Thượng viện Mỹ thông qua dự luật hạn chế tội ác nhằm vào người gốc Á

Tuần hành phản đối tình trạng bạo lực và gia tăng thù hận chống người gốc Á tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Thượng viện Mỹ ngày 22/4 đã thông qua dự luật nhằm hạn chế các tội ác nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á, vốn gia tăng gần đây trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát tại quốc gia này.

Với tỉ lệ ủng hộ áp đảo, 94 phiếu thuận và 1 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự thảo Đạo luật về Tội ác thù hận COVID-19. Theo kế hoạch, Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu đối với dự luật này vào tháng tới.

Nếu được ban hành thành luật, đạo luật này sẽ cho phép chính phủ liên bang khẩn trương điều tra về tội ác phân biệt đối xử liên quan đại dịch COVID-19 đang ngày càng tăng nhằm vào người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 19/3 đã hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật sau khi xảy ra các vụ xả súng ở TP Atlanta, bang Georgia, khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á.

Tuyên bố của Tổng thống Biden nêu rõ: “Tôi kêu gọi Quốc hội nhanh chóng thông qua dự thảo Đạo luật về tội ác thù hận đại dịch COVID-19. Đạo luật này sẽ giúp thúc đẩy phản ứng của chính phủ liên bang trước việc các tội phạm thù hận ngày càng gia tăng trầm trọng trong đại dịch COVID-19, hỗ trợ chính quyền tiểu bang và địa phương cải thiện việc báo cáo tội ác thù hận và đảm bảo rằng thông tin về các tội ác như vậy dễ tiếp cận hơn đối với các cộng đồng người Mỹ gốc Á”.

Tổng thống Biden cũng nhắc lại việc ngay trong tuần đầu tiên tại nhiệm, ông đã ký một bản ghi nhớ lên án và chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bài ngoại và không khoan dung chống lại người Mỹ gốc Á cũng như người dân các đảo Thái Bình Dương ở Mỹ.

Theo NBC News, các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào các cá nhân người Mỹ gốc Á đã tăng gần 150% năm ngoái ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở Los Angeles và New York, những nơi có đông người gốc Á sinh sống.

Theo báo cáo do Stop Asian American Pacific Islander (AAPI), tổ chức chuyên tổng hợp các vụ việc chống lại người Mỹ gốc Á, công bố ngày 16/3, chưa đầy một năm kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, trung tâm này đã tiếp nhận báo cáo về 3.795 vụ kỳ thị đối với người châu Á và người dân các đảo ở Thái Bình Dương trên toàn nước Mỹ.

Các hình thức kỳ thị bao gồm lăng nhục, né tránh, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến, vi phạm quyền công dân.

Trong khi đó, ngày 21/4, với 218 phiếu thuận và 208 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật mang tên "Đạo luật chống phân biệt đối xử dựa trên nguồn gốc quốc gia đối với người không định cư" (NO BAN). Chỉ 1 hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa ủng hộ dự luật trên.

Dự luật NO BAN được bà Judy Chu, hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ, đồng thời là Chủ tịch nhóm nghị sĩ Quốc hội về người Mỹ gốc châu Á - Thái Bình Dương thúc đẩy, nhằm hạn chế quyền hạn của tổng thống trong việc ban hành lệnh cấm đi lại trong tương lai, tương tự luật Cấm Hồi giáo được cựu Tổng thống Donald Trump ban hành khi còn tại nhiệm.

Dự luật cấm phân biệt đối xử về tôn giáo trong các quyết định liên quan đến nhập cư, như việc cấp thị thực nhập cư hay không định cư. Cơ quan hành pháp chỉ có thể ban hành các hạn chế nhập cư nếu có "lợi ích bắt buộc của chính phủ".

Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh Nội địa sẽ phải tham vấn quốc hội và cung cấp bằng chứng cụ thể chứng minh việc hạn chế nhập cư và thời hạn đề xuất trước khi áp đặt bất kỳ biện pháp nào.

Trong một tuyên bố, Hạ nghị sĩ Dân chủ bang California Judy Chu nêu rõ mục đích của dự luật nhằm đảm bảo không có tổng thống nào có thể cấm mọi người đến Mỹ chỉ vì tôn giáo.

Tuy nhiên, các thành viên đảng Cộng hòa cảnh báo dự luật này sẽ làm suy yếu quyền hành pháp, đồng thời kêu gọi hành động để giải quyết tình trạng người di cư ồ ạt tới biên giới Mỹ - Mexico như hiện nay. Hiện dự luật đã được chuyển lên Thượng viện để thảo luận và tiến hành bỏ phiếu.

Cũng trong ngày 21/4, với tỉ lệ 217 phiếu thuận và 207 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật khác nhằm đảm bảo công dân và những người có tư cách pháp nhân đang bị giam giữ tại các khu vực nhập cảnh của Mỹ có thể tham khảo ý kiến luật sư để hiểu rõ quyền lợi.

Trong tuần đầu tiên nhậm chức vào năm 2017, cựu Tổng thống Trump đã ký một lệnh hành pháp, hạn chế cấp thị thực cho một số quốc gia đông người Hồi giáo sinh sống.

Lệnh cấm đi lại này đã được sửa đổi nhiều lần và cuối cùng chỉ còn áp dụng với 5 quốc gia Hồi giáo gồm Iran, Syria, Yemen, Libya và Somalia, cùng Triều Tiên và Venezuela.

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hủy bỏ lệnh cấm này ngay trong ngày đầu tiên nắm quyền nhằm thực thi một trong những cam kết tranh cử của mình.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/254818/thuong-vien-my-thong-qua-du-luat-han-che-toi-ac-nham-vao-nguoi-goc-a.html