Thường trực Ủy ban Pháp luật thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Chiều 15.3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã họp mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ban Dân nguyện; đại diện Ban Dân vận, Bộ Nội vụ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, một số bộ ngành…
Ảnh: Hồ Long
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, dự án Luật được xây dựng nhằm hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở để bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.
Dự thảo Luật gồm 6 Chương, 49 Điều, quy định chung về thực hiện dân chủ ở cơ sở, nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, trong nội bộ cơ quan nhà nước, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập (trừ một số cơ quan, tổ chức đặc thù); trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân. Chính phủ đề nghị bổ sung chế định Thanh tra nhân dân, hiện đang được điều chỉnh tại Luật Thanh tra sang quy định tại dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định theo hướng khái quát về chức năng, nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân, giao Chính phủ phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động của cơ quan này. Chính phủ cũng xin ý kiến với quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp, bao gồm cả tổ chức, hợp tác xã có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Ảnh: Hồ Long
Trình bày báo cáo của Nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật về dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với những lý do đã được nêu tại Tờ trình. Hồ sơ của dự án Luật đã được chuẩn bị khá công phu, nghiêm túc, cơ bản đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhóm Nghiên cứu cũng chỉ rõ, dự thảo Luật quy định về thực hiện dân chủ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị với phạm vi rất rộng nhưng Báo cáo tổng kết mới chỉ đề cập đến việc thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan hành chính nhà nước. Mặt khác, tại Tờ trình số 56/TTr-CP, Chính phủ đã nêu một số bất cập, hạn chế trong thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nhưng chưa có biện pháp khắc phục; một số nội dung trong báo cáo đánh giá tác động còn chung chung. Do đó, Chính phủ và Cơ quan soạn thảo tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các nội dung này trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Ảnh: Hồ Long
Qua thảo luận tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, các đại biểu tham dự cuộc họp đều thống nhất với sự cần thiết nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; hồ sơ dự án Luật này đủ điều kiện trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nhấn mạnh, việc luật hóa quy định từ pháp lệnh, nghị định hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở là một bước tiến tốt, song cần tiếp tục rà soát các văn kiện của Đảng liên quan để có thể thể chế hóa đầy đủ và đúng các chủ trương của Đảng về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, bám sát quy định của Hiến pháp năm 2013 để cụ thể hóa cơ chế Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện quyền lực Nhà nước thông qua dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, thậm chí tăng cường dân chủ trực tiếp thông qua thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bảo đảm kế thừa các quy định đang phát huy tốt trong thực tế; phát triển các quy định về công khai thông tin ở cơ sở, mở rộng hình thức thông tin để áp dụng các công nghệ hiện đại… Đồng thời, xử lý hài hòa quy định về áp dụng luật để bảo đảm không nhắc lại quy định của luật khác, bao quát toàn bộ thực tiễn, có phương án áp dụng phù hợp nếu có quy định khác với các luật liên quan.