Thượng viện Mỹ trước bước ngoặt quyết định

Thượng viện Mỹ đang đứng trước thời điểm bước ngoặt mang tính quyết định, khi bang Georgia đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc bầu cử Thượng viện bổ sung dự kiến diễn ra vào ngày 5/1 tới.

Trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng gần như đã ngã ngũ, thì kết quả cuộc bầu cử tại bang này sẽ quyết định đảng chính trị nào kiểm soát Thượng viện Mỹ trong nhiệm kỳ mới.

Theo Dự án Bầu cử Mỹ thuộc Đại học Florida, hiện 3.001.017 cử tri đã bỏ phiếu sớm, chiếm khoảng 38,8% tổng số cử tri đăng ký đi bầu trên toàn bang Georgia và cao hơn nhiều so với tổng số 2,1 triệu phiếu bầu sớm ghi nhận trong cuộc đua vào Thượng viện năm 2008.

Trong cuộc đua năm nay, người dân Georgia nói riêng và người dân Mỹ nói chung sẽ chứng kiến màn so găng giữa hai Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa David Perdue và Kelly Loeffler với hai đối thủ của đảng Dân chủ Jon Ossoff và Raphael Warnock. Nếu Thượng nghị sĩ của đảng nào chiến thắng, đảng đó sẽ nắm quyền kiểm soát Thượng viện liên bang.

Trong trường hợp chiến thắng chia đều cho cả hai bên, tương quan lực lượng trong Thượng viên cũng được chia đều và quyền quyết định khi đó sẽ thuộc về Phó Tổng thống của Chính phủ sắp tới, với tư cách là Chủ tịch Thượng viện.

Kịch bản này nếu xảy ra sẽ mang tới thêm lợi thế cho bộ đôi Joe Biden và “phó tướng” Kalama Harris trước lễ tuyên thệ nhậm chức của họ dự kiến diễn ra vào ngày 20/1 tới.

Do phe Dân chủ đang nắm quyền kiểm soát Hạ viện, nên cuộc đua tại Thượng viện có ý nghĩa rất quan trọng đối với đảng Cộng hòa bởi nếu tiếp tục chiếm thế đa số tại Thượng viện, họ sẽ chặn được phần lớn chương trình nghị sự của Tổng thống đắc cử thuộc đảng Dân chủ Joe Biden.

Thượng viện Mỹ đang đứng trước thời điểm bước ngoặt mang tính quyết định.

Thượng viện Mỹ đang đứng trước thời điểm bước ngoặt mang tính quyết định.

Do tính chất quan trọng của cuộc bầu cử này, cả ông Joe Biden và Tổng thống đương nhiệm Donald Trump sẽ tiến hành các cuộc vận động tại bang Georgia vào ngày 4/1, trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện bổ sung tại bang miền Nam này. Về phía các ứng cử viên, các cặp đôi của cả hai đảng cũng liên tục chạy sô trước ngày diễn ra cuộc bầu cử.

Tại cuộc gặp gỡ cử tri ở hạt DeKalb, ứng cử viên đảng Cộng hòa David Perdue kêu gọi: “Cử tri Georgia có quá nhiều quyền lực phải không, và sau 4 năm hận thù, phân biệt chủng tộc, chia rẽ và cố chấp, Georgia sẽ đưa ra tuyên bố về tình yêu và sự đàng hoàng, lòng trắc ẩn và sự đoàn kết, bởi vì đó là những gì mà Georgia đại diện. Đây là một phong trào vì sức khỏe, việc làm và công lý cho người dân, cho tất cả mọi người”.

Trong khi đó, xuất hiện tại Atlanta, ứng viên đảng Dân chủ Jon Ossoff kêu gọi người dân bỏ phiếu cho mình: “Chúng tôi ở đây để kêu gọi mọi người, đặc biệt là những người trẻ tuổi bỏ phiếu cho chúng tôi. Những người trẻ tuổi tại Georgia có quyền làm nên lịch sử”.

Cuộc đua giành ghế tại Thượng viện ở Georgia là chủ đề thu hút sự chú ý của dư luận Mỹ một phần xuất phát từ việc Tổng thống đương nhiệm Donald Trump từ chối thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 trước ông Joe Biden. Những nỗ lực pháp lý liên tục của ông Donald Trump ở Georgia cũng như các bang khác đã khiến một số người ủng hộ kêu gọi đảng Cộng hòa tẩy chay cuộc bầu cử lại vào Thượng viện của bang này sắp tới để phản đối.

Kết quả, 11 Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã tuyên bố sẽ bỏ phiếu bác kết quả bầu đại cử tri ở một số bang vì không được xác nhận một cách hợp pháp nếu quốc hội không chỉ định một ủy ban nhằm tiến hành rà soát khẩn cấp kết quả bầu cử trong vòng 10 ngày.

Tuyên bố của các thượng nghị sĩ này cho rằng ủy ban này là cần thiết vì cuộc bầu cử 2020 đầy rẫy các cáo buộc chưa từng có về gian lận, vi phạm luật bầu cử và các bất thường trong bầu cử.

Mặc dù không đưa ra chứng cứ, tuyên bố của các Thượng nghị sĩ này cho rằng, các cáo buộc gian lận đã làm giảm sự tin cậy về hệ thống bầu cử Mỹ và quốc hội Mỹ từng có tiền lệ trong việc giải quyết các cáo buộc tương tự.

Các thượng nghị sĩ Cộng hòa nhấn mạnh trong tuyên bố của mình rằng hành động của họ có thể không thay đổi kết quả cuộc bầu cử và họ không tìm cách làm hỏng tiến trình dân chủ mà tìm cách khôi phục lòng tin của người dân đối với tiến trình này.

Mặc dù nỗ lực này khó có thể thành công do Hạ viện vẫn đang nằm dưới sự kiểm soát của đảng Dân chủ, tuy nhiên, động thái này có thể làm chậm lại quá trình công nhận chiến thắng của ông Joe Biden và được coi là cơ hội để các đồng minh của Tổng thống Donald Trump thể hiện sự trung thành với ông.

Động thái này cũng cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng hòa trong việc có chấp nhận kết quả cuộc bầu cử Tổng thống 2020 là hợp lệ hay không.

Lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mitch McConnell và một số lãnh đạo đảng Cộng hòa khác tại Thượng viện đã chúc mừng chiến thắng của ông Joe Biden và kêu gọi các thành viên của đảng mình không tham gia các nỗ lực phản đối kết quả bầu cử.

Trong khi đó, người phát ngôn nhóm chuyển giao quyền lực của ông Joe Biden, ông Michael Gwin hôm 2/1 đã bác bỏ hoàn toàn kế hoạch thách thức kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ của nhóm nghị sỹ của đảng Cộng hòa trong phiên họp Quốc hội sắp tới.

Cùng ngày, lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Chuck Schumer đã ra tuyên bố về động thái mới nhất của Thượng nghị sỹ Ted Cruz cùng các nghị sỹ khác về việc thách thức kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ.

Trong tuyên bố trên Twitter, ông Chuck Schumer khẳng định: “Ông Joe Biden và bà Kamala Harris sẽ trở thành Tổng thống và Phó Tổng thống của Mỹ trong 18 ngày tới”.

Trước đó, cùng ngày, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã bày tỏ sự ủng hộ sau khi Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Ted Cruz cho biết ông cùng một nhóm gồm 10 thượng nghị sỹ khác của đảng này sẽ phản đối kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tại cuộc họp của Quốc hội vào ngày 6/1 tới.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/quoc-te/thuong-vien-my-truoc-buoc-ngoat-quyet-dinh-626132/