Thưởng thức nét mộc mạc và tinh tế của các bài hát dân ca Sán Chí

Các bài hát dân ca Sán Chí phong phú và đượm chất trữ tình; ca từ vừa mộc mạc, vừa tinh tế, gần gũi với đời sống của người dân, thường có ý nghĩa ca ngợi quê hương, tình yêu đôi lứa.

Nghệ nhân Ưu tú Lâm Minh Sập cùng các thành viên câu lạc bộ dân ca Sán Chí luyện tập. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Nghệ nhân Ưu tú Lâm Minh Sập cùng các thành viên câu lạc bộ dân ca Sán Chí luyện tập. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Tỉnh Bắc Giang có 12 di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có dân ca Sán Chí xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn.

Dân tộc Sán Chí sống thành từng bản, chiếm tới 70% dân số trong 7 dân tộc anh em cùng sinh sống ở xã Kiên Lao. Sán Chí nghĩa là Người núi (Sơn tử). Theo biến âm của thổ ngữ còn được gọi là Sán Chấy, Sán Chới, Sán Chí, Sán Chỉ, Sán Chay đều có nghĩa là người núi.

Trên cơ sở văn hóa riêng có của dân tộc, phong tục, tập quán và qua quá trình lao động, người Sán Chí đã sáng tạo những câu hát trữ tình, đằm thắm, phát triển thành lối hát dân ca mang tính đặc trưng.

Đến nay, các nhà nghiên cứu văn học dân gian và các nghệ nhân cao tuổi của dân tộc Sán Chí cũng không xác định được thời điểm dân ca Sán Chí ra đời, chỉ biết rằng người Sán Chí từ đời trước sang đời sau, từ thế hệ này sang thế hệ khác đã truyền dạy cho nhau học hát. Cứ như vậy dân ca của người Sán Chí được lưu truyền cho đến ngày nay.

Nét di sản văn hóa độc đáo

Cũng giống như các loại hình dân ca khác, dân ca Sán Chí được bảo lưu theo phương thức truyền miệng. Tiếng hát của người dân Sán Chí thường được cất lên trong những sinh hoạt hàng ngày như đi làm đồng, đi chợ hát đối đáp, đến nhà chơi hát chào, hát mừng gia chủ; hát chào khách đến chơi; hát gặp bạn hữu; hát khi có hội; hát mời ăn cơm; hát đám cưới, hát đám ma. Họ hát để giao tiếp, giãi bày tình cảm. Dân ca Sán Chí có thể hát đơn, hát đôi, hát đối đáp nam nữ, hát ru, hát giao duyên.

Các bài hát dân ca Sán Chí phong phú và đượm chất trữ tình; ca từ vừa mộc mạc, vừa tinh tế, gần gũi với đời sống của người dân, thường có ý nghĩa ca ngợi quê hương, ca ngợi lao động, mong muốn cuộc sống hạnh phúc và tình yêu đôi lứa.

Theo tổng hợp của các công trình nghiên cứu, dân ca Sán Chí chia làm 4 hình thức chính gồm hát ban ngày (Chục Côộ) - hát giao duyên hay hát ghẹo; hát ban đêm (Cnắng Côộ); hát đám cưới (Chắu Côộ) và hát đổi danh (Zoóng Hôồ Côộ). Trong đó, hát Cnắng Côộ là loại hình phong phú nhất nên khi nhắc đến dân ca Sán Chí, đồng bào thường gọi theo tên chung là Cnắng Côộ.

Hát ban ngày (Chục Côộ) còn được gọi là hát giao duyên hay hát ghẹo. Ở thể loại hát này, người Sán Chí hiện còn lưu giữ được khoảng 300-500 bài, viết bằng chữ Hán. Trong các bài hát Chục Côộ, người ta lấy việc đổi lời, đổi ý là chính. Do vậy đòi hỏi sự nhanh trí, sắc sảo trong đối đáp của các chàng trai, cô gái. Những lời hát có thể được cất lên khi các chàng trai, cô gái cùng lên nương. Họ cùng hát lên tiếng lòng để khuây khỏa, xua tan mệt nhọc. Cũng có khi mới gặp nhau, người ta cùng hát để thử sức, thử tài rồi làm quen và kết bạn. Lời hát mộc mạc, giản dị nhưng rất ý nhị, chan chứa tình cảm.

 Chỉnh trang trang phục truyền thống trước buổi hát giao lưu. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Chỉnh trang trang phục truyền thống trước buổi hát giao lưu. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Hát ban đêm (Cnắng Côộ) là hình thức hát trong nhà hoặc trải chiếu ra sân để hát, thường diễn ra 5 đến 7 đêm. Mỗi đêm hát bắt đầu từ khoảng 8 giờ tối đến sáng. Có khoảng 700-1.000 bài hát có sẵn và theo quy luật đêm hôm sau không được hát lại bài đêm hôm trước, chính vì vậy số lượng bài hát sau mỗi đêm sẽ giảm đi. Mỗi đêm hát ở một nhà. Đến mỗi nhà có rất nhiều thứ để hát: Hát mừng cái cột của chủ nhà; hát chào cái cửa, cái sân; hát khen cái bàn thờ, khen mái ngói; hát về cái bếp, cái giường…

Hát Cnắng Côộ thường diễn ra mỗi khi nông nhàn, trai gái tụ tập để tỏ tình, giao duyên, kết bạn. Người hát thường thể hiện với giọng nhẹ nhàng, khoan thai như hát ru. Hát theo cặp 2 nam, 2 nữ. Nam hát trước, hát qua song cửa vọng vào trong nhà để đánh tiếng, xin phép cho đến khi nữ hát đáp mời vào. Cặp nam nào được sự đồng ý của cặp nữ thì cặp đó vào nhà. Cứ như thế cho đến khi tất cả các cặp nam được vào nhà.

Lúc đó canh hát trong nhà tiếp tục diễn ra, chủ nhà thường chuẩn bị đầy đủ dầu đèn, chè nước, trầu thuốc để cuộc hát được trọn vẹn suốt đêm. Ở thể loại hát ban đêm, màn đối đáp diễn ra giữa khách và chủ nên ca từ thể hiện sự nhẹ nhàng, lịch sự, thăm dò ý tứ.

Hát đám cưới (Chắu Côộ) còn gọi là tửu ca. Ở thể loại này, có chừng 100 bài hát và chỉ dành riêng cho đám cưới, với thang âm cao và vui nhộn. Khi có đám cưới, các bạn của cô dâu và chú rể đến hát mừng cho ngày vui của bạn mình. Vì hát đối trong đám cưới là nghi lễ hết sức quan trọng nên đòi hỏi cả hai họ (nhà trai và nhà gái) phải cử những người giỏi hát và ứng tác tham gia trình diễn.

Hát đổi danh (Zoóng Hôồ Côộ) là thể loại chỉ có nam giới hát với nhau trong lễ đổi danh của người con trai trưởng thành khi đủ 18 tuổi. Số lượng bài hát còn lưu truyền khoảng 50 bài. Khi hát, nam giới Sán Chí thường chia ra từng cặp hai người và hát đối đáp với nhau. Người hát thường hát giọng trầm vừa phải theo kiểu ngâm thơ, bạn hát chỉ được đứng ở ngoài sân hát vọng vào nhà. Đối với thể loại hát đổi danh, ca từ thể hiện sự chúc tụng cho người được đổi danh, chứa đựng niềm tự hào của người được đổi danh.

 Nghệ nhân Ưu tú Lâm Minh Sập (phải) cùng các thành viên câu lạc bộ dân ca Sán Chí luyện tập. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Nghệ nhân Ưu tú Lâm Minh Sập (phải) cùng các thành viên câu lạc bộ dân ca Sán Chí luyện tập. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Ngoài 4 hình thức hát chính trên, dân ca Sán Chí còn một hình thức hát nữa là Cáp Chay Côộ (hát về lục giáp). Đây là thể loại hát bói toán về vận mệnh của con người - để xem tuổi hợp, tuổi khắc hay buồn vui, sướng khổ của người muốn xem, giúp cho người xem tránh được rủi ro theo định mệnh. Lời hát lục giáp thường nói về cảnh chiến tranh xâm lược, nội chiến, huynh đệ tương tàn, cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha, anh em ly tán, nhà cửa đổ cháy, đồng ruộng tiêu điều hoang vắng…

Với đồng bào Sán Chí, khi điều kiện sống còn khó khăn, lời ca, tiếng hát chính là một món ăn tinh thần không thể thiếu, có tác dụng khích lệ, động viên, giúp con người xích lại gần nhau, yêu quê hương, làng bản của mình hơn.

Nhờ vậy, năm 2012, dân ca Sán Chí đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng người Sán Chí ở vùng cao Lục Ngạn.

Người giữ lửa

Ngày nay, trong quá trình hội nhập, một số nét văn hóa của người Sán Chí ít nhiều bị thay đổi, song về cơ bản họ vẫn giữ được vốn văn hóa cổ truyền đậm đà bản sắc của mình, thể hiện qua thông qua loại hình hát dân ca.

Để bảo tồn, phát huy cũng như khẳng định thêm về giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này, Nghệ nhân Ưu tú Lâm Minh Sập (sinh năm 1955) người Sán Chí (thuộc nhóm dân tộc Sán Chay), đã nhiều năm dày công sưu tầm, truyền dạy và gây dựng phong trào hát dân ca Sán Chí.

Bên cạnh việc sưu tầm, lưu giữ hơn 800 bài hát dân ca Sán Chí của người xưa truyền lại, ông Sập còn sáng tác thêm nhiều bài hát ca ngợi quê hương, đất nước...

Nhằm bảo tồn, phát huy dân ca Sán Chí, Câu lạc bộ hát dân ca dân tộc Sán Chí xã Kiên Lao được thành lập từ năm 2011. Đến nay có 70 thành viên thuộc 7 thôn trên địa bàn xã có người Sán Chí sinh sống. Phong trào hát dân ca sán Chí ở Kiên Lao được duy trì đều đặn hằng năm vào các ngày lễ tết của dân tộc, đất nước và địa phương. Ông Lâm Minh Sập hiện là chủ nhiệm câu lạc bộ dân ca Sán Chí xã Kiên Lao.

 Nghệ nhân Ưu tú Lâm Minh Sập truyền dạy hát dân ca Sán Chí cho các thành viên câu lạc bộ. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Nghệ nhân Ưu tú Lâm Minh Sập truyền dạy hát dân ca Sán Chí cho các thành viên câu lạc bộ. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Ngoài hát giao lưu gữa các thôn trong địa bàn huyện, tại Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn, mỗi năm Câu lạc bộ tổ chức từ 1 đến 2 cuộc hát giao lưu với đồng bào Sán Chí ở tỉnh Lạng Sơn và ngược lại.

Ngoài ra, thông qua Ban Liên lạc các câu lạc bộ hát dân ca huyện, ông Sập đã kết nối với bà con dân tộc Sán Chí ở vùng Tây Nguyên để hát giao lưu qua điện thoại. Những cuộc hát ấy đã góp thêm tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, tôn vinh di sản văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, điều băn khoăn của ông Sập là hiện nay số người biết hát dân ca dân tộc Sán Chí chủ yếu ở lứa tuổi trên 40, lớp trẻ ít người biết hát dân ca. Để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, ông cùng các thành viên có trách nhiệm trong câu lạc bộ đã kết hợp với nhà trường mở các lớp truyền dạy hát dân ca cho hơn 60 học sinh dân tộc Sán Chí trên địa bàn.

Bên cạnh đó, để bảo tồn di sản, ngành Văn hóa tỉnh đã cho xuất bản cuốn sách “Dân ca Sán Chí xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn” dày gần một nghìn trang. Các bài dân ca được phiên âm, dịch nghĩa và dịch lời để bà con đều có thể đọc hiểu./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thuong-thuc-net-moc-mac-va-tinh-te-cua-cac-bai-hat-dan-ca-san-chi-post937192.vnp