng Tết cao hay thấp so với mọi năm.

Theo ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, thưởng Tết năm nay sẽ khó có đột biến bởi hiện có nhiều DN buộc phải cắt giảm nhân sự, nợ lương của lao động dù thời điểm cuối năm cận kề. Trong đó khối ngành đang gặp khó khăn nhất là công nghiệp, chế biến chế tạo, tiếp theo là các hoạt động dịch vụ khác... Đây sẽ là những nhóm ngành khả năng gặp khó khăn trong việc lo thưởng Tết cho công nhân, người lao động. Dự báo từ nay đến đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều thách thức, ảnh hưởng đến tiền lương, thu nhập của lao động. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình lương, thưởng của NLĐ. “Tuy nhiên tôi tin rằng, các DN sẽ nỗ lực chăm lo Tết cho NLĐ vì hiện nay trách nhiệm xã hội từ các DN đối với NLĐ đã được nâng lên rõ rệt. Trước khó khăn của cộng đồng DN, NLĐ, theo tôi lúc này các cấp, ngành, địa phương và Công đoàn các cấp cần kịp thời có những chính sách hỗ trợ để NLĐ vượt qua khó khăn” - ông Huân nói.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thuong-tet-co-dot-bien-10268393.html