Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói về lịch sử đặc biệt trong hợp tác Việt – Nga

Trải qua hơn 30 năm xây dựng, Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga đã trở thành mô hình hợp tác khoa học công nghệ quân sự hiệu quả, có vị trí đặc biệt trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Ủy ban Phối hợp liên chính phủ về Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga, có những chia sẻ về hoạt động của trung tâm này:

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh

- Thưa Thứ trưởng, hợp tác Việt – Nga trong khuôn khổ Ủy ban Phối hợp liên chính phủ về Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đóng vai trò như thế nào trong hợp tác quốc phòng hai nước?

Nói đến hợp tác Việt Nam, Liên bang Nga về khoa học kĩ thuật thì chúng ta phải nói đến phối hợp hai bên trong Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga. Bản thân trung tâm là một cơ quan của Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ hợp tác với Nga về khoa học kĩ thuật liên quan đến quốc phòng, quân sự cũng như các vấn đề về kinh tế xã hội, khoa học công nghệ (KHCN).

Các hoạt động hỗn hợp Việt- Nga trong trung tâm được đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban hỗn hợp hai chính phủ. Trung tâm có lịch sử rất đặc biệt. Đó là vào năm 1988 cách đây hơn 30 năm, Việt Nam và Liên Xô thành lập Trung tâm nhiệt đới Việt – Xô để nghiên cứu các vấn đề về nhiệt đới gồm có sinh thái, y sinh và độ bền. Đây là những vấn đề rất mới về KHCN bấy giờ cũng như hiện nay. Nó phục vụ cho các hoạt động KHCN của quân sự quốc phòng, đồng thời phục vụ cho kinh tế xã hội, đặc biệt là các vấn đề về môi trường.

Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga là cơ chế hỗn hợp duy nhất còn lại giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây duy trì đến ngày hôm nay.

- Đại dich Covid-19 đặt ra những diễn biến mới, hai bên xác định nội dung hợp tác như thế nào để có thể thích ứng với tình hình này, thưa Thứ trưởng?

Kế hoạch đã định giữa bộ quốc phòng 2 nước trong năm nay có rất nhiều nội dung. Có đến 65 sự kiện hợp tác giữa Việt Nam và Nga về mặt quốc phòng. Đại dịch làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nội dung mà hai bên đã đề ra.

Tuy nhiên, bộ quốc phòng hai nước thống nhất với nhau rằng, những hoạt động chính, hoạt động mang tính chất chung thì không thể thay đổi. Đó là các giao lưu cấp cao, nếu không gặp được thì tổ chức trực tuyến. Đó là sự hợp tác thực chất của các quân binh chủng…

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thăm Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga năm 2018

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thăm Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga năm 2018

Về đối phó với dịch bệnh, Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga đóng vai trò đặc biệt. Đầu năm nay, Chính phủ Nga đã tặng cho trung tâm một phòng thí nghiệm trên xe lưu động, có khả năng kiểm soát và phát hiện, xác định được hầu hết các dịch bệnh hiện nay. Trong dịch Covid, có thể nói đây là phương tiện cơ động duy nhất của Việt Nam có khả năng kiểm tra, xác định người nhiễm bệnh.

Hàng nghìn trường hợp đã được xét nghiệm Covid-19, Bộ Y tế cũng như các cơ quan hữu quan xác định, xét nghiệm Covid-19 của Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga có độ chính xác cao nhất và tốt nhất của Việt Nam. Như vậy, khi dịch Covid xảy ra, chúng ta không bị gián đoạn hợp tác quốc phòng hai nước, không gián đoạn những nội dung hợp tác về khoa học kĩ thuật của trung tâm, và trung tâm cũng đóng góp tích cực vào việc phòng và chống dịch.

- Vậy trong quá trình làm việc giữa các chuyên gia hai bên, đồng nghiệp Nga được đánh giá như nào, thưa ông?

Các chuyên gia Nga ở trung tâm đã sang Việt Nam hơn 30 năm. Mặc dù tình thế có thay đổi nhưng tình cảm của họ với Việt Nam là bất biến. Họ là những chuyên gia hàng đầu thế giới về môi trường, sinh thái và các vấn đề nhiệt đới. Bên cạnh khả năng, trình độ thì điều quý nhất của những chuyên gia Nga là tình cảm, trách nhiệm đối với Việt Nam, với quân đội nói chung và Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga nói riêng.

- Trọng tâm phát triển tới đây của trung tâm như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga thực hiện các nghiên cứu khoa học cơ bản làm nền tảng phục vụ hoạt động quân sự quốc phòng cũng như kinh tế xã hội. Ví dụ nghiên cứu về độ bền nhiệt đới rất quan trọng trong đảm bảo và duy trì vũ khí trang bị sẵn sàng chiến đấu. Hay vấn đề môi trường, nhất là môi trường biển hoặc nghiên cứu y sinh nhiệt đới mà ứng phó với dịch Covid vừa rồi là một ví dụ điển hình.

Chúng ta có hai vấn đề lớn cần giải quyết cấp bách. Đó là y sinh nhiệt đới, đại dịch xảy ra khiến chúng ta thấy rằng không thể chủ quan. Thứ hai là môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Cần có sự hợp tác quốc tế rộng rãi hơn để giữ gìn môi trường biển, nhất là Biển Đông - vùng biển rộng lớn, giàu tài nguyên khoáng sản, các sinh vật biển. Chúng ta phải giữ cho bằng được và đây cũng là nhiệm vụ của quốc phòng.

- Theo Thứ trưởng, các thành tựu đạt được của trung tâm nói riêng, Ủy ban hỗn hợp Việt – Nga nói chung đóng góp như thế nào trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hai nước?

Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga diễn ra ở rất nhiều lĩnh vực rộng lớn và sâu sắc. Trong quốc phòng cũng diễn ra ở nhiều khía cạnh, lĩnh vực khác nhau như hợp tác về chính sách, về kĩ thuật quân sự hay huấn luyện đào tạo.

Nhưng hợp tác KHCN thì là đặc thù của Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga. Thế nên duy trì và phát triển hợp tác của trung tâm này giúp tăng cường độ tin cậy của hai bên, là kênh để trao đổi thông tin KHCN và đào tạo cán bộ cho các sĩ quan của Việt Nam. Đồng thời đóng góp trực tiếp cho các nhiệm vụ quân sự quốc phòng cũng như phát triển kinh tế xã hội.

Thêm một ví dụ nữa là việc làm sạch dioxin ở Việt Nam. Vấn đề đặt ra là ai sẽ là người thẩm định kết quả làm sạch dioxin, ai đảm bảo rằng khi xử lý dioxin không lan ra môi trường gây hại cho con người và ai khẳng định một cách đầy đủ cơ sở khoa học là đất này, không khí này sạch sau khi đã tẩy độc.

Đây chính là một trong những nhiệm vụ của Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga hiện nay. Các chuyên gia hai bên đang làm rất là tốt vai trò thẩm định này, không chỉ là đáp ứng yêu cầu của nhà nước mà kết quả thẩm định của trung tâm đáp ứng yêu cầu của tất cả phòng thí nghiệm chuẩn của thế giới về độ ô nhiễm dioxin.

Tôi muốn nói rằng, hợp tác khoa học kĩ thuật về môi trường trong bối cảnh Việt Nam hiện nay là nhiệm vụ rất nặng nề. Trong đó, quân đội không đứng ngoài, chúng ta góp một phần nhỏ nhưng rất hiệu quả và thiết thực cho nỗ lực đảm bảo môi trường.

Bảo Đức

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/viet-nam-va-the-gioi/thuong-tuong-nguyen-chi-vinh-noi-ve-lich-su-dac-biet-hop-tac-viet-nga-654008.html