Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Vinh dự được tham gia vào công tác bảo quản thi hài Bác Hồ
Với Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng), Chủ tịch Hồ Chí Minh là một thần tượng, một tấm gương lớn về lòng yêu nước, đức hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc, về những giá trị nhân văn trong tư tưởng và tâm hồn của Người. Người rất xứng đáng là một Anh hùng dân tộc mà nhân dân ta cũng như bạn bè quốc tế tôn vinh.

Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng.
Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng đã chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân những ký ức của ông về Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã cống hiến trọn đời cho độc lập và tự do của Tổ quốc, với sự kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người cống hiến trọn đời cho độc lập và tự do của Tổ quốc
Trong câu chuyện của mình, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ, khi còn nhỏ, ông đã được nghe cha kể chuyện về quân xâm lược giày xéo đất nước, khiến người dân rơi vào cảnh nhà tan cửa nát, đói khát lầm than.
“Thấu hiểu được nỗi khổ của người dân mất nước, trong lòng tôi luôn nung nấu, nuôi dưỡng ý định sẽ tham gia chiến đấu để giành lại độc lập tự do cho đất nước theo đúng lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh ‘Không có gì quý hơn độc lập tự do’, ‘Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ’.
Năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bắt đầu bước vào giai đoạn ác liệt, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Người, tôi viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Chúng tôi chiến đấu dưới ngọn cờ Tổ quốc, một Tổ quốc Việt Nam mới do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Tham gia chiến đấu ở chiến trường miền nam nên tôi không có cơ hội được gặp trực tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chỉ biết Người qua phim ảnh và nghe giọng nói của Người trên sóng phát thanh. Khi tôi ra bắc thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu xúc động chia sẻ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và cán bộ cơ quan Văn phòng Chủ tịch phủ, Đài Tiếng nói Việt Nam tại buổi ghi âm đọc thư chúc Tết Xuân Kỷ Dậu 1969. (Ảnh tư liệu)
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho biết, hằng năm vào dịp sinh nhật Bác, ông và các đồng đội luôn nhớ về Bác với một niềm cảm xúc trào dâng. Ông kể, trong thời gian tham gia chiến đấu, cho dù đóng quân ngoài vùng giải phóng hay trong vùng có địch chiếm đóng, ông và các đồng đội vẫn luôn háo hức, mong đợi đến thời khắc giao thừa để được nghe lời chúc Tết, nghe thơ của Người. Những lần như thế, lòng yêu nước và niềm tin sắt đá vào Đảng, vào cách mạng của ông và đồng đội lại nhân lên bội phần.
Nhắc lại những thắng lợi của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã đẩy quân địch vào thế bị động, thất thủ và quân giải phóng đã chiếm được những căn cứ kiên cố nhất, vững chắc nhất tại các thành phố lớn, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ, tin thắng trận đã đem lại niềm vui lớn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và trong Thư chúc mừng năm mới Mậu Thân năm 1968, Người chúc đồng bào cả nước: “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua/Thắng trận tin vui khắp nước nhà/Nam bắc thi đua đánh giặc Mỹ/Tiến lên/Toàn thắng ắt về ta!”.
Cũng với cảm hứng thơ ca mừng thắng lợi của cả hai chiến trường nam-bắc, Người viết bài thơ “Mừng xuân 1969”. Đây là bài thơ cuối của Người và sau đó nhạc sĩ Huy Thục đã nhanh chóng phổ nhạc. Bài thơ “Mừng xuân 1969” chứa chan nhiệt huyết cách mạng và dự đoán tương lai tốt đẹp của dân tộc trong thời kỳ tới. Bài thơ như một lời hiệu triệu thúc giục quân và dân Việt Nam vững tin bước vào những trận đánh mới, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào…
Bày tỏ sự tiếc thương vô hạn khi nghe tin Bác Hồ mất, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu xúc động nhớ lại: “Thoạt tiên, nghe Đài Phát thanh Giải phóng báo tin về sức khỏe không được tốt của Bác, cả đại đội tôi, mọi người thức suốt đêm, chỉ mong sao Bác khỏe lại để cùng với Trung ương lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến. Thậm chí, chúng tôi mong giá như có một phép màu nhiệm, mình phải làm một việc gì đó đầy vất vả hy sinh để Bác được khỏe mạnh trở lại, chúng tôi cũng sẵn sàng. Nhưng rồi cuối cùng, chúng tôi đã phải lắng nghe tin buồn thông báo Bác đã ra đi…”
Vinh dự được tham gia vào công tác bảo quản thi hài Bác Hồ - di sản vô giá của dân tộc
Noi gương lòng yêu nước, đức hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 60 năm binh nghiệp của mình, từng tham gia chiến đấu tại các chiến dịch lớn và sau này khi đất nước hòa bình, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu luôn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao phó.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu là một trong những người vinh dự được tham gia vào công tác bảo quản thi hài Bác Hồ - di sản vô giá của dân tộc (Ảnh tư liệu)
Trong quá trình công tác, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu được giao nhiều nhiệm vụ song có lẽ với ông, việc được tham gia vào công tác bảo quản thi hài Bác Hồ - di sản vô giá của dân tộc là một trong những nhiệm vụ ông cảm thấy vinh dự và tự hào, khó quên.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho biết, vào đầu năm 1996, khi đó, ông đang giữ chức vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam thì được phân công vào Ban chỉ đạo Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng Bộ trưởng Y tế lúc đó là ông Đỗ Nguyên Phương và các nhà khoa học Liên bang Nga thực hiện công tác bảo quản thi hài Bác Hồ. Đây là công việc không chỉ cần sự cẩn trọng tuyệt đối mà còn cần sự cẩn mật cao.
“Tôi và các nhà khoa học quân sự Việt Nam đã được các nhà khoa học Nga chuyển giao những kinh nghiệm quý báu và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong việc ướp thi hài. Nhờ sự huấn luyện theo phương pháp ‘cầm tay chỉ việc’ nên chúng tôi có thể bảo quản thi hài Bác Hồ trong trạng thái tốt nhất, thậm chí cả nghìn năm”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ.
Cũng trong thời gian này, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu còn được phân công tham gia Ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xử lý việc thay cỏ sân Ba Đình - một phần công trình quan trọng của Bộ Quốc phòng trong việc bảo đảm hệ sinh thái Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Loại cỏ tốt nhất từ Nhật Bản đã được đưa về không chỉ tạo nên một không gian xanh mát mà còn thể hiện sự tôn kính dành cho Người.
Bên cạnh đó, ông cũng là người chịu trách nhiệm trong việc xây dựng, cải tạo và bảo tồn khu K9 Đá Chông - nơi Bác Hồ từng sơ tán, biến nơi này thành khu du lịch mang đầy ý nghĩa lịch sử. Trong dự án này, ông đã cùng ông Bảy Dũng đưa hai cây bồ đề từ Ấn Độ về Việt Nam. Hai cây này hiện nay phát triển rất tốt, tỏa bóng mát trong khuôn viên.
Mặc dù sắp bước sang tuổi 80, song với sự kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam - người đã cống hiến trọn đời cho độc lập và tự do của Tổ quốc, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, vẫn tiếp tục rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không chỉ bằng sách vở mà còn bằng những việc làm cụ thể như thực hiện trách nhiệm nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, tác phong, lối sống và các hoạt động trong lĩnh vực khoa học, môi trường, đền ơn đáp nghĩa…