Thương vụ Mbappe làm thay đổi thế giới bóng đá

Những gì Kylian Mbappe làm thời gian qua cho thấy sự thay đổi cán cân quyền lực giữa cầu thủ với các bên liên quan trên thị trường chuyển nhượng.

Không khó để người ta nhận thấy sự thất vọng và giận dữ của Real Madrid khi Mbappe chọn ở lại Paris Saint-Germain. Buổi sáng sau đêm tiền đạo người Pháp công bố quyết định về tương lai, truyền thông Madrid phát đi những thông điệp chỉ trích cầu thủ.

"Để chơi cho Real Madrid, người ta cần rất nhiều đẳng cấp", Marca chạy dòng tít trên trang nhất, bên cạnh hình ảnh Mbappe ký hợp đồng với PSG. Trên chương trình El Chiringuito, nhà báo Jose Felix Diaz gọi Mbappe là tên phản bội. AS thì bình luận: "Mbappe thích tiền của PSG hơn việc trở thành huyền thoại Real Madrid".

 Kylian Mbappe khiến Real Madrid và PSG phải vất vả trong những cuộc đàm phán thời gian qua. Ảnh: Reuters.

Kylian Mbappe khiến Real Madrid và PSG phải vất vả trong những cuộc đàm phán thời gian qua. Ảnh: Reuters.

Cái lý của PSG

PSG được cho là trả Mbappe mức thu nhập cả trăm triệu euro một năm, con số biến anh trở thành cầu thủ nhận lương cao nhất thế giới hiện tại. Tuy nhiên, trong buổi họp báo vào ngày 23/5, ông Nasser Al-Khelaifi nói Real Madrid sẵn sàng trả nhiều tiền cho Mbappe hơn PSG.

"Mbappe không ở lại với chúng tôi vì tiền", Chủ tịch PSG nói. "Có một CLB khác ở Tây Ban Nha sẵn sàng trả (cho cầu thủ - PV) nhiều hơn chúng tôi". Bà Fayza Lamari, mẹ của Mbappe, trước đó cũng tiết lộ hai lời đề nghị của PSG và Real Madrid không quá khác nhau về mặt tài chính.

Không ai biết đâu là sự thật trong những lời nói từ các bên, nhưng quyết định của Mbappe cho thấy quyền lực to lớn của cầu thủ vào lúc này. Vì Mbappe, ban tổ chức La Liga tuyên bố kiện PSG lên Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) vì tin rằng đội bóng Pháp vi phạm Luật Công bằng Tài chính.

PSG thì tin rằng sự hiện diện của Mbappe trong đội hình sẽ giúp CLB tiến lên một tầm cao mới. Trong cuộc họp hội đồng quản trị của PSG vào giữa tháng này, các chuyên gia tài chính tiết lộ Lionel Messi là thương vụ có lời với đội chủ sân Parc des Princes. Sau khi trừ mọi chi phí trả lương cho siêu sao người Argentina, PSG thu lãi 15 triệu euro cho việc chiêu mộ Leo.

PSG kết thúc mùa giải 2021/22 với doanh thu 700 triệu euro, kỷ lục của CLB. Con số kể trên vượt xa kỷ lục doanh thu cũ PSG có được ở mùa giải 2018/19, với mốc 637,3 triệu euro. Sự hiện diện của Messi chính là nguyên nhân lớn giúp doanh thu PSG tăng mạnh.

Doanh thu từ áo đấu của PSG tăng hơn 67% so với cùng kỳ năm ngoái (từ 41 triệu euro lên 68 triệu euro). Tính trung bình cứ 1 triệu chiếc áo đấu PSG được bán ra có 60% trong số đó mang tên Messi. Số tiền kiếm được từ bán vé của PSG cũng tăng lên 132 triệu euro, so với con số 93 triệu euro năm ngoái.

Chính vì thế, quyết định giữ chân Mbappe bằng mọi giá của PSG là có thể hiểu được. Ngay cả khi PSG phải trả những con số điên rồ trong hợp đồng mới cho tiền đạo 23 tuổi, Khelaifi và các cộng sự tin rằng họ có thể kiếm lại số tiền đó.

Mbappe khẳng định anh ở lại PSG vì dự án phát triển của CLB, chứ không hẳn vì tiền. Anh cũng phản bác các thông tin cho rằng mình sẽ có quyền lực to lớn khi chấp nhận ở lại PSG. "Tôi sẽ giới hạn bản thân về vấn đề chuyên môn trên sân cỏ" Mbappe phân trần. "Tôi không có đặc quyền nào khác".

Truyền thông Pháp tiết lộ Mbappe sẽ có tiếng nói trong các quyết định chiêu mộ cầu thủ, tuyển dụng HLV hoặc các kế hoạch phát triển đội bóng của PSG trong tương lai. Không nhiều người ở Madrid sẵn sàng tin điều đó. Những người hâm mộ Real Madrid tin rằng nếu Mbappe không ở lại PSG vì tiền, thì cũng vì quyền lực. Hoặc thậm chí các ông chủ người Qatar của CLB trao cho Mbappe cả hai thứ đó.

 Chủ tịch PSG, Nasser Al-Khelaifi, được cho là sắp sa thải Giám đốc Thể thao Leonardo và HLV Mauricio Pochettino để chiều ý Mbappe. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch PSG, Nasser Al-Khelaifi, được cho là sắp sa thải Giám đốc Thể thao Leonardo và HLV Mauricio Pochettino để chiều ý Mbappe. Ảnh: Reuters.

Quyền lực ngôi sao

Ngay sau khi Mbappe đặt bút ký vào bản hợp đồng có thời hạn đến tháng 6/2025 với PSG, truyền thông Pháp tiết lộ ông Khelaifi sắp sa thải Giám đốc Thể thao Leonardo và HLV Mauricio Pochettino. Đó dường như là một dấu hiệu không thể rõ ràng hơn cho quyền lực và tác động của Mbappe lên thượng tầng PSG.

Nửa thập niên trước, Arsene Wenger từng dự báo rằng các cầu thủ rồi sẽ có quyền lực lớn hơn trên bàn đàm phán chuyển nhượng. Cựu HLV Arsenal tin rằng thời các CLB dễ dàng "trói chân" các ngôi sao đã không còn. "Rồi sẽ có nhiều hơn các cầu thủ chờ đến khi hợp đồng hết hạn", Wenger từng đánh giá. "Một xu thế mới sẽ diễn ra với thế giới bóng đá".

Dự đoán của "Giáo sư" trở thành sự thật. Messi rời Barca vào mùa hè năm ngoái theo dạng tự do. Mùa hè này, Paul Pogba hay Paulo Dybala cũng trở thành cầu thủ tự do. Ngay cả khi Mbappe đồng ý ở lại PSG, anh cũng đàm phán với CLB nước Pháp trên tư cách một người sắp hết hạn hợp đồng.

Những gì xảy ra trên thị trường chuyển nhượng cũng phản chiếu quyền lực của các ngôi sao bóng đá hàng đầu. Tầm ảnh hưởng của những người như Mbappe hay Messi, Ronaldo giúp họ có tiếng nói mạnh mẽ khi thương thảo với bất kỳ CLB nào.

Trong một công trình nghiên cứu của mình, hai Tiến sĩ Kinh tế Babatunde Buraimo và Rob Simmons tin rằng khán giả truyền hình ngày nay ít quan tâm đến việc xem các trận đấu thể thao cạnh tranh hơn trước đây. "Những cái tên nổi tiếng mang lại nhiều sức hút hơn cho các trận đấu thể thao", ông Buraimo phân tích trên Guardian. "Xu hướng đó sẽ còn mạnh mẽ hơn trong tương lai".

Ở một thời đại mà khán giả đại chúng có xu hướng thích xem những cá nhân nổi bật hơn các màn trình diễn tập thể, những thương vụ kiểu như Mbappe sẽ còn tái hiện trong tương lai.

Mbappe: 'Lịch sử của chúng ta được viết ở Paris' Sáng 22/5 (giờ Hà Nội), Paris Saint-Germain tung video công bố gia hạn thành công hợp đồng của Kylian Mbappe đến năm 2025.

Tường Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thuong-vu-mbappe-lam-thay-doi-the-gioi-bong-da-post1320331.html