Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra sơ bộ dự án Luật Phòng không nhân dân

Sáng 19.3, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 22 Hùng Vương, Hà Nội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức Phiên họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ dự án Luật Phòng không nhân dân dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới.

Cùng dự có đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Xã hội, lãnh đạo Bộ Quốc phòng.

Quang cảnh Phiên họp

Quang cảnh Phiên họp

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, dự án Luật Phòng không nhân dân được Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 theo Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 2.6.2023.

"Việc xây dựng luật này nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; tiếp tục thể chế hóa quy định của Hiến pháp; kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành pháp luật về phòng không nhân dân. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng lực lượng phòng không nhân dân vững mạnh, rộng khắp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới". Nhấn mạnh như vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh mong muốn, các đại biểu tích cực tham gia ý kiến để Ủy ban hoàn thiện Báo cáo thẩm tra dự án luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới phát biểu

Theo Tờ trình dự án Luật Phòng không nhân dân, những năm qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận phòng không nhân dân trên từng hướng, từng khu vực phòng thủ. Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc trong tình hình mới, trong đó có vai trò quan trọng của lực lượng phòng không nhân dân, nhằm phòng ngừa, xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh trên không; chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (khoản 2 Điều 14). Tuy nhiên, nhiều nội dung quy định về phòng không nhân dân liên quan đến quyền con người, quyền công dân còn được quy định bằng văn bản dưới luật nên chưa bảo đảm nguyên tắc hiến định.

Trong khi đó, kết quả tổng kết thi hành pháp luật về phòng không nhân dân đã chỉ ra một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn và nội dung chưa đồng bộ, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật Phòng không nhân dân là rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Dự án luật gồm 8 chương, 55 điều, với 5 nhóm chính sách lớn: Chính sách 1: Xây dựng lực lượng phòng không nhân dân; Chính sách 2: Huy động, hoạt động lực lượng phòng không nhân dân. Chính sách 3: Quy định quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ. Chính sách 4: Quy định các biện pháp về bảo đảm an toàn phòng không. Chính sách 5: Nguồn lực, chính sách đối với phòng không nhân dân.

Các đại biểu phát biểu ý kiến

Các đại biểu phát biểu ý kiến

Tại phiên họp, đa số ý kiến tán thành việc ban hành luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, khẳng định vai trò quan trọng của phòng không nhân dân trong phòng ngừa, xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh trên không, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Theo đánh giá bước đầu, các đại biểu cũng cho rằng, các quy định của dự thảo luật cơ bản phù hợp quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn.

Về xây dựng lực lượng phòng không nhân dân (Mục 1 Chương II), đa số ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo luật cơ bản thực hiện theo tinh thần các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24.11.2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể, các quy định trong dự thảo luật đã hướng đến tổ chức tinh gọn bộ máy chỉ đạo, chỉ huy, quản lý; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp và tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; sử dụng lực lượng kiêm nhiệm là chủ yếu, không phát sinh thêm tổ chức bộ máy, không tăng biên chế công chức và số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung về: lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân; cơ quan chỉ đạo phòng không nhân dân, hệ thống chỉ huy phòng không nhân dân; quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không…

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng đánh giá cao các ý kiến đã tập trung làm rõ các nội dung quan trọng của dự án luật, những nội dung còn có ý kiến khác nhau; cho biết, sau phiên họp, Thường trực Ủy ban sẽ tổ chức nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu và hoàn thiện dự thảo Báo cáo thẩm tra sơ bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 3.2024.

N. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/thuong-truc-uy-ban-quoc-phong-va-an-ninh-tham-tra-so-bo-du-an-luat-phong-khong-nhan-dan-i363313/