Thường trực Chính phủ thảo luận về dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 19-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về những nội dung chủ yếu của dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) 2021, dự thảo kế hoạch tài chính-NSNN 2021-2023, dự thảo kế hoạch phát triển KT-XH và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần phải bảo đảm các cân đối lớn, sự phát triển của nền kinh tế, không để bị đứt gãy trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, bảo đảm sự tăng trưởng cần thiết để giải quyết việc làm, ổn định đời sống nhân dân. Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần tránh bị động trong chỉ đạo điều hành, xây dựng kế hoạch và càng khó khăn thì càng phải chủ động, tích cực, nỗ lực vượt khó. Do đó, trước những ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề bởi dịch Covid-19 cần có giải pháp, đối sách rõ ràng, hiệu quả, khả thi để giảm thiệt hại, phục hồi phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh, kể cả trong ngắn hạn và trung hạn. Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ cần thể hiện trách nhiệm trước nhân dân, trước đất nước, thống nhất quan điểm nỗ lực hành động để hỗ trợ phục hồi phát triển KT-XH năm nay cũng như năm 2021 và các năm tiếp theo.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cùng các địa phương phải tập trung nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ kịp thời, đủ mạnh đối với người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn hiện nay. Giải pháp, đối sách phải chủ động, linh hoạt, phù hợp với trạng thái bình thường mới. Thủ tướng chỉ đạo phải thực hiện tốt hơn nữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt, mạnh mẽ hơn, đặc biệt là chính sách tài khóa mở rộng với mức độ hợp lý để hỗ trợ kích thích tổng cầu, tạo việc làm, thu nhập và thúc đẩy tăng trưởng trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng lưu ý quan điểm chính sách phải rõ ràng và hướng đến giảm chi phí hơn nữa cho doanh nghiệp, tiếp tục hỗ trợ một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, như: Vận tải, du lịch, dệt may, y tế, giáo dục...

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy các chính sách kinh tế mới với các ưu đãi về thuế, như: Doanh nghiệp công nghệ, hệ thống đổi mới sáng tạo, thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ...; thúc đẩy phát triển các nền tảng trực tuyến, như: Đào tạo từ xa, khám, chữa bệnh từ xa. Có chính sách khuyến khích tiêu dùng hợp lý thông qua chính sách thuế, phí, kể cả sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện, nước, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế xả thải. Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng, kể cả hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông bằng tất cả nguồn lực có thể, trong đó, bố trí trong kế hoạch 2021-2025 những công trình, chương trình quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, như: Cao tốc Bắc-Nam, đường ven biển, những tuyến xuyên tâm, đầu tư về công nghệ như kinh tế số... Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu giảm tỷ trọng chi thường xuyên, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả vốn đầu tư công; phân cấp NSNN phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Tin, ảnh: TTXVN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/thuong-truc-chinh-phu-thao-luan-ve-du-thao-ke-hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-632181