Thường trực Ban Bí thư: Xây dựng Ninh Bình thành trung tâm du lịch của cả nước

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, cần xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, Ninh Bình cần đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở phát huy, bảo tồn và khai thác hợp lý các khu di tích, danh thắng hiện có. Đảng bộ và nhân dân cần xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước.

Thường trực Ban Bí thư cho biết, những thành tựu đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình trong nhiệm kỳ vừa qua là rất đáng tự hào, thể hiện tinh thần đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, làm nên diện mạo mới, ngày càng khởi sắc, tươi đẹp từ các đô thị đến mọi vùng nông thôn của Ninh Bình; tạo niềm tin, nền tảng, tiền đề quan trọng để tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

"Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong nhiệm kỳ qua", ông Vượng nói.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo Đại hội. (Ảnh: Báo Ninh Bình)

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo Đại hội. (Ảnh: Báo Ninh Bình)

Bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được, Đại hội cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm. Ông Vượng đề nghị, Đại hội tập trung thảo luận, đánh giá sâu hơn, phân tích kỹ nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm để có biện pháp khắc phục, giải quyết có hiệu quả trong thời gian tới.

Theo Thường trực Ban Bí thư, thời gian tới, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng và khó lường. Dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19, thiên tai, biến đổi khí hậu và những thách thức an ninh phi truyền thống ảnh hưởng lớn đến nước ta nói chung và Ninh Bình nói riêng.

Tán thành với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ tới đã nêu trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội, ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, Đại hội cần thảo luận, xem xét tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo; có tầm nhìn mới về một Ninh Bình phát triển trong thời kỳ mới.

Với vị trí chiến lược quan trọng, kết nối khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Bắc, nằm trong vùng tứ giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa, Ninh Bình cần đặc biệt quan tâm phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nội tỉnh và liên vùng; thúc đẩy liên kết vùng, nhất là liên kết chặt chẽ với các cực phát triển kinh tế của vùng tứ giác phát triển kinh tế để đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp với năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao.

Ninh Bình cần đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở phát huy, bảo tồn và khai thác hợp lý các khu di tích, danh thắng hiện có.

Tỉnh cần thu hút nhà đầu tư chiến lược, đầu tư có chiều sâu, gắn với bảo vệ tốt môi trường sinh thái, tạo nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, chú trọng kết nối liên tỉnh, liên vùng; Xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước.

Ông Vượng cũng cho rằng, Ninh Bình phải coi trọng giữ gìn và bảo vệ thật tốt môi trường sinh thái "xanh, sạch, đẹp", chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống dịch bệnh, thiên tai.

Thường trực Ban Bí thư lưu ý chú trọng phát triển và bảo vệ thật tốt rừng, nhất là rừng nguyên sinh quốc gia Cúc Phương, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng chắn sóng biển Kim Sơn.

"Cần nhận thức sâu sắc hơn và phát huy mạnh mẽ giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa cố đô Hoa Lư ngàn năm 'địa linh nhân kiệt'; và con người Ninh Bình có ý chí vươn lên trong khó khăn, thử thách, cần cù, năng động và sáng tạo, biến khó khăn thành lợi thế, thách thức thành cơ hội trong quá trình phát triển đi lên của tỉnh nhà.

Đặc biệt chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống, nghệ thuật dân gian độc đáo của vùng đất cố đô Hoa Lư và Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới", ông Vượng nói.

Theo Thường trực Ban Bí thư, Ninh Bình có vị trí chiến lược, đặc biệt trọng yếu về quốc phòng. Do vậy, Ninh Bình cần tập trung chăm lo xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; bảo vệ vững chắc chủ quyền biển; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh.

Đảng bộ Ninh Bình phải quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, chủ động, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc.

"Nhân đây, tôi nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ khi Người về thăm Ninh Bình: 'Phải đoàn kết toàn dân, đoàn kết trong Đảng và ngoài Đảng, đoàn kết lương giáo'. Đảng bộ Ninh Bình cần khắc ghi và thường xuyên thực hiện thật tốt lời chỉ bảo của Bác. Trước hết là phải giữ gìn và tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, là hạt nhân đoàn kết toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà", Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.

Xuân Trường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thuong-truc-ban-bi-thu-xay-dung-ninh-binh-thanh-trung-tam-du-lich-cua-ca-nuoc-ar576244.html