Thường trực Ban Bí thư: Đường dây đánh bạc của người nước ngoài cho thấy sự quản lý yếu kém

'Sự việc vừa rồi xảy ra ở Hải Phòng, ngay tại một đô thị lớn, hàng mấy trăm người nước ngoài vào đó cư trú, hoạt động tội phạm một thời gian dài mà chúng ta không phát hiện cho thấy rõ những yếu kém, sơ hở trong quản lý. Cứ để tiếp tục tình trạng này sẽ rất nguy hiểm' - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nói.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng chủ trì hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt dùng hàng Việt".

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng chủ trì hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt dùng hàng Việt".

Sáng 2/8, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã dự, phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được UB Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức.

Khẳng định những thành tích đạt được trong 10 năm qua, từ khi triển khai cuộc vận động, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng khái quát: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư ghi nhận, đánh giá cao Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và đoàn thể các cấp đã tích cực, chủ động quán triệt, triển khai thực hiện có kết quả thiết thực chương trình”.

Tuy vậy, ông Trần Quốc Vượng nhận định, có một điều đáng buồn là vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong cuộc vận động này ngày càng giảm. Việc triển khai cuộc vận động còn nhiều khó khăn cũng do các cấp chưa tích cực tham gia chỉ đạo.

Ông Vượng cũng nói vai trò của các hiệp hội trong cuộc vận động chưa cao, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa thực sự hưởng ứng, nội dung hình thức tuyên truyền chưa đủ, chưa nhiều.

“Quảng cáo hàng Việt trên báo chí chưa bảo đảm định hướng, gương điển hình trong việc thực hiện cuộc vận động chưa được lan tỏa. Cá biệt có những bài báo đánh thẳng vào những mặt hàng truyền thống của người tiêu dùng. Chúng ta phải trân trọng hàng Việt, nhất là các mặt hàng truyền thống. Tôi nghĩ các cơ quan báo chí cũng cần lưu ý đối với phóng viên vấn đề này”, ông Vượng lưu ý.

Thường trực Ban Bí thư cũng phân tích, để xảy ra tình trạng cuộc vận động chưa thực sự đi vào đời sống có trách nhiệm của chính quyền, cấp ủy và các ngành quản lý ở cơ sở vì tất cả mọi việc diễn ra tại cơ sở. Có những trường hợp hàng giả được tổ chức sản xuất nhiều năm liền, diễn ra công khai tại địa bàn dân cư nhưng chính quyền không biết. Ông Vượng đặt câu hỏi nghi vấn về năng lực quản lý, khả năng có tiêu cực cấp cơ sở dẫn tới nghịch lý đó.

"Sự việc vừa rồi xảy ra ở Hải Phòng, ngay tại một đô thị lớn, hàng mấy trăm người nước ngoài vào đó cư trú, hoạt động tội phạm một thời gian dài mà chúng ta không phát hiện. Triệt phá thành công đường dây này là công của ngành công an nhưng thông qua đó cũng phải thấy rõ yếu kém, sơ hở trong quản lý. Nếu chúng ta cứ để thế này thì rất nguy hiểm"- Thường trực Ban Bí thư dẫn chứng phân tích.

Thường trực Ban Bí thư: "Có những bài báo đánh thẳng vào những mặt hàng truyền thống của người tiêu dùng".

Thường trực Ban Bí thư: "Có những bài báo đánh thẳng vào những mặt hàng truyền thống của người tiêu dùng".

Ông lưu ý, quản lý từ cơ sở là bài học mà ông cha đã từng để lại và nhắc nhở các cấp ủy quan tâm vấn đề này. Ông nhấn mạnh, với những nhiệm vụ khó khăn nhất như kháng chiến chống ngoại xâm, xây dựng XHCN, đảm bảo an ninh trật tự xã hội… cốt yếu đều phải vững mạnh từ cơ sở, từ đoàn thể, chính quyền và cơ quan chức năng tại mỗi địa bàn.

Sau khi đề cập đến công tác quản lý nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng chỉ rõ thực tế, một số mặt hàng Việt Nam chưa thu hút người tiêu dùng, tình trạng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn diễn ra. Đây là điều rất nhức nhối, đánh vào uy tín hàng Việt, nền sản xuất của Việt Nam.

Dù đồng tình với nhưng đánh giá của Ban chỉ đạo cuộc vận động nhưng ông Vượng yêu cầu phải đánh giá cả tác động của tình trạng nói trên đối với sức khỏe người dân, môi trường và sự phát triển bền vững. Ông nhắc lại, những vấn đề hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn… xảy ra là có trách nhiệm ở cơ sở.

Ngoài ra, cơ chế cho việc cạnh tranh, sản xuất, quyền lợi người tiêu dùng chưa được bảo đảm. Còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước, vi phạm xuất xứ hàng hóa, ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Thường trực Ban Bí thư nhận định, tới đây, người tiêu dùng sẽ có những yêu cầu cao hơn với hàng Việt. Vì thế, cuộc vận động “người Việt dùng hàng Việt” cần triển khai mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa, không để đây chỉ là phong trào, hình thức mà còn phải trở thành động lực thúc đẩy sản xuất theo cơ chế thị trường.

Theo Dân trí

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thuong-truc-ban-bi-thu-duong-day-danh-bac-cua-nguoi-nuoc-ngoai-cho-thay-su-quan-ly-yeu-kem-544928.html