Thường thức chuyển đổi số
Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt 'Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030', mục tiêu là đến năm 2030 Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức làm việc của các nhà quản lý, lãnh đạo, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Theo Quyết định số 505/QĐ-TTg, ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Chuyển đổi số quốc gia đã quyết định ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Đây là ngày để đánh giá, nhìn nhận và đẩy nhanh các hành động với một tầm nhìn 2030.
Theo định nghĩa từ Đại học Cornell, kỹ năng số là “khả năng tìm kiếm, đánh giá, sử dụng, chia sẻ và tạo nội dung bằng công nghệ thông tin và internet”. Nghĩa là, kỹ năng số là bất kỳ kỹ năng nào liên quan đến các kiến thức, hiểu biết về kỹ thuật số.
Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), kỹ năng số được định nghĩa là các khả năng sử dụng thiết bị kỹ thuật số, ứng dụng truyền thông và mạng internet để truy cập và quản lý thông tin. Chúng cho phép mọi người tạo và chia sẻ nội dung kỹ thuật số, giao tiếp và cộng tác cũng như giải quyết các vấn đề theo mong đợi của bản thân một cách hiệu quả và sáng tạo trong cuộc sống, học tập, công việc và các hoạt động xã hội nói chung.
Ở mức độ cơ bản, kỹ năng số thể hiện qua khả năng sử dụng các thiết bị số và ứng dụng trực tuyến. Ở phạm vi nâng cao, kỹ năng số là khả năng tận dụng các công nghệ kỹ thuật số nhằm nâng cao năng lực và thích ứng trong các lĩnh vực nghề nghiệp, như các ngành nghề trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning), phân tích dữ liệu lớn (big data analytics), blockchain... làm thay đổi các đòi hỏi về kỹ năng, từ đó ảnh hưởng đến việc xây dựng năng lực và phát triển kỹ năng của lực lượng lao động trong nền kinh tế.
Báo cáo của World Bank (năm 2020) cho rằng, kỹ năng số là khả năng truy cập, quản lý, hiểu, tích hợp, giao tiếp, đánh giá, tạo ra thông tin an toàn và phù hợp. Theo đó, khung kỹ năng số cho lực lượng lao động nói chung được xác định gồm 7 năng lực: vận hành phần mềm và thiết bị; kiến thức về dữ liệu và thông tin; giao tiếp và cộng tác; sáng tạo nội dung kỹ thuật số; an toàn; giải quyết vấn đề; các năng lực liên quan đến nghề nghiệp ở 4 cấp độ thành thạo (cơ bản, trung cấp, cao cấp và chuyên môn cao).
Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” thì kỹ năng số cơ bản cho người dân gồm: truy cập và sử dụng internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.
Trong giai đoạn hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra một số kỹ năng số cần tập trung hướng dẫn người dân như:
Trong phạm vi nội dung cuốn sách này, tác giả trình bày các nội dung hướng dẫn kỹ năng số cho người dân gồm: hướng dẫn sử dụng internet và tìm kiếm thông tin hữu ích, thương mại điện tử và hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn sử dụng thiết bị số đảm bảo an toàn thông tin mạng, hướng dẫn giao tiếp trong không gian mạng, hướng dẫn học tập và làm việc trực tuyến.
Lợi ích mà kỹ năng số mang lại cho người dân là rất hữu ích và thiết thực, có thể kể đến như:
- Chủ động cập nhật các xu hướng công nghệ để làm việc hiệu quả hơn;
- Hiểu về các công nghệ đang có sẵn và biết cách sử dụng chúng;
- Sử dụng thiết bị kỹ thuật số, phần mềm và ứng dụng tại nơi làm việc, trong môi trường giáo dục và cuộc sống hằng ngày;
- Giao tiếp, cộng tác và chia sẻ thông tin với mọi người bằng các công cụ kỹ thuật số;
- Đảm bảo tính an toàn và bảo mật trong môi trường kỹ thuật số.
Ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”: Phổ cập kỹ năng số là chìa khóa để người dân được tiếp cận kiến thức, kỹ năng số để cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số, mở ra cơ hội tiếp cận các dịch vụ số một cách bình đẳng, giúp xây dựng một xã hội số bao trùm và toàn diện.
Hướng dẫn kỹ năng số đến người dân để thúc đẩy chuyển đổi số, đưa người dân lên môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.
Những tiến bộ đột phá của khoa học và công nghệ số như điện toán đám mây, big data, AI, internet vạn vật (IoT)... cùng với chất xúc tác là đại dịch Covid-19 làm xuất hiện nhiều xu hướng việc làm mới như làm việc từ xa, công việc ảo... Theo Sabina Weston (năm 2021), đến năm 2030 có tới 75% công việc sẽ yêu cầu các kỹ năng số nâng cao. Điều này khiến cho lực lượng lao động chịu ảnh hưởng rất lớn từ công nghệ số. Để đáp ứng nhu cầu công việc trong kỷ nguyên số; việc trang bị các kỹ năng mới, đặc biệt là kỹ năng số được xem là vấn đề mang tính sống còn đối với lực lượng lao động.
Theo báo cáo của Microsoft (năm 2020), trong giai đoạn 2020 - 2025 sẽ có thêm khoảng 149 triệu công việc liên quan đến các công nghệ mới được tạo ra, trong đó 98 triệu công việc liên quan đến phát triển phần mềm, 23 triệu công việc liên quan đến dữ liệu và điện toán đám mây và khoảng 20 triệu công việc liên quan đến AI, học máy, phân tích dữ liệu. Điều này có nghĩa là sẽ có sự chuyển đổi công việc trong lực lượng lao động toàn cầu và người lao động phải trang bị cho mình nhiều kỹ năng mới, đặc biệt là kỹ năng số để đáp ứng nhu cầu mới của thị trường lao động nếu không muốn bị thất nghiệp.
Thực trạng kỹ năng số của người dân hiện nay. Trên thế giới hiện nay đều đang tập trung xây dựng chiến lược phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, nhưng cái gốc của tất cả các chiến lược này thì đầu tiên phải có công dân số, có nghĩa là cần phải phổ cập, nâng cao nhận thức và đào tạo kỹ năng về công nghệ số, dịch vụ số, ứng dụng số, khai thác tối ưu các tiện ích số phục vụ cho người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ở Việt Nam, việc đẩy mạnh nâng cao kỹ năng số cho người dân cũng được xem là nhiệm vụ trọng tâm. Trong thời gian qua, Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động nâng cao kỹ năng số cho người dân, đặc biệt là tổ công nghệ số cộng đồng nhằm hỗ trợ, nâng cao nhận thức về công nghệ số cho người dân, tiếp cận trực tiếp với người dân.
Việc xây dựng kỹ năng số cho người dân như một kỹ năng học tập suốt đời là hết sức quan trọng. Hiểu biết số không chỉ là xử lý máy tính mà còn cho phép các cá nhân tham gia vào việc xử lý thông tin với tư duy phản biện, tham gia tích cực vào việc tạo ra nội dung và chia sẻ kiến thức qua mạng xã hội. Trọng tâm về hiểu biết số là hỗ trợ sự phát triển của một công dân có hiểu biết và kết nối, có thể thích ứng với các nhu cầu thay đổi nhanh chóng của xã hội, bao gồm cả nhu cầu của thị trường lao động. Đặc biệt, mở ra cơ hội cho trẻ em và thanh, thiếu niên khi có thể kết nối, học tập, sử dụng các thiết bị, nội dung và dữ liệu với giá cả phải chăng cũng như sự tham gia của những người trẻ tuổi.
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với một số tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ thúc đẩy thí điểm chuyển đổi số tại một số làng/xã tại các địa phương nhằm xây dựng mô hình để từng bước phổ biến, triển khai nhân rộng trên toàn quốc. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng số của người dân nói chung còn gặp rất nhiều bất cập, hạn chế, cần thiết phải có sự tác động tích cực và định hướng cụ thể để thúc đẩy chuyển đổi số về mọi mặt của đời sống xã hội. Kỹ năng số sẽ giúp thu hẹp khoảng cách số giữa đô thị và nông thôn, giúp chính quyền cấp xã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả hơn. Đồng thời, hỗ trợ quản lý và phục vụ người dân, giúp người dân nâng cao kỹ năng số để quảng bá những sản phẩm và nét văn hóa đặc trưng của địa phương mình.
Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng internet, chiếm 79,1% tổng dân số. Theo phân tích của Kepios, số lượng người dùng internet tại Việt Nam đã tăng thêm 5,3 triệu (+7,3%) so với năm 2022. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 20,9% dân số Việt Nam, tức là 20,60 triệu người không sử dụng internet vào đầu năm 2023. Ngoài ra, số lượng người dùng mạng xã hội cũng đạt con số 70 triệu, tương đương với 71% tổng dân số. Tổng số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu, tương đương với 164,0% tổng dân số.
Vào tháng 01/2023, Việt Nam có 70 triệu người dùng mạng xã hội. Theo các tổ chức GWI và data.ai, sự phổ biến của mạng xã hội ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục gia tăng mà không có dấu hiệu chững lại.
Tuy nhiên, không phải mỗi tài khoản người dùng mạng xã hội đều tương ứng với một cá nhân duy nhất. Đầu năm 2023, số lượng người dùng mạng xã hội ở Việt Nam đạt 71,0% tổng dân số, nhưng theo dữ liệu từ các công cụ lập kế hoạch quảng cáo của các nền tảng mạng xã hội hàng đầu, chỉ có 64,4 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn rất cao, đạt 89% tổng dân số từ 18 tuổi trở lên. Nói cách khác, 89,8% tổng số người dùng internet của Việt Nam đã sử dụng ít nhất một nền tảng mạng xã hội vào tháng 01/2023. Trong số người dùng mạng xã hội ở Việt Nam, tỷ lệ nữ cao hơn nam, với 50,6% là nữ và 49,4% là nam.
Mọi công dân trên môi trường số đều dần trở thành công dân số (digital citizen), là những công dân có kiến thức và kỹ năng sử dụng để thích nghi với những thay đổi của môi trường, như giao tiếp với người khác, tham gia vào hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội một cách an toàn và có trách nhiệm. Hiểu một cách đơn giản thì công dân số là những công dân có kỹ năng số, biết sử dụng các phương tiện số, biết sống trên môi trường số.
Một số yếu tố cấu thành công dân số có thể kể đến như: khả năng truy cập các nguồn thông tin số, khả năng giao tiếp trong môi trường số, kỹ năng số cơ bản, mua bán hàng hóa trên mạng, chuẩn mực đạo đức trong môi trường số, bảo vệ thể chất và tâm lý trước các ảnh hưởng từ môi trường số, quyền và trách nhiệm của công dân trong môi trường số, định danh và xác thực, dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong môi trường số.
Trên môi trường số, công dân sẽ có danh tính số. Danh tính số là tập hợp thông tin số cho phép xác định duy nhất một cá nhân trong các giao dịch điện tử trên môi trường số. Danh tính số ánh xạ một cá nhân trên môi trường số tới duy nhất một cá nhân trong xã hội thực.
Vào năm 2025, đại đa số người dân trên thế giới sẽ trải qua sự thay đổi to lớn chỉ trong vòng một thế hệ: từ chỗ gần như không tiếp cận được thông tin đến chỗ có thể truy cập tất cả thông tin trên thế giới thông qua điện thoại di động thông minh.
Có ba nguyên tắc phổ biến rộng rãi để mọi người biết được quyền và cách sử dụng công nghệ số có trách nhiệm là: tôn trọng, giáo dục và bảo vệ. Ba nguyên tắc trên liên quan chặt chẽ đến quyền công dân số (digital citizenship), xác định việc các công dân số phải sử dụng công nghệ số một cách phù hợp và có trách nhiệm trên môi trường số.
TÔN TRỌNG
Quan hệ của mỗi người với người khác trên không gian số, gồm các yếu tố về nghi thức (việc dùng công nghệ số của mỗi người ảnh hưởng đến người khác thế nào), quyền truy nhập (người có thể sử dụng công nghệ số nhiều hơn nên giúp người ít khả năng hơn) và luật pháp (không thể lấy nội dung không được phép) được sử dụng để tôn trọng những người dùng kỹ thuật số khác.
GIÁO DỤC
Về việc mọi người cần được giáo dục về môi trường số và công nghệ số, gồm học vấn (học tập và biết đánh giá tính chính xác, quan điểm và tính hợp lệ của các nguồn thông tin), giao tiếp (biết cách giao tiếp với người khác) và thương mại (mua bán toàn cầu với lưu ý về rủi ro của thương mại điện tử).
BẢO VỆ
Về việc mỗi người phải biết tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác, gồm quyền lợi và trách nhiệm (có quyền riêng tư, ngôn luận và giao tiếp, nhưng không được can thiệp vào quyền lợi của người khác), bảo mật (biết cách bảo vệ công cụ và dữ liệu của mình, bảo mật thông tin chung), sức khỏe và bảo vệ sức khỏe (cân bằng giữa thế giới số và thế giới các thực thể).
Chuyển đổi số trong xã hội nhằm hình thành xã hội số. Xã hội số, xét theo nghĩa rộng, là bao trùm lên mọi hoạt động của con người. Động lực chính của xã hội số là công nghệ số, dựa trên sự tăng trưởng thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng, làm thay đổi mọi khía cạnh của tổ chức xã hội, từ chính phủ, kinh tế cho tới người dân. Xã hội số, xét theo nghĩa hẹp, gồm công dân số và văn hóa số. Theo nghĩa này, xã hội số, cùng với chính phủ số và kinh tế số tạo thành ba trụ cột của một quốc gia số.
Theo Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” thì: Xã hội số là xã hội tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt đời sống, người dân được kết nối, có khả năng tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó, hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, thói quen số và văn hóa số.
Xã hội số là xã hội con người trên môi trường số, ở đó mỗi người có cuộc sống tiện lợi hơn xưa rất nhiều nhờ những dịch vụ số và kết nối với người khác, với chính quyền, với các hệ thống thông tin về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, với cả những thực thể xa xôi như xem một buổi biểu diễn ba lê ở nhà hát lớn nước ngoài hay thăm một bảo tàng nghệ thuật được số hóa ở một quốc gia khác.
Xã hội số hướng tới lấy con người làm trung tâm, cân bằng kinh tế với cuộc sống hạnh phúc, áp dụng công nghệ số tại nhà ở, nơi làm việc, giáo dục, giải trí...
Xã hội số là xã hội của các công dân số, hướng đến cuộc sống và công việc tốt đẹp và tiện lợi hơn trên môi trường số.
Hiểu một cách ngắn gọn thì xã hội số bao gồm công dân số và văn hóa số.
Đặc điểm lớn nhất trên môi trường số với con người là kết nối, ở đây là kết nối của mỗi người với môi trường mạng - như ta vẫn thường gọi là “vào mạng” - qua đó mỗi người có thể kết nối với rất nhiều người khác, rất nhiều vật khác. Kết nối mở rộng nhanh chóng quy mô và cường độ của giao lưu xã hội trên môi trường số. Ngày nay con người giao tiếp với nhiều người hơn, thành phần đa dạng hơn, tần suất giao tiếp lớn hơn, trên một không gian rộng hơn. Việc mở rộng giao tiếp xã hội ảnh hưởng tới nhiều mặt của cuộc sống con người.
Trên một không gian sống mới lạ như vậy, điều đầu tiên tự nhiên đến với mỗi người là phải có những kỹ năng số để sống, để tận hưởng những điều kỳ diệu về khả năng liên lạc và giao tiếp của con người trên môi trường thực. Đó là những kỹ năng cần nhất như dùng máy tính, như “vào mạng” thế nào, tìm kiếm thế nào những gì mình muốn biết... đến những kỹ năng cao hơn như mua bán trên mạng, như tạo ra những nội dung số của riêng mình và chia sẻ với người khác. Sự trải nghiệm các kỹ năng số và kiến thức sẽ tạo ra năng lực số cơ bản của mỗi người: truy nhập số, thương mại điện tử, truyền thông số, dùng thiết bị điện tử, quy ước số, luật số, quyền hạn và bổn phận số, sức khỏe số và an toàn số. Điều vô cùng quan trọng là mỗi người trên môi trường số phải an toàn, an toàn trong các giao dịch tài chính, an toàn trong các quan hệ xã hội, an toàn với dữ liệu riêng tư...
Khi đã dần quen và hằng ngày gắn bó với môi trường số, điều thay đổi rất lớn là sự hình thành một văn hóa số trong mỗi con người. Theo nghĩa thông thường nhất của văn hóa là cách sống của con người thì rõ ràng xã hội đang có sự chuyển đổi số của văn hóa theo nhiều chiều hướng khác nhau. Môi trường số đem lại nhiều điều tốt đẹp, nhưng cũng chính các công nghệ số có thể được sử dụng theo hướng thách thức trật tự và hệ thống giá trị hiện có, thậm chí sử dụng theo hướng có hại cho cuộc sống con người, cả cố tình và vô ý. Văn hóa số do vậy là một vấn đề trọng yếu của con người trong kỷ nguyên số.
Ba vấn đề cơ bản của xã hội số là:
- Sự thay đổi rất lớn của cuộc sống con người trên môi trường số xuất phát từ tương tác của mỗi người với xã hội. Quan tâm đầu tiên là cần làm sao để mọi người đều là những công dân số có kỹ năng và năng lực số để sống tốt, có văn hóa số thích hợp để góp phần tạo nên một xã hội số tốt đẹp.
- Các lĩnh vực xã hội và nhân văn có khả năng tạo ra nhiều giá trị mới trên môi trường số, kết nối yêu thương, đáp ứng những nhu cầu nhân văn, dân chủ ngày càng tăng của con người. Con người có rất nhiều dịch vụ chưa từng có trước kia cho cuộc sống như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và học tập thường xuyên, vui chơi và giải trí, giao dịch mua bán...
- Bất bình đẳng trong xã hội số (người không có kỹ năng số, người ở vùng sâu, vùng xa, người cao tuổi, người không có phương tiện để sống trong môi trường số...) có thể tạo ra sự phân hóa xã hội sâu sắc trên môi trường số. Xóa bất bình đẳng số là một việc làm cốt yếu khi xây dựng xã hội số.
Các đặc trưng cơ bản của xã hội số bao gồm: công dân số, kết nối số và văn hóa số. Công dân số được đặc trưng bởi danh tính số, phương tiện số, kỹ năng số và tài khoản số. Kết nối số được đặc trưng bởi khả năng kết nối mạng của người dân, bao gồm tỷ lệ dân được phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng và tỷ lệ người dùng internet. Văn hóa số được đặc trưng bởi mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mức độ sử dụng dịch vụ số trên mạng, mức độ sử dụng các dịch vụ y tế số, giáo dục số của người dân.
Những lợi ích mà xã hội số đem lại cho người dân là rất nhiều, có thể kể đến một số lợi ích chính sau:
- Người dân có thể sống khỏe mạnh hơn nhờ các hình thức chăm sóc y tế kịp thời, những cách khám chữa bệnh hiệu quả. Ví dụ như với hồ sơ số về sức khỏe cá nhân và nền tảng hỗ trợ, người dân có thể tự theo dõi sức khỏe của mình.
- Người dân tiếp nhận được giá trị mới của văn hóa và xã hội, giao tiếp xã hội rộng rãi, vui vẻ hơn với các hình thức giải trí đa dạng và an toàn.
- Người dân thu nhận được nhiều hiểu biết và tri thức mới mỗi ngày. Các công cụ AI (trí tuệ nhân tạo) về tìm kiếm thông tin sẽ đưa các nguồn tin và kiến thức đúng nhu cầu của mỗi người.
- Tuy có một số ngành nghề sẽ mất đi, nhiều cơ hội mới về công ăn việc làm sẽ mở ra, khuyến khích thế hệ trẻ tích cực học tập, đổi mới tư duy hướng đến khởi nghiệp sáng tạo.
Phát triển xã hội số đi đôi với tạo dựng các giá trị văn hóa phù hợp với thời đại số, tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa thế giới, làm giàu đời sống tinh thần của người Việt Nam.
Phát huy sự sáng tạo của người dân trong xã hội số, đồng thời, bảo vệ người dân trước các mối nguy cơ, đe dọa trong xã hội số.
Phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số theo hướng phổ cập kỹ thuật số toàn diện để hình thành nên một xã hội số công bằng và bao trùm, khơi dậy tiềm năng, sự tự hào Việt Nam và niềm tin của người dân trên không gian số.
Phát triển xã hội số giúp người dân hạnh phúc hơn, tham gia các hoạt động xã hội toàn diện hơn, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội thuận lợi hơn, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn, nhân văn và rộng khắp.
Thể chế, hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số và xã hội số. Công nghệ số và dữ liệu số thấm sâu một cách tự nhiên mặc định vào mọi mặt sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Thể chế kiến tạo phát triển kinh tế số và xã hội số đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo đảm trách nhiệm tuân thủ pháp luật như nhau giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Nhân lực số gồm lực lượng chuyên gia, nhân lực công nghệ số và người dân được phổ cập kỹ năng số đóng vai trò quyết định cho phát triển kinh tế số, xã hội số quốc gia.
Không gian số khi đề cập đến vấn đề này, tại Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nêu:
Nền tảng số là hệ thống thông tin phục vụ các giao dịch điện tử trực tuyến hoạt động theo mô hình sử dụng công nghệ số để tạo môi trường mạng cho phép nhiều bên cùng tham gia, cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân, có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì. Nền tảng số là “hạ tầng mềm” của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng, càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn. Không gian số có thể được hiểu là không gian mạng (cyber space).
Một môi trường số trong đó không gian số được tích hợp vào thế giới thực đang nhanh chóng hình thành dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong môi trường sinh tồn mới, các quốc gia, các địa phương, các doanh nghiệp hay từng người dân đều cần thay đổi cách sống, cách làm việc để có thể thích nghi và khai thác các cơ hội mà tiến bộ công nghệ mang lại. Môi trường là không gian sống của con người và các loài động, thực vật. Môi trường có thể được hiểu giản dị như mô tả của Albert Einstein: “Môi trường là tất cả những gì không phải tôi”. Có những cách nhìn khác nhau về các hợp phần của môi trường và một cách nhìn phổ biến về môi trường gồm môi trường tự nhiên, môi trường nhân tạo (còn gọi là môi trường vật lý) và môi trường xã hội.
Với sự ra đời của máy tính, rồi internet, loài người đã tạo ra thêm một môi trường sống mới cho mình - không gian mạng (cyberspace). Không gian mạng có thể được hiểu là môi trường internet mà ở đó mỗi người - với một định danh nào đó - có thể giao tiếp trực tuyến với những người khác, trao đổi ý kiến, chia sẻ thông tin, làm việc, thưởng thức nghệ thuật, tham gia trò chơi, thảo luận chính trị... Không gian mạng cũng cho phép các thực thể vật lý, sinh học trong môi trường tự nhiên và nhân tạo kết nối với nhau và kết nối tốt hơn với con người theo những cách thức chưa từng có.
Một điều quan trọng của môi trường số là không gian sống của con người đã được mở rộng rất nhiều. Nếu trước kia không gian sống và làm việc của mỗi người, mỗi tổ chức nói chung chỉ hạn hẹp quanh mình, nơi có thể thấy và có thể liên lạc với các thực thể xung quanh, thì nay không gian sống ấy đã mở rộng một cách bình đẳng ra toàn cầu nhờ kết nối.
Không gian mạng, cùng với môi trường tự nhiên, nhân tạo và xã hội tương tác với nhau tạo thành một môi trường sống mới của con người - môi trường số - mở ra rất nhiều cơ hội mới, đồng thời tạo ra áp lực đòi hỏi mỗi con người, mỗi tổ chức phải tự thay đổi để thích ứng.
Cần nhận thấy rằng không gian mạng không chỉ là phần “cộng thêm” mà còn là phần “nhập vào” môi trường truyền thống của con người. Trên thực tế, không gian mạng đã và đang “len lỏi” vào các thực thể của môi trường truyền thống, kết nối chúng với nhau, tạo ra một môi trường ống thông minh hơn, phong phú hơn cho con người. Như vậy, con người không “di dân” sang môi trường số như ai đấy đã nói, mà vẫn ở môi trường “thực” nay phong phú hơn rất nhiều nhờ phần “số”, và có rất nhiều cơ hội để sống và làm việc tốt hơn.
Để có không gian số an toàn cần phát triển các ứng dụng, nền tảng số đơn giản, dễ sử dụng để hỗ trợ người dân tự kiểm soát được hoạt động và mức độ sử dụng công nghệ; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào tự động kiểm soát truy cập và chặn lọc các trang web, tài nguyên internet độc hại hướng tới một không gian số an toàn, lành mạnh cho người dân.
Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/multimedia/202410/thuong-thuc-chuyen-oi-so-b2e6e29/