Thương vụ M&A Phân bón Hàn-Việt - Trợ lực mới cho tăng trưởng của Đạm Cà Mau (DCM)

Sản lượng tiêu thụ mảng NPK của Đạm Cà Mau (mã cổ phiếu DCM) trong năm nay dự kiến tăng 85% nhờ việc hoàn tất thương vụ M&A Phân bón Hàn-Việt. Đồng thời, giá NPK lẫn giá ure trong nước dự kiến sẽ hồi phục tích cực khi nguồn cung phân bón toàn cầu tiếp tục bị thắt chặt.

Thương vụ M&A dự kiến giúp sản lượng tiêu thụ NPK tăng 85%

Ban lãnh đạo mới của Phân bón Hàn - Việt ra mắt khi chính thức trở thành công ty con của Đạm Cà Mau.

Ban lãnh đạo mới của Phân bón Hàn - Việt ra mắt khi chính thức trở thành công ty con của Đạm Cà Mau.

Trong tháng 5/2024, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) đã hoàn tất thương vụ mua lại 100% vốn của Công ty TNHH Phân bón Hàn - Việt (KVF) với công suất thiết kế đạt 360.000 tấn NPK/năm.

Nhiều tổ chức tài chính đánh giá thương vụ trên là bước đi chiến lược, giúp Đạm Cà Mau củng cố và nâng cao vị thế tại mảng NPK. Với vị trí thuận lợi của Nhà máy Phân bón Hàn - Việt, Đạm Cà Mau sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, khu vực có nhu cầu tiêu thụ phân NPK cao hàng đầu cả nước nhờ diện tích trồng cà phê và cao su lớn.

Đồng thời, Nhà máy Phân bón Hàn - Việt sẽ giúp nâng công suất mảng NPK của Đạm Cà Mau lên 660.000 tấn/năm, cao hơn gấp đôi so với trước đây. Ngoài ra, Đạm Cà Mau cũng tiếp quản hệ thống đại lý kinh doanh đã được Nhà máy Phân bón Hàn - Việt thiết lập, giúp tăng tốc quá trình kinh doanh.

Theo đánh giá mới đây của MBS Research, thông qua thương vụ trên, sản lượng NPK của Đạm Cà Mau trong năm nay sẽ tăng hơn 88% so với năm 2023, đạt 285.000 tấn; và sản lượng NPK tiêu thụ ước tăng hơn 85%, đạt 257.000 tấn.

Trong khi đó, giá NPK trên thị trường nội địa năm nay dự kiến sẽ tăng nhẹ 1,2% so với năm 2023 nhờ nhu cầu ổn định trong khi Trung Quốc vẫn đang siết chặt việc xuất khẩu phân bón các loại. Qua đó, kỳ vọng cải thiện mạnh mẽ biên lợi nhuận gộp mảng NPK của Đạm Cà Mau lên mức 11% trong năm nay.

Lợi thế lớn từ việc hết khấu hao nhà máy, lợi nhuận có thể tăng 55%

Xuất khẩu ure đang ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng doanh thu của Đạm Cà Mau. (Nguồn: Đạm Cà Mau, MBS Research)

Xuất khẩu ure đang ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng doanh thu của Đạm Cà Mau. (Nguồn: Đạm Cà Mau, MBS Research)

Trong bối cảnh giá dầu thô Brent và mức giá trung bình tháng dầu FO (MFO) tại thị trường Singapore neo cao kéo dài, cùng với việc cơ chế giá khí mới được áp dụng từ năm nay, giá khí đầu vào cho Đạm Cà Mau cũng tăng mạnh.

Tuy nhiên, áp lực chi phí đầu vào đối với Đạm Cà Mau sẽ được loại bỏ nhờ giá bán ure và NPK hồi phục và Nhà máy Đạm Cà Mau đã hết khấu hao (khoảng 900 tỷ đồng/năm), theo MBS Research.

Cụ thể, về giá bán phân ure, nguồn cung phân bón thế giới trong năm 2024 dự kiến sẽ tiếp tục bị thắt chặt trong bối cảnh cả Nga và Trung Quốc tiếp tục hạn chế xuất khẩu phân ure. Đồng thời một số quốc gia tại Trung Đông thực hiện cắt giảm khí tự nhiên cho sản xuất phân ure.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ phân bón toàn cầu năm nay được Hiệp hội Phân bón Quốc tế kỳ vọng tăng nhẹ 1,4% so với năm 2023. Đây sẽ là động lực duy trì giá bán ure của Đạm Cà Mau khi công ty đang ngày càng ghi nhận tỷ trọng doanh thu ure xuất khẩu lớn hơn.

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Với mức giá các loại nông sản, đặc biệt là lúa gạo, vẫn ở mức cao xuyên suốt nửa đầu năm nay, MBS Research dự báo giá ure nội địa và xuất khẩu của Đạm Cà Mau trong năm nay lần lượt tăng 2,4% và 3% so với năm 2023.

Về việc Nhà máy Đạm Cà Mau hết khấu hao, nhà máy đã chính thức hết khấu hao kể từ quý 4/2023. MBS Research hiện dự báo tổng chi phí khấu hao năm nay của Đạm Cà Mau sẽ giảm khoảng 63% so với năm 2023; trong đó, bao gồm ước tính khấu hao của cả Nhà máy Phân bón Hàn - Việt.

Cũng theo MBS Research, với các nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu thời gian qua, sản lượng tiêu thụ ure của Đạm Cà Mau năm nay dự kiến tăng hơn 3% so với năm 2023. Kết hợp với dự báo giá ure, doanh thu mảng ure năm nay của Đạm Cà Mau có thể tăng 5,2% so với năm 2023.

Theo đó, MBS Research dự phóng doanh thu thuần của Đạm Cà Mau năm nay sẽ tăng 13,4% đạt 14.256 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế tăng 55,2% đạt 1.948 tỷ đồng.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/thuong-vu-m-a-phan-bon-han-viet-tro-luc-moi-cho-tang-truong-cua-dam-ca-mau--dcm-122136.htm