Thường trực nỗi lo cháy, nổ trên tàu cá

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện tượng cháy, nổ trên tàu cá trong quá trình neo đậu tại bờ và hành nghề trên biển diễn ra khá phổ biến. Những vụ việc đáng tiếc trên đã gây ra tổn thất lớn về tài sản và nguy cơ đe dọa đến tính mạng của chính ngư dân. Tuy nhiên, công tác phòng tránh, ứng phó cháy nổ trên tàu cá đang gặp không ít khó khăn.

Tổ công tác BĐBP thành phố Đà Nẵng tham gia chữa cháy tàu cá BĐ 40153 TS xảy ra vào tháng 7/2022. Ảnh: CTV

Tổ công tác BĐBP thành phố Đà Nẵng tham gia chữa cháy tàu cá BĐ 40153 TS xảy ra vào tháng 7/2022. Ảnh: CTV

Những năm gần đây, phần lớn các tàu cá có công suất lớn, hoạt động dài ngày trên biển phải mang theo lượng ngư lưới cụ lớn. Cùng với đó, số thuyền viên đông, buộc các phương tiện hành nghề phải mang theo lượng thực phẩm và đồ sinh hoạt cá nhân khá nhiều. Để đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt, khai thác thủy sản trên biển, nhiều chủ tàu cá đã tự đấu nối hệ thống điện, lắp đặt bếp ga ở các khu vực khác nhau trên tàu. Tùy theo công suất, mỗi tàu cá đều còn chở theo hàng nghìn lít dầu diezel và nhiều bình gas trong quá trình đánh bắt trên biển.

Những yếu tố trên là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ cháy, nổ trên các tàu cá trong thời gian qua. Một khi không may xảy ra cháy, nổ trên tàu cá, công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là trong trường hợp bình ga phát nổ trên các phương tiện dễ gây thiệt hại về người, vì không gian trên tàu rất chật hẹp.

Mới đây nhất, vào ngày 12/2/2023, tàu đánh cá mang số hiệu NA 90568 TS của anh Hồ Văn Hoàng, sinh năm 1987, trú tại xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, trong quá trình hành nghề tại vùng biển cách đảo Hòn Mê (tỉnh Thanh Hóa) khoảng 95 hải lí về phía Đông Bắc thì bất ngờ xảy ra hỏa hoạn. Thời điểm gặp nạn, trên tàu có 10 thuyền viên. Do tàu ở ngoài khơi xa, không có lực lượng ứng cứu kịp thời, ngọn lửa đã nhanh chóng thiêu rụi phương tiện và chìm xuống biển.

Ngay khi ngọn lửa bùng phát, biết không thể cứu vãn tình thế, số thuyền viên làm việc trên tàu đã chủ động sử dụng thuyền thúng và ván để rời khỏi tàu, chấp nhận trôi dạt trên biển. Rất may, một thời gian sau, những thuyền viên gặp nạn được một tàu cá khác của xã Sơn Hải (huyện Quỳnh Lưu) đang khai thác thủy sản gần đó phát hiện, cứu vớt kịp thời, đưa vào đảo Bạch Long Vỹ (thành phố Hải Phòng) an toàn. Tại đây, số ngư dân của tỉnh Nghệ An được chính quyền địa phương, BĐBP thăm hỏi, động viên, hỗ trợ ban đầu. Theo thông tin anh Hồ Văn Toàn cho biết, nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn có thể xuất phát từ việc chập hệ thống điện trên tàu. Trong vụ việc, mặc dù không ảnh hưởng đến tính mạng của ngư dân, nhưng vụ cháy đã gây thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 3,5 tỉ đồng.

Trước đó, tháng 7/2022, tàu cá BĐ 40153 TS của ông Phạm Minh Trưởng, trú tại xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đang neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng cũng bị bốc cháy. Ngọn lửa nhanh chóng lan ra khắp tàu khiến đồ đạc, máy móc dưới hầm máy, phía trong ca bin và một số ngư cụ bị lửa bao trùm. Nhận được tin báo, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng đã điều động ca nô và 25 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đồn Biên phòng Sơn Trà và Hải đội Biên phòng 2 phối hợp với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy quận Sơn Trà, Ban quản lý âu thuyền Thọ Quang, các chủ tàu cá bên cạnh phối hợp để dập lửa. Hơn 1 giờ đồng hồ sau, đám cháy được dập tắt. Qua xác minh ban đầu, nguyên nhân vụ cháy xuất phát từ khoang máy, cháy lan ra các ngư lưới cụ của tàu.

Đoàn công tác huyện Bạch Long Vỹ, thành phố Hải Phòng thăm hỏi, động viên ngư dân trên tàu cá NA 90568 TS gặp hỏa hoạn vào ngày 12/2/2023. Ảnh: CTV

Đoàn công tác huyện Bạch Long Vỹ, thành phố Hải Phòng thăm hỏi, động viên ngư dân trên tàu cá NA 90568 TS gặp hỏa hoạn vào ngày 12/2/2023. Ảnh: CTV

Nói về công tác phòng, chống cháy, nổ trên tàu cá, Trung tá Nguyễn Ngọc Thìn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận, BĐBP Nghệ An cho biết: “Nguyên nhân cháy, nổ trên các tàu cá cơ bản do chập điện và quá trình sử dụng bình gas để nấu ăn cho ngư dân trong quá trình hành nghề. Tuy nhiên, công tác phòng ngừa, ứng phó với sự cố hỏa hoạn trên tàu cá gặp rất nhiều khó khăn do tàu cá thường chứa nhiều dầu để phục vụ đi biển dài ngày và các vật dụng dễ gây cháy nên khi hỏa hoạn rất khó khống chế, dập tắt. Chính vì thế, cháy, nổ trên tàu cá thường gây thiệt hại lớn về tài sản và đe dọa đến tính mạng của ngư dân.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống, chữa cháy, nổ của BĐBP và các lực lượng chức năng trên biển lại gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, ý thức về công tác phòng, chống cháy, nổ trên tàu cá của ngư dân lại chưa cao. Thậm chí, một số chủ tàu còn có thái độ chủ quan với công tác phòng, chống cháy, nổ trên các phương tiện tiền tỉ của mình”.

Trước thực tế này, các đơn vị BĐBP đang kiểm soát chặt chẽ các phương tiện, nhắc nhở ngư dân chú trọng công tác đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ khi ra khơi. Cùng với đó, phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng liên quan định hướng, xây dựng kế hoạch tuyên truyền đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ ở các bến, bãi tàu thuyền. Mặt khác, hướng dẫn các gia đình, các chủ tàu phải tự trang bị phương tiện chữa cháy và tập huấn sử dụng phương tiện chữa cháy để chủ động trước các tình huống xảy ra khi hành nghề trên biển.

Lam Giang

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thuong-truc-noi-lo-chay-no-tren-tau-ca-post458967.html