Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và những góc khuất nghề tình báo qua cuốn sách 'Người Thầy'
'Ông Ba Quốc ăn tình báo, ngủ tình báo, sống tình báo, chết thì tình báo chôn. Tôi viết cuốn Người Thầy để nói về nghề nghiệp của ông, gia đình ông và cả những góc khuất trong nghề tình báo…', Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ với báo VietNamNet.
Có thể nói Người Thầy là một trong số những cuốn sách hiếm hoi về lĩnh vực tình báo có nội dung không đóng kín về chuyên môn, nghiệp vụ mà mở rộng sang nhiều mảng như đạo đức xã hội, tình vợ chồng, cha con, thầy trò… Ngoài tình cảm sâu nặng với người thầy Ba Quốc mà ông đề cập trong cuốn sách, còn những lý do nào khác khiến ông dành tâm huyết đúc kết được nhiều bài học sâu sắc về người, về nghề, về đời như vậy?
Thực ra khi viết cuốn sách Người Thầy, tôi không nghĩ sẽ đưa ra bài học hay những điều lớn lao. Đầu tiên, nó là sự tri ân với người thầy của mình, ông ấy đã giúp tôi trở thành một cán bộ ngành tình báo, nhưng quan trọng nhất là giúp tôi trở thành người.
Tôi mong muốn những gì ông để lại được nhiều người biết đến, và giúp cho mọi người. Tôi viết cuốn sách cũng còn bởi mong muốn của gia đình chú Ba Quốc. Ông đã sống trong lòng địch 24 năm. Đã có nhiều câu chuyện, bài báo, tài liệu viết về ông thời gian này. Nhưng khi ông trở về sống cùng gia đình thì ít người biết ông làm gì, sống ra sao.
Ông Ba Quốc làm nghề tình báo, ăn tình báo, ngủ tình báo, sống tình báo, chết thì tình báo chôn. Tôi thấy cần nói về nghề nghiệp của ông, để qua đó nhìn rõ hơn con người của ông Ba – một nhân cách dù là phụ nữ hay đàn ông ở bất luận chiến tuyến nào cũng phải nể phục. Đó là lý do tôi viết cuốn sách này, về gia đình ông Ba và cả những góc khuất trong nghề tình báo. Giới hạn của góc khuất này là những bí mật nghề nghiệp không thể tiết lộ, còn lại tôi viết không hề giấu giếm điều gì.
Ngay trong chương đầu tiên, Thượng tướng nhắc đến ông Hai Trung - “điệp viên hoàn hảo” Phạm Xuân Ẩn với câu nói rất ý nghĩa, rất thời sự vào thời điểm năm 2000. Ông Hai Trung nói: “Tình báo ta trước nay đóng kín, chỉ chuyên về quân sự. Nay bắt đầu mở, phải đẩy mạnh làm tình báo ngoại và bắt đầu làm tình báo chiến lược toàn diện”. Bộ Quốc phòng làm tình báo chiến lược toàn diện là một quyết sách cực kỳ quan trọng của đất nước. Ông có thể chia sẻ thêm thông tin xung quanh quyết sách này?
Đây là tư duy đổi mới trong bối cảnh đất nước, quân đội đổi mới, tình hình thay đổi nên tình báo cũng cần sự đổi mới. Ngành tình báo, hay ngành nào cũng cần phải toàn diện, quân sự cũng phải có chính trị, kinh tế, có tất cả lĩnh vực khác.
Câu chuyện này được trao đi đổi lại nhiều, kể cả có những quan điểm khác nhau. Nó chấm dứt vào khoảng năm 2005, khi Nghị định 162 được ban hành. Chúng ta có hai cơ quan tình báo chiến lược, của quân đội và công an, phối hợp với nhau cùng mục đích phục vụ đất nước và phục vụ ngành.
Thử thách sinh tử trong cuộc đời hoạt động tình báo
Về người thầy Ba Quốc, Thượng tướng viết: “Một điệp viên lại nằm đúng ở trong cơ quan tình báo địch để tham gia chỉ đạo tình báo địch đánh ngược nội bộ ta thì ở Việt Nam chỉ duy nhất có ông Ba Quốc, còn ở nước ngoài cũng vô cùng hiếm một tấm gương tình báo nào có vị trí lợi hại như vậy”. Trong cuốn sách ông đã giải thích sự lợi hại này nhưng gắn với tình báo chiến lược toàn diện, còn có câu chuyện nào liên quan?
Ông Ba Quốc đảm nhận việc nắm tình hình các tôn giáo, giáo phái ở Sài Gòn khi ấy, việc này dường như không liên quan tới tình báo chiến lược quân sự hay các kế hoạch đánh ra ngoài Bắc của địch. Nhưng thời điểm đó, tôn giáo là yếu tố đặc biệt quan trọng, chi phối tình hình bấy giờ.
Tôi đã đề cập trong cuốn sách rằng “có những tin rất hiếm hoi thì may đã có ông Ba Quốc”.
Ông Ba Quốc có những quyết định thậm chí nằm ngoài chức năng hoạt động của mình, có thể bị kỷ luật vì không kịp xin ý kiến tổ chức. Đó là vụ giải cứu 10 nhân vật quan trọng của Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định, đặc biệt là với ông Trình Văn Thanh (tức Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh), lúc đó là Bí thư Đặc khu ủy. Thứ hai là giúp Hoàng thân Sihanouk thoát khỏi kế hoạch ám sát…
Người hoạt động tình báo trong lòng địch phải hoàn thành nhiệm vụ trung tâm, như tìm ra hồ sơ nhóm điệp viên Sài Gòn cài cắm ngoài Bắc, các kế hoạch tác chiến/định hướng chiến lược của địch… Ngoài ra những gì có lợi cho cách mạng thì cố gắng thực hiện. Nhưng có những chuyện phải làm sai nguyên tắc, không xin phép tổ chức. Tôi đã hỏi ông Ba vì sao làm vậy? Ông trả lời: ‘Tôi vi phạm nguyên tắc là không xin phép, nếu tôi hy sinh sẽ khiến mạng lưới gặp khó khăn. Nhưng tôi tin là thành công tôi mới làm’. Đó là những thử thách sinh tử trong cuộc đời hoạt động tình báo của ông Ba.
Không chỉ một người, mà tất cả cán bộ làm tình báo đều theo mô thức ấy. Tức là, làm tốt nhiệm vụ trung tâm được giao. Thứ hai là những gì có lợi cho cách mạng, đặc biệt là hóa giải (vô hiệu hóa) những gì nguy hiểm cho cách mạng… đều phải làm cho dù có thể hy sinh. Đây là mệnh lệnh bất thành văn với người làm tình báo.
Ở đây là nói đến công tác chính sách của ngành tình báo, vừa nhân văn, vừa chính trị và cũng là nghiệp vụ.
Khi tôi học những bài học đầu tiên về tình báo, có bài giảng về công tác chính sách. Khi đó tôi nghĩ sẽ nghe về chính sách với một đảng viên, một cán bộ, một sĩ quan. Nhưng không phải, đầu tiên là cách ứng xử với gia đình một điệp viên, coi họ và lo cho họ như gia đình của mình.
Ý của ông Ba ‘Sống tình báo nuôi, chết tình báo chôn’ không chỉ đề cập về mặt chính sách, mà còn là nguyên tắc nghiệp vụ của nghề tình báo, để mọi người nhìn vào…
Nhân vật trung tâm trong cuốn sách Người Thầy là ông Ba Quốc, tức Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức.
Ông sinh tại Thanh Trì (Hà Nội), bí danh Ba Quốc, Nguyễn Văn Tá; nguyên Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Cục trưởng Cục 12, Tổng Cục II, Bộ Quốc phòng, phụ trách lực lượng tình báo phía Nam.
Với những chiến công xuất sắc, ông được mệnh danh là một trong những át chủ bài của lực lượng tình báo Việt Nam.
* Kỳ 2: Cuộc đời thứ ba và cái ‘Đạo’ trong nghề tình báo qua cuốn sách của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh