Thương vụ hời của 'shark' Liên tại Nhà máy nước mặt Sông Đuống

Năm 2018, Tập đoàn Aqua One từng đem hơn 11,97 triệu cổ phần Nhà máy nước mặt Sông Đuống thế chấp tại Ngân hàng TNHH Indovina - Chi nhánh Thiên Long. Khi ấy, nhà băng này định giá lô cổ phần ở mức 118,325 tỷ đồng, tương ứng 9.878,9 đồng/cp - tức là chưa bằng mệnh giá. Còn vừa rồi, một nhà đầu tư Thái Lan tuyên bố đã trả tới hơn 2.000 tỷ đồng (61.000 đồng/cp) để sở hữu 34% vốn điều lệ của nhà máy nước này...

Tập đoàn Aqua One của "Shark" Liên được biết tới là chủ đầu tư của NMN Sông Đuống

Cuối tháng 10 vừa qua, WHA Utilities & Power (WHAUP), thành viên của Tập đoàn WHA (Thái Lan), đã bất ngờ công bố thông tin về việc hoàn tất thâu tóm 34% cổ phần tại CTCP Nước mặt Sông Đuống (NMN Sông Đuống) - chủ đầu tư dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống có công suất 300.000 m3/ngày đêm (giai đoạn 1) cung cấp nước sạch cho hàng nghìn hộ dân Hà Nội.

Thông qua công ty con là WHAUP (SG) 2DR Pte. Ltd (WUPSD), WHAUP đã chi ra khoảng 2.073,19 tỷ đồng để gom mua 33.986.774 cổ phần của NMN Sông Đuống từ ông Đỗ Tất Thắng. Tính ra, tập đoàn đến từ Thái Lan đã phải trả 61.000 đồng cho mỗi cổ phần của NMN Sông Đuống.

Trước đó, ngày 8/8/2019, Hội đồng quản trị WHAUP đã thông báo về việc phê duyệt chủ trương gom mua 34% cổ phần tại NMN Sông Đuống.

Ngoài số tiền đầu tư, thương vụ có lẽ đã ít được dư luận chú ý hơn nếu như không xảy ra sự cố “khủng hoảng nước sạch sông Đà”, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn chỉ vài ngày trước đó.

Trong khi những nỗi băn khoăn về việc tư nhân hóa dịch vụ công trong ngành nước - một loại hàng hóa thiết yếu và cũng dễ xảy ra tình trạng độc quyền tự nhiên - vẫn chưa có lời giải thỏa đáng, hoạt động này tiếp tục làm nảy sinh thêm những câu hỏi khác.

Đặc biệt là về sự tham gia của dòng vốn ngoại tại lĩnh vực cung ứng nước sạch. Đáng chú ý, đó lại là thương vụ diễn ra ở một trong ba nhà máy nước mặt lớn nhất cung cấp nước sạch cho Hà Nội.

Một điểm đáng chú ý khác là những công bố về cơ cấu cổ đông có phần khác biệt giữa WHAUP và CTCP Nước Aqua One (Aqua One) tại NMN Sông Đuống.

Cụ thể, WHAUP cho biết tỷ lệ sở hữu trực tiếp của Aqua One tại NMN Sông Đuống chỉ ở mức 41%. Còn công ty thành viên Tập đoàn Aqua One của nữ doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên (hay còn gọi là “Shark” Liên) lại cho hay đang sở hữu tới 51% cổ phần tại nhà máy nước này.

Vậy tại sao lại có sự khác biệt này?

Sự khác biệt trong cơ cấu cổ đông NMN Sông Đuống theo công bố của WHAUP (bên trái) và CTCP Nước Aqua One (bên phải)

Dòng tiền ủy thác đầu tư

Quay trở lại những ngày đầu thành lập công ty NMN Sông Đuống, trên trang chủ (aquaone.vn), Aqua One cho biết công ty này chính là cổ đông sáng lập của NMN Sông Đuống với tỷ lệ sở hữu tới 58%.

Ba cổ đông sáng lập khác của NMN Sông Đuống là: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (viết tắt: Hawaco, tỷ lệ sở hữu 10%); Công ty TNHH MTV Ứng dụng công nghệ mới và du lịch (viết tắt: Newtatco, tỷ lệ sở hữu 5%) và CTCP Đầu tư Việt Nam - Oman (viết tắt: VOI, tỷ lệ sở hữu 27%).

Trong đó, cả Aqua One và VOI đều cho biết là “nhà đầu tư ủy thác góp vốn”. Quả thực, dữ liệu của VietTimes cho thấy, 2 nhà đầu tư này không trực tiếp đứng tên trên giấy đăng ký thành lập mới của NMN Sông Đuống tại ngày 8/6/2016.

Cụ thể, NMN Sông Đuống có quy mô vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 999,611 tỷ đồng (tương đương hơn 4,78 triệu USD). Mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng/cổ phần.

Trong đó, ngoài 2 cổ đông sáng lập là Hawaco và Newtatco (có tỷ lệ sở hữu lần lượt là 10% và 5% vốn điều lệ), còn 2 nhà đầu tư khác chiếm tỷ lệ chi phối là VIAC (No.1) Limited Partnership (viết tắt: VIAC, tỷ lệ sở hữu 27%) và Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank Capital, tỷ lệ sở hữu 58%).

Một kịch bản khả dĩ là Aqua One đã ủy thác cho VietinBank Capital đầu tư vào NMN Sông Đuống.

Kịch bản này phần nào có cơ sở khi ông Võ Song Bình (sinh năm 1974), cổ đông sáng lập và từng là người đại diện pháp luật của Aqua One, cũng đồng thời là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của NMN Sông Đuống những ngày đầu thành lập.

Mặt khác, VietinBank Capital cũng bắt đầu ghi nhận số dư nhận ủy thác để đầu tư góp vốn từ nhà đầu tư trong nước từ năm 2016 và đạt đỉnh vào cuối năm 2017 với số tiền lên tới 365 tỷ đồng. Tới cuối năm 2018, khi VietinBank Capital không còn đứng tên tại NMN Sông Đuống, thật trùng hợp, số dư ủy thác này cũng không còn được ghi nhận.

Số dư khoản ủy thác đầu tư góp vốn của VietinBank Capital tại ngày 30/6/2017

Nhà đầu tư VIAC là một quỹ đầu tư hoạt động từ năm 2010, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại Singapore và có nhiều liên hệ với quỹ đầu tư của Chính phủ Vương quốc Ô-man (State General Reserve Fund - viết tắt: SGRF) - hoạt động tương tự như quỹ GIC của Chính phủ Singapore. Tại Việt Nam, VIAC hiện đang là cổ đông lớn của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh (Mã CK: CII).

Trong khi đó, dữ liệu của VietTimes cho thấy, nhiều thành viên trong Hội đồng quản trị của VOI cũng đăng ký địa chỉ nơi ở tại PO Box 188 PC 100, Muscat, Oman - địa chỉ trụ sở chính của SGRF. Ông Nguyễn Hồng Sơn (sinh năm 1973) - Tổng Giám đốc của VOI - cũng là người đại diện cho VIAC tại nhiều khoản đầu tư ở Việt Nam, bao gồm cả thương vụ “ủy thác đầu tư” tại NMN Sông Đuống hay CII.

Chưa dừng lại ở đó, sự tham gia của VIAC, hay VOI, tại NMN Sông Đuống có thể xuất phát từ một nguyên nhân khác.

Ngày 23/10/2015, VIAC đã ký kết hợp đồng với Aqua One nhận bảo đảm 16,64 triệu cổ phần, tương đương với 32% vốn điều lệ, của CTCP Nước Aqua One Hậu Giang (Aqua One HG). Mối liên hệ giữa VIAC và Aqua One vẫn khá bền chặt khi 2 bên vừa thực hiện sửa đổi hợp đồng thế chấp vào ngày 28/6/2019 vừa qua.

Như vậy, có thể thấy Aqua One dù không trực tiếp đứng tên nhưng vẫn tham gia tích cực tại dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống ngay từ những ngày đầu.

Sơ đồ các khoản đầu tư ủy thác của CTCP Nước Aqua One

Chốt lời

Chưa rõ việc các quỹ đầu tư, 1 thuộc nhà băng lớn trong nước và 1 có yếu tố nước ngoài, tham gia nắm cổ phần chi phối ngay từ đầu có khiến việc thúc đẩy phát triển dự án nhà máy nước Sông Đuống hay việc phê duyệt giá nước cho nhà máy này được thuận lợi hơn hay không (!?).

Chỉ biết rằng, theo truyền thông trong nước, tới ngày 31/12/2018, VIAC và VietinBank Capital đã không còn xuất hiện trong cơ cấu cổ đông của NMN Sông Đuống, thay vào đó là các pháp nhân: Aqua One (sở hữu hơn 44,96 triệu cổ phần, tương đương 45% vốn điều lệ); CTCP Đầu tư và Xây dựng Toàn Mỹ 14 (30 triệu cp, tương đương 30% vốn điều lệ) và CTCP Quản lý Quỹ Sài Gòn (viết tắt: Saigon Capital, sở hữu 10 triệu cp, tương đương 10% vốn điều lệ).

Cơ cấu cổ đông của NMN Sông Đuống tính đến ngày 31/12/2018 được truyền thông trong nước đăng tải

CTCP Đầu tư và Xây dựng Toàn Mỹ 14, như VietTimes đã từng đề cập, là một doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Aqua One của “Shark” Liên.

Trong khi đó, khoản đầu tư của Saigon Capital tại NMN Sông Đuống cũng xuất phát từ việc ủy thác của nhà đầu tư trong nước. Tính đến cuối Quý 2/2019, Saigon Capital ghi nhận giá gốc của khoản đầu tư ủy thác là 350 tỷ đồng, tương đương với 35.000 đồng cho mỗi cổ phần NMN Sông Đuống.

Quay trở lại với những diễn biến mới trong cơ cấu cổ đông của NMN Sông Đuống, WHAUP đã chi ra khoảng 2.073,19 tỷ đồng để gom mua 33.986.774 cổ phần của NMN Sông Đuống từ ông Đỗ Tất Thắng.

Với những thông tin đã công bố, nhà đầu tư Thái Lan đã phải chi ra 61.000 đồng cho mỗi cổ phần của NMN Sông Đuống. Còn ông Đỗ Tất Thắng nhiều khả năng chỉ làm trung gian trong thương vụ này.

Cần lưu ý rằng, định giá cổ phần NMN Sông Đuống trước thương vụ với nhà đầu tư Thái Lan thấp hơn nhiều. Và cũng phải tới tận cuối năm 2018, theo dữ liệu của VietTimes, các nhà đầu tư mới góp đủ số vốn đã đăng ký.

Theo công bố thông tin của WHAUP, Saigon Capital vẫn đang nắm giữ 10% cổ phần tại NMN Sông Đuống sau khi nhà đầu tư này thực hiện xong thương vụ. Còn trên trang chủ (aquaone.vn), Aqua One cho biết đang sở hữu tới 51% vốn điều lệ.

Như vậy, nhiều khả năng Aqua One đã ủy thác đầu tư cho Saigon Capital. Nguồn tiền của khoản ủy thác đầu tư này cũng là điều đáng bàn.

Bởi trong năm 2018, Aqua One đã thế chấp hơn 20 triệu cổ phần NMN Sông Đuống đang sở hữu tại chính Saigon Capital.

Bên cạnh đó, Aqua One cũng thế chấp hơn 11,97 triệu cổ phần NMN Sông Đuống tại Ngân hàng TNHH Indovina - Chi nhánh Thiên Long. Khi ấy, nhà băng này định giá lô cổ phần ở mức 118,325 tỷ đồng, tương ứng 9.878,9 đồng/cổ phần (thậm chí chưa bằng mệnh giá).

Khoản ủy thác đầu tư của Saigon Capital vào NMN Sông Đuống, tương đương 35.000 đồng/cp, tại ngày 30/6/2019

Bỏ ra số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng để thâu tóm cổ phần tại NMN Sông Đuống, nhà đầu tư Thái Lan hẳn phải đánh giá rất cao tiềm năng và lợi ích của nhà máy sẽ mang lại.

Theo đánh giá của một công ty phân tích, tổng nhu cầu nước sạch của người dân Hà Nội sẽ lên tới khoảng 1,5 triệu m3/ngày, trong khi năng lực cung cấp hiện mới chỉ ở mức 1 triệu m3/ngày. Ước tính đến năm 2030, do quá trình đô thị hóa và dân số tăng nhanh, nhu cầu nước sạch sẽ tăng gần gấp 2 lần, lên mức 2,7 triệu m3/ngày.

Lợi ích của thương vụ, xét cho cùng, chính là thị trường béo bở với giá bán “không thể lỗ” (nhà nước luôn cam kết bù lỗ) của dự án quốc kế dân sinh này. Mà ở trong đó, lợi ích đã và đang được san sẻ phần lớn cho nhà đầu tư ngoại WHAUP và tập đoàn Aqua One - những cổ đông đang nắm giữ tới 85% vốn của NMN Sông Đuống.

Thêm về việc ủy thác đầu tư, như VietTimes đã từng đề cập, bà Đỗ Thị Minh Đức (em gái của “Shark” Liên) đã ủy thác cho CTCP Thủ Phủ Tre (CTCP Thủ Phủ Tre (nay đổi tên thành CTCP Bamboo Capital - Mã CK: BCG) đầu tư vào CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS).

Để rồi từ đó, bà Đỗ Thị Minh Đức cùng một số lãnh đạo cấp cao trong “hệ sinh thái” của bà Đỗ Thị Kim Liên đã nắm quyền chi phối, điều hành tại VASS./.

Đón đọc: Thấy gì từ BCTC của Nhà máy Nước mặt Sông Đuống?

Phạm Duy

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/thuong-vu-hoi-cua-shark-lien-tai-nha-may-nuoc-mat-song-duong-372179.html