Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên

Tiếp tục Chương trình công tác tại tỉnh Điện Biên, sáng nay (12/9), đồng chí Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng đoàn công tác Quốc hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 8 tháng đầu năm 2024; tình hình thiên tai, công tác khắc phục hậu quả hoàn lưu cơn bão số 2 và cơn bão số 3. Làm việc với đoàn công tác có các đồng chí: Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội kết luận buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội kết luận buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh báo cáo khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh tại địa phương. Theo đó, tăng trưởng kinh tế tiếp dục duy trì mức khá (GRDP 6 tháng đầu năm 8,75% xếp thứ 3/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 10/63 tỉnh thành); giải ngân vốn đầu tư công đến hết 31/8/2024 đạt 34,05% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xúc tiến đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, các chính sách giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân; công tác y tế, giáo dục được chú trọng. Chủ quyền biên giới quốc gia được bảo vệ vững chắc; an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được đảm bảo. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế tiếp tục được duy trì, phát huy và mở rộng.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Điện Biên chịu ảnh hưởng của nhiều đợt thiên tai gây thiệt hại lớn về người, tài sản của nhà nước và Nhân dân, cụ thể: 12 người chết, 11 người bị thương; 1.591 nhà ở bị thiệt hại; 2.313,199ha sản xuất nông, lâm nghiệp bị thiệt hại; 2.481 con gia súc, gia cầm bị chết; 58,691ha ao cá bị lũ cuốn trôi. Hầu hết các tuyến quốc lộ trên địa bàn bị sạt lở, hư hỏng; 99 tuyến đường huyện, xã bị thiệt hại. Toàn tỉnh có 87 công trình, dự án hạ tầng bị thiệt hại do mưa lũ. Tổng thiệt hại ước tính 501 tỷ đồng.

Tỉnh Điện Biên đề nghị trung ương xem xét bố trí ngân sách dự phòng hỗ trợ cho tỉnh với tổng kinh phí khoảng 700 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai. Quốc hội, Chính phủ tập trung ưu tiên bố trí đủ nguồn lực từ nguồn vốn NSTW thực hiện hỗ trợ tỉnh Điện Biên trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 để hoàn thành các dự án giao thông kết nối, liên vùng như dự án Cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây trang, đảm bảo hoàn thành đến năm 2030. Xem xét, ưu tiên sớm ban hành những chính sách ưu đãi phù hợp nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư vào các ngành có tiềm năng, lợi thế như: Năng lượng tái tạo (điện gió, điện sinh khối, thủy điện); phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp (trồng rừng, cây ăn quả, cây mắc ca); phát triển du lịch, dịch vụ; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu cửa khẩu, cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động logistics.

Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh tỉnh Điện Biên trong 8 tháng đầu năm 2024.

Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh tỉnh Điện Biên trong 8 tháng đầu năm 2024.

Kết luận buổi làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, biểu dương những kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong 8 tháng đầu năm của tỉnh Điện Biên. Đồng thời đánh giá cao tính chủ động, tích cực và hiệu quả trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả hoàn lưu cơn bão số 2, số 3. Những tháng cuối năm, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Điện Biên tập trung rà soát lại tất cả các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại để có giải pháp, phương án thực hiện hiệu quả; phải thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết theo hướng thực chất, không chạy theo thành tích. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công và các chương trình MTQG; tháo gỡ vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng; giao đất giao rừng, các dự án ngoài ngân sách; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn về Đề án 06. Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo tốt hệ thống chính trị, chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội Đảng các cấp.

Đối với công tác phòng chống thiên tai, đề nghị tỉnh Điện Biên luôn thường trực cảnh giác, chủ động, không chủ quan, lơ là với công tác phòng chống, ứng phó thiên tai, nhất là tại các vị trí xung yếu và các hồ đập thủy lợi. Tiếp tục khắc phục hậu quả thiên tai, cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân vùng thiên tai. Sớm đầu tư mặt bằng tái định cư cho người dân ở các điểm, vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở đất trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác dự báo, chủ động rà soát, đánh giá kỹ, từ đó có phương án xử lý linh hoạt, ứng phó kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”. Đối với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, đoàn công tác ghi nhận, tổng hợp và kiến nghị với Quốc hội xem xét tổng thể, quan tâm hỗ trợ tỉnh Điện Biên.

Ngân hàng Quân đội (MBBank) hỗ trợ tỉnh Điện Biên 500 triệu đồng để thực hiện công tác khắc phục thiệt hại thiên tai năm 2024.

Ngân hàng Quân đội (MBBank) hỗ trợ tỉnh Điện Biên 500 triệu đồng để thực hiện công tác khắc phục thiệt hại thiên tai năm 2024.

Nhân dịp này, Ngân hàng Quân đội (MBBank) hỗ trợ tỉnh Điện Biên 500 triệu đồng để thực hiện công tác khắc phục thiệt hại thiên tai năm 2024.

Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và đoàn công tác đã đến dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ và Nghĩa trang liệt sĩ A1.

Tin, ảnh: Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/218037/thuong-tuong-tran-quang-phuong-pho-chu-tich-quoc-hoi-lam-viec-voi-lanh-dao-tinh-dien-bien