Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND

Sáng 18.4, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 22 Hùng Vương (Hà Nội), dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình, Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát đã họp phiên mở rộng, thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

 Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình chủ trì phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình chủ trì phiên họp

Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga; các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát: Hoàng Anh Công, Trần Thị Nhị Hà, Lò Việt Phương; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên.

Theo Tờ trình về dự án Luật, để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách mới của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị, thực hiện mô hình địa phương hai cấp, dự thảo Luật đã được rà soát, điều chỉnh để sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan tại 48/98 điều của Luật hiện hành theo hướng: Sửa đổi các quy định liên quan đến việc tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử, đồng thời kết hợp sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật không quá 1/2 tổng số điều. Nội dung sửa đổi trong từng điều luật không nhiều, chủ yếu sửa về kỹ thuật.

Dự thảo Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Hoàng Anh Công trình bày và nêu rõ, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất dự thảo Luật được xây dựng và ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín (tháng 5.2025).

Ủy ban Dân nguyện và Giám sát cơ bản tán thành với đề xuất của cơ quan chủ trì soạn thảo và cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là yêu cầu cấp bách, khẩn trương về tiến độ nhằm bảo đảm phù hợp với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, đồng thời kịp thời phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026 - 2031 (dự kiến tiến hành vào tháng 3.2026); và thuộc trường hợp cấp bách để giải quyết vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo điểm b, khoản 1, Điều 50, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu về trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, để có thêm thông tin phục vụ Quốc hội xem xét, quyết định, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung việc đánh giá, dự báo tác động tiêu cực đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và hậu quả có thể xảy ra nếu không kịp thời ban hành để giải quyết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025.

Khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, các đại biểu nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật cần bám sát chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, hoàn thiện cơ chế bầu cử để lựa chọn được những người xứng đáng, đại diện cho Nhân dân, nhất là các yêu cầu về nhiệm vụ, giải pháp liên quan được nêu tại Nghị quyết 27 - NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, Nghị quyết số 28 - NQ/TW về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

 Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Các đại biểu nêu rõ, cần quán triệt thực hiện đầy đủ các giải pháp về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo hướng chỉ quy định trong luật những nội dung thuộc thẩm quyền Quốc hội, chỉ xem xét sửa đổi, bổ sung những vấn đề đã có chỉ đạo rõ, những nội dung cần điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với thực tiễn.

Các đại biểu cũng cho ý kiến về việc điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử, góp phần tiết kiệm thời gian, ngân sách của Nhà nước cũng như chi phí chung của toàn xã hội; cho ý kiến về chủ thể tổ chức các Hội nghị hiệp thương ở Trung ương; nâng cao nhận thức của người dân về quyền bầu cử…

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình ghi nhận các ý kiến phát biểu và khẳng định sẽ tiếp tục hoàn thiện Báo cáo thẩm tra, bảo đảm Luật được ban hành có tính khả thi, góp phần thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Tin, ảnh: Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thuong-truc-uy-ban-dan-nguyen-va-giam-sat-tham-tra-du-an-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-bau-cu-dai-bieu-quoc-hoi-va-dai-bieu-hdnd-post410630.html