Ngành thư viện đã có bước chuyển đổi số đáng ghi nhận
Triển khai Luật Thư viện và Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện thời gian qua đã có bước chuyển đáng ghi nhận.
Số hóa tài liệu được triển khai tại các thư viện
Hiện đại hóa thư viện, phát triển thư viện số và liên thông thư viện là xu thế phát triển tất yếu của thư viện hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Việc đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của khoa học kỹ thuật để làm phong phú, hấp dẫn nội dung hoạt động của thư viện, đổi mới hình thức phục vụ đang là yêu cầu sống còn đối với các thư viện trong bối cảnh người sử dụng thư viện đã thay đổi thói quen, phương thức tiếp cận, xử lý thông tin. Trong bối cảnh đó, triển khai Luật Thư viện và Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đã có bước chuyển đáng ghi nhận.
Công tác số hóa tài liệu được quan tâm triển khai thực hiện tại các thư viện; tiêu biểu: tại Thư viện Quốc gia Việt Nam trong 03 năm (2021-2023) đã số hóa được hơn 742.740 trang báo, 111.155 trang tài liệu vi dạng, 260.000 trang luận án; 105.549 trang sách; tiếp tục xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) bài trích báo, tạp chí, tài liệu luận án tiến sĩ…. Hệ thống thư viện công cộng đã triển khai số hóa xây dựng CSDL số đối với tài liệu địa chí, tài liệu cổ, quý hiếm, bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học; hệ thống thư viện đại học và các thư viện cơ sở giáo dục khác tập trung ưu tiên số hóa tài liệu tham khảo, học liệu, tài liệu nội sinh gắn với chương trình đào tạo.... Thư viện chuyên ngành tập trung số hóa tài liệu nội sinh, quý hiếm, tài liệu tham khảo, tài liệu có nhu cầu sử dụng cao; thư viện lực lượng vũ trang nhân dân triển khai số hóa tài liệu quý hiếm, tài liệu về quân sự, an ninh, các đề tài chiến tranh cách mạng...
Xây dựng thư viện điện tử, thư viện số và triển khai liên thông thư viện: 100% thư viện công cộng cấp tỉnh đã có thư viện điện tử, thư viện số; các thư viện đã kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu thư mục tài nguyên thông tin thư viện, kết nối cơ sở dữ liệu tài liệu địa chí của nhóm thư viện theo vùng miền (Đồng bằng Sông Cửu Long).
Kết nối và tích hợp dữ liệu thư mục dùng chung của khối thư viện đại học
Cùng với đó, một số hệ thống kết nối và tích hợp dữ liệu thư mục dùng chung của khối thư viện đại học đã được triển khai như: Trung tâm kết nối tri thức số kết nối 95 đại học trên tổng số 240 trường đại học thành viên. Hiện mô hình này đang sở hữu hơn 1.004.755 cơ sở dữ liệu tài nguyên thông tin số; Hệ thống thư viện số dùng chung của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh với 9 thành viên liên kết các thư viện của các đơn vị thành viên trong Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh với hơn 29.444 tạp chí điện tử và 20.000 sách điện tử từ các nhà xuất bản uy tín trong nước và quốc tế.
Mô hình thư viện số dùng chung Đại học Vùng của 3 đại học vùng gồm: Đại học Thái Nguyên (kết nối chia sẻ với 12 trung tâm thư viện của 13 trường đại học và cao đằng thuộc Đại học Thái Nguyên với 62.795 tài liệu số và 3 cơ sở dữ liệu được mua quyền truy cập phục vụ 105.936 người dùng; Mạng thư viện Đại học Đà Nẵng kết nối 11 trường đại học và các đơn vị thành viên cung cấp 94.747 cơ sở dữ liệu thư viện; Thư viện số đại học dùng chung Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có 43 trường đại học, cao đẳng với 54.742 tài liệu số.
Bên cạnh đó cũng xuất hiện một số mô hình thư viện số đại học dùng chung theo khối lĩnh vực đào tạo như: khối các trường Đại học Kinh tế do thư viện Phạm Văn Đồng của trường Đại học Kinh tế Quốc dân đóng vai trò là thư viện đầu mối; khối các trường Đại học Kỹ thuật do Trung tâm Truyền thông và Tri thức số của Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì; Khối các trường Đại học Luật liên kết 64 thư viện thuộc cơ sở đào tạo Luật… Cùng với đó chương trình hợp tác, chia sẻ, liên thông thư viện giữa các loại thư viện đã được triển khai; tiêu biểu: Hợp tác giữa Trung tâm Truyền thông và Tri thức số Đại học Bách khoa Hà Nội, Thư viện Công an nhân dân, Trung tâm số Đại học Thái Nguyên, Trường cao đẳng An ninh nhân dân I, Trường cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, Liên chi hội Thư viện Đại học khu vực phía Bắc; Hợp tác giữa Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Trường Cao đẳng Công Thương Tp. Hồ Chí Minh và Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương…
Hệ thống thư viện chuyên ngành cũng đang từng bước kết nối, chia sẻ thông tin, trong số đó phải kể đến: thư viện trung tâm của Viện Thông tin Khoa học Xã hội kết nối 32 thư viện thành viên thuộc ba miền đất nước; Liên hợp thư viện Việt Nam về tài nguyên thông tin khoa học và công nghệ…
Triển khai Thông tư số 16/2022/TT-BGDĐT, nhiều thư viện trường học đã triển khai xây dựng thư viện điện tử và chia sẻ cơ sở học liệu giữa các thư viện trường học cùng cấp có cùng nền tảng.
Đến nay đối với mạng lưới thư viện cơ sở bên cạnh sự kết nối của các thư viện công cộng cấp huyện, cấp xã trên địa bàn một số tỉnh (Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bình Định…), tính đến nay phần mềm VietBiblio của thư viện tỉnh Bình Định xây dựng đã cung cấp miễn phí và kết nối 5.513 thư viện, trong đó có 5.144 thư viện trường học các caáp, 12 thư viện trường trung cấp, cao đăng, 342 thư viện công cộng cấp huyện, cấp xã, 15 thư viện khác…
PV
*Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL thực hiện