Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum
Chiều 9/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng Đoàn công tác của Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh từ đầu nhiệm kỳ tới nay.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng cùng dự.
Tại buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá, Kon Tum là tỉnh có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng và an ninh nhưng xuất phát điểm lại thấp. Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng.
Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Tỉnh ủy đã quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh. Tỉnh có bước tiến bộ trong sắp xếp bộ máy, coi trọng tất cả các khâu trong phát triển cán bộ, từ quy hoạch, đào tạo, luân chuyển…. Công tác giám sát có nhiều tiến bộ. Công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt được nhiều kết quả. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới…
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng, dù xuất phát điểm thấp, năm 2022 tỉnh Kon Tum thu ngân sách được 4.000 tỷ đồng, đã có nhiều tiến bộ. Tăng trưởng bình quân cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng tăng; thu nhập bình quân đầu người tốt. Đường biên, mốc giới, hòa bình, hợp tác, phát triển với các tỉnh của hai nước bạn Lào và Campuchia được giữ vững. Tỉnh giải quyết kịp thời, không để phát sinh những biến động trong nhân dân.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị, trong thời gian tới, ưu tiên và nhiệm vụ quan trọng nhất của tỉnh là lo cho nhân dân, đạt được kết quả cao hơn trong giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân. Tiếp theo là giữ vững quốc phòng, an ninh gần 300 km đường biên giới hòa bình, phát triển; giữ vững an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giữ được rừng, tài nguyên, khoáng sản, đảm bảo phát triển lành mạnh, bền vững.
“Để làm được những việc đó, chúng ta phải sửa mình, nỗ lực, cố gắng tối đa, coi trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị là yếu tố tiên quyết, quyết định. Đối với xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phải tập trung lãnh đạo, cụ thể hóa và thực hiện tốt các kế hoạch đã đề ra, thực hiện tới nơi tới chốn. Tiếp nữa phải đầu tư tốt cho công tác tổ chức cán bộ, có đủ phẩm chất, năng lực, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, hết lòng vì sự nghiệp của Đảng, của đất nước, của tỉnh...”, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Thường trực Ban Bí thư yêu cầu Kon Tum cần tiếp tục cải cách hành chính. Tỉnh dù khó, nhưng quy mô dân số, doanh nghiệp, yêu cầu công việc hàng ngày cũng vừa phải, nên có thuận lợi là một địa phương ở mức trung bình. Cải cách hành chính, nâng cao các chỉ số PAPI, PCI, các chỉ số hiện đại sẽ dễ hơn so với các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là lợi thế, tỉnh cần tạo ra sự chuyển biến về các chỉ số này.
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Hòa Bình đánh giá, tỉnh Kon Tum có nhiều khó khăn về điều kiện, địa hình, nên gặp khó khăn trong việc phát triển kinh tế, nhất là thu hút các dự án kinh tế lớn. Tuy nhiên, tỉnh vẫn có nhiều điểm sáng, phát triển tất cả các mặt của đời sống - xã hội. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua đạt được kết quả cao. Thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế đều đạt và vượt kế hoạch.
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Hòa Bình nhận định, Kon Tum thực hiện nhiều chương trình rất phù hợp với điều kiện thực tế, như việc xây dựng nông thôn mới, lấy làng nông thôn mới làm nòng cốt để xây dựng xã nông thôn mới. Bên cạnh đó, việc xây dựng và thực hiện cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” rất sát với thực tế ở địa phương, người dân đồng bào dân tộc thiểu số đã biết thay đổi nhận thức trong sản xuất hàng hóa, như một số người dân ở Tu Mơ Rông đã giàu lên nhờ Sâm Ngọc linh; người dân ở Măng Đen, Kon Plông đã biết làm du lịch để tăng thu nhập;…
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Hòa Bình lưu ý, tỉnh Kon Tum cần cải thiện các chỉ số kinh tế vĩ mô, các bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách thủ tục hành chính, không để tiếp diễn tình trạng nằm trong nhóm cuối bảng.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời quán triệt và ban hành các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 10 Nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; ban hành Chương trình số 50-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Về kinh tế, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tỉnh (GRDP) hằng năm tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2020 - 2022 đạt 8,45%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng các ngành nông, lâm, thủy sản. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng qua các năm (năm 2020 đạt 3.000 tỷ đồng, năm 2021 đạt 3.659 tỷ đồng, năm 2022 đạt 4.050 tỷ đồng). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 43,2 triệu đồng cuối năm 2020 lên 52,44 triệu đồng vào cuối năm 2022 (đạt 75% mục tiêu cuối nhiệm kỳ). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15,32% năm 2021 còn 10,86% vào cuối năm 2022; 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Tỉnh ủy Kon Tum đã tổ chức tốt việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng. Chất lượng giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục được nâng lên. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã kết nạp được 2.126 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 31.315 đồng chí.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang kiến nghị Trung ương xem xét, ưu tiên đầu tư tuyến đường cao tốc kết nối Kon Tum - Gia Lai - Bình Định và tuyến cao tốc từ Kon Tum đến Quảng Nam; ưu tiên bổ sung Dự án đầu tư các đoạn còn lại của Quốc lộ 24, Quốc lộ 14C, Quốc lộ 40B. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ sớm bổ sung quy hoạch Sân bay Măng Đen; điều chỉnh giảm diện tích Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y; đồng ý chủ trương mở cửa khẩu phụ Hồ Le (xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai).
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết, ủng hộ các vấn đề kiến nghị của tỉnh về hạ tầng, giao thông, kinh tế, xã hội và sẽ chuyển tới Ban cán sự Đảng, Thủ tướng Chính phủ xem xét.