Thương tiếc người hiền Lâm Thị Mỹ Dạ
5 giờ sáng hôm nay, 6/7/2023, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ ra đi. Cuộc rời chốn nhân gian nhẹ như lông hồng của Lâm Thị Mỹ Dạ giống như người Tiên trở về cảnh giới cũ, có nhiều mây trắng và trong.
Lâm Thị Mỹ Dạ là một tên tuổi nổi tiếng từ lâu trước khi tôi bước chân vào làng văn, nhưng tôi lại gắn bó với chị bởi nhiều duyên cớ: Chị hiền từ, phúc hậu, dễ mến, không phân biệt thứ bậc trong “chiếu làng”, ai chị cũng thân. Chị là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III, phụ trách nữ công. Tôi là Trưởng Ban nhà văn nữ. Chị hay có việc ra Hà Nội, tôi thích vào Huế, có lần ở luôn nhà chị. Chúng tôi tuổi trên dưới 50, chị sinh ngày 18/9/1949, chơi với nhau khá thân thiết chừng 20 năm. Tôi thích thơ chị, nhất là bài "Trắng trong" được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc thành bài hát "Lời ru người mẹ trẻ".
Chị kể, bài thơ nổi tiếng này chị viết ở Đồng Hới khi chiến tranh chống Mỹ vừa kết thúc. Hồi đó chị và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa có con gái đầu lòng:
"Đôi làn môi con
Nghiêng về vú mẹ
Như cây lúa nhỏ
Nghiêng về phù sa
Như hương hoa thơm
Nghiêng về ngọn gió...
Như búp hoa huệ
Ngậm tia nắng trời...
Sữa mẹ trắng trong
Con ơi hãy uống
Rồi mai khôn lớn
Con ơi hãy nghĩ
Những điều trắng trong".
Ca từ được nhạc sĩ dùng gần như nguyên vẹn bài thơ. Hầu như thế hệ chúng tôi nuôi con ai cũng ru con, cũng thích hát bài hát ấy. Nó chạm đến lòng người bởi sự giản dị, chân thật, thấm đẫm tình mẹ con, tình người. Thời đó cuộc sống vô cùng thiếu thốn và cực nhọc nhưng bài hát ru lại dẫn con người đến với sự lạc quan chân thành, hướng tới ngày mai tươi sáng.
Chị có nhiều bài thơ về chiến tranh, về tình yêu rất nổi tiếng như: "Khoảng trời hố bom", "Anh đừng khen em"... Bài thơ "Khoảng trời hố bom" rất xúc động:
"Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường
Ðể cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Ðánh lạc hướng thù. Hứng lấy luồng bom...
Ðơn vị tôi hành quân qua con đường mòn
Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái
Một nấm mộ, nắng ngời bao sắc đá
Tình yêu thương bồi đắp cao lên...
Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em
Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ
Ðất nước mình nhân hậu
Có nước trời xoa dịu vết thương đau
Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Ðêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh
Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong
Ðã hóa thành những làn mây trắng?
Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Ði qua khoảng trời em
- Vầng dương thao thức
Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài?
Tên con đường là tên em gửi lại
Cái chết em xanh khoảng-trời-con-gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em
Gương mặt em, bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng!".
Và tôi cũng thích bài:
"Anh đừng khen em
Lần đầu khi mới làm quen
Anh khen cái nhìn em đẹp
Trời mưa òa cơn nắng đến
Anh khen đôi má em hồng
Gặp người tàn tật em khóc
Anh khen em nhạy cảm thông
Thấy em sợ sét né giông
Anh khen sao mà hiền thế!
Thấy em nâng niu con trẻ
Anh khen em thật dịu dàng
Khi hôn lên câu thơ hay
Ấp trang sách vào mái ngực
Em nghe tim mình thổn thức
Thương người làm thơ đã mất
Trái tim giờ ở nơi đâu?
Khi đọc một cuộc đời buồn
Lòng em xót xa, ấm ức
Anh khen em giàu cảm xúc
Và bao điều nữa...? - Anh khen
Em sợ lời khen của anh
Như sợ chiều về, hắt lối
Nhiều khi ngồi buồn một mình
Trách anh sao mà nông nổi
Hãy chỉ cho em cái kém
Ðể em nên người tốt lành
Hãy chỉ cho em cái xấu
Ðể em chăm chút đời anh
Anh ơi, anh có biết không
Vì anh em buồn biết mấy
Tình yêu khắt khe thế đấy
Anh ơi anh đừng khen em".
Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng gống như con người chị, luôn làm người khác yêu mến bởi sự hiền hậu, bất thần, ngơ ngác và đầy nữ tính. Chị sinh tại Lệ Thủy, Quảng Bình, từng làm việc tại Ty văn hóa Quảng Bình. Rồi ra học Trường viết văn Nguyễn Du ở Hà Nội. Sau trở lại Huế làm phóng viên, biên tập viên Tạp chí Sông Hương. Chị sống nhiều năm ở Huế trong căn phòng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tặng vợ chồng chị. Sau, chị xây được nhà mới ở Phan Bội Châu thì ngôi nhà kia được lưu giữ là nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn.
Trông Mỹ Dạ hiền hậu, hay cười và xinh đẹp không ai nghĩ Mỹ Dạ từng trải qua thời niên thiếu nhọc nhằn. Có những hiểu nhầm về "lý lịch" của cha. Cha vào Sài Gòn, mẹ ở lại Huế. Chị sống thiếu vắng tình cha. Còn nhỏ đã phải phụ mẹ bán quán ở chợ Tuy Lộc… Sau ngày 30/4/1975, những người cùng hoạt động nội thành đã xác nhận, bố chị mới được tặng Bằng khen Chính phủ vì đã có công với cách mạng thời chống Mỹ cuộc sống của chị mới đỡ khốn khó. Đất nước thống nhất, chị mới gặp được cha. Cha chị rất bất ngờ và sung sướng khi biết con mình giờ đã trở thành một nhà thơ nổi tiếng…
Năm lớp 10 chị được chọn đi thi học sinh giỏi văn toàn quốc. Không chỉ thơ hay, có giọng ngâm thơ tốt, lại xinh đẹp nên chị nổi danh từ sớm. Chị trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1978, khi chưa đầy 30 tuổi. Nhờ tài năng nên năm 1988 chị được cử đi học khóa cao học ba tháng tại Học viện Gorki (Liên Xô).
Những năm tháng nhọc nhằn tuổi trẻ đó ta có thể thấy trong thơ của chị:
"... Mẹ sinh em ngày này
Mưa dột bầm mái tóc
Gió tê buốt hai tay
Mẹ không có cửa nhà
Em - đứa trẻ vắng cha
Như mầm cây trên đá
Biết khi nào nở hoa...
…Nỗi mình biết ngỏ ai hay
Bao đêm nước mắt vơi đầy, mẹ ơi!".
Mỹ Dạ có trực cảm mạnh, có khả năng dụng ngôn từ tài tình. Thơ của chị thốt ra từ tâm, cảm xúc chân thật, ngôn từ chắt lọc nên gây xúc động và chạm đến trái tim người đọc.
Được gia đình và bạn bè yêu mến vì lối sống, cách ứng xử, được xã hội nể trọng vì văn tài, cứ ngỡ Mỹ Dạ sẽ có cuộc sống viên mãn dài lâu, nhưng tai họa lại ập xuống với chị. Ngày 14/6/1998, trong lúc Mỹ Dạ đang ở Hà Nội, chuẩn bị lên đường dự tọa đàm thơ ở Mỹ thì chồng chị, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, bị tai biến mạch máu não, hôn mê ở Đà Nẵng. Mỹ Dạ phải hủy chuyến đi. Từ đó chị ở bên chồng, chăm sóc thuốc men, xoa bóp, tắm rửa, vệ sinh cho chồng.
"Bàn tay nâng em thành bảo mẫu
Nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười
Bệnh tật lo toan giấu vào đêm trắng
Giữa tháng ngày trĩu nặng
Em đứng thẳng người
Cho anh tựa vào em!" (Cho anh tựa vào em).
Vợ chồng Lâm Thị Mỹ Dạ có 2 người con gái. Dạ Thi là nhà báo, hiện đang sống ở Australia. Dạ Thư là chị, hiện đang làm ở NXB Trẻ. Những năm gần đây vợ chồng Lâm Thị Mỹ Dạ vào TP HCM sống cùng nhà với Dạ Thư. Nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường bị tai biến như đã kể, nhưng được chăm sóc chu đáo nên dù đi lại, nói năng vẫn khó khăn ông vẫn có thể làm việc. Ông vẫn viết những gì mà ông tâm đắc.
Còn Mỹ Dạ, có lẽ do vất vả những năm tháng chồng ốm và suy nghĩ nhiều nên lâm bệnh. Căn bệnh Aizheimer quái ác khiến chị mất trí nhớ. Chúng tôi một vài lần vào thăm, gặp chị, vẫn cười tươi, nụ cười phúc hậu, nhưng chị không nhận ra ai, thấy thương chị vô cùng. Con gái không để chị thiếu thứ gì, thuê người chăm sóc chu đáo. Song không ngờ, 5 giờ sáng hôm nay, 6/7/2023, chị ra đi. Cuộc rời chốn nhân gian nhẹ như lông hồng của chị giống như người Tiên trở về cảnh giới cũ, có nhiều mây trắng và trong. Chị sẽ gặp lại những nhà thơ đi trước, gặp lại nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họa sĩ Bửu Chỉ và những nhà văn cùng thời mến yêu chị.
Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ với chùm tác phẩm: Đề tặng một giấc mơ (tập thơ - 1988), Trái tim sinh nở (tập thơ - 1974), Bài thơ không năm tháng (tập thơ - 1983) vẫn còn kia, nhưng còn nữa, những giải thưởng từ bè bạn và từ người yêu văn thơ trong nước và quốc tế với những gì mà tài năng của chị đã tạo ra.
Tiễn chị với niềm thương yêu khôn cùng.
Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/thuong-tiec-nguoi-hien-lam-thi-my-da-post1030950.vov