Thương vụ S-400: Sự chuyển hướng chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ?

Tờ Jerusalem Post cho rằng, một phần nguyên nhân khiến Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua S-400 của Nga đến từ chính sách của Mỹ ở miền Đông Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được lô thiết bị đầu tiên trong các hệ thống phòng không S-400 của Nga, bất chấp căng thẳng giữa nước này với Mỹ và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Các chuyên gia cho rằng, thương vụ này là một phần trong chiến lược của Ankara, một dấu hiệu cho thấy sự chuyển hướng chính sách và quan điểm của nước này trong quan hệ với Washington và các thành viên NATO.

Hệ thống S-400 của Nga. Ảnh: Aljazeera.

Hệ thống S-400 của Nga. Ảnh: Aljazeera.

Từ quyết tâm của Thổ Nhĩ Kỳ…

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được lô thiết bị đầu tiên trong các hệ thống S-400 của Nga ngày 12/7. Các thiết bị này đã được chuyển tới căn cứ không quân Murted ở tỉnh Ankara. Trước đó, Ankara công bố thời gian biểu cụ thể trong hợp đồng mua tên lửa Nga, bất chấp cảnh báo từ Quốc hội và quan chức Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, nước này mua S-400 của Nga là để bảo vệ an ninh đất nước, trong khi Mỹ từ chối cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho nước này năm 2017. Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin nêu rõ: “Chúng sẽ được sử dụng rộng rãi. Những hệ thống S-400 không tạo ra mối đe dọa đối với hệ thống an ninh Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã được tích hợp vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”.

Tờ Jerusalem Post cho rằng, một phần nguyên nhân khiến Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua S-400 của Nga đến từ chính sách của Mỹ ở miền Đông Syria. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ bắt tay với Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), tổ chức có mối liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Trong khi đó, Ankara xem PKK là tổ chức khủng bố. Ở phía Đông Syria, Mỹ đang chống lưng cho nhóm phiến quân Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) mà YPG là một thành viên tham gia.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar khẳng định, việc mua S-400 không phải lựa chọn theo ý thích, mà là quyết định cần thiết, do Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với thách thức nghiêm trọng. Theo ông, Ankara buộc phải thực hiện các biện pháp nhằm đối phó với các cuộc tấn công rầm rộ từ biên giới Syria và bảo đảm an ninh quốc gia là ưu tiên hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ lại cho rằng hệ thống S-400 không tương thích với mạng lưới phòng thủ của liên minh phương Tây và đặt ra một mối đe dọa với các máy bay F-35 mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang muốn mua. Chính phủ Mỹ đã ra hạn chót ngày 31/7 để Thổ Nhĩ Kỳ hủy hợp đồng mua S-400 với Nga. Nếu Ankara không thực hiện yêu cầu, toàn bộ phi công và kỹ thuật viên Thổ Nhĩ Kỳ đang huấn luyện với tiêm kích F-35A tại Mỹ sẽ bị trục xuất, đồng thời Ankara cũng bị loại khỏi dự án F-35.

NATO cũng bày tỏ quan ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận hệ thống S-400 của Nga. Một quan chức NATO nói: “Chúng tôi quan ngại về hậu quả tiềm tàng của việc Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết mua hệ thống S-400. Khả năng tương tác của quân đội các nước là cơ sở để NATO tiến hành các chiến dịch và sứ mệnh”.

Đến động lực thúc đẩy…

Theo các nhà phân tích, thương vụ S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ là một phần trong chiến lược của Ankara, nhằm giúp Tổng thống Erdogan củng cố quyền lực, nhất là sau âm mưu đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016. Đây cũng được xem là dấu hiệu cho thấy sự chuyển hướng chính sách và quan điểm của Ankara trong quan hệ với Washington.

Mặc dù là đồng minh của Mỹ, là thành viên của NATO, nhưng với tham vọng trở thành cường quốc có ảnh hưởng trong khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng có quan điểm độc lập hơn, quan hệ mật thiết với Nga và Iran, hình thành liên minh mới giải quyết các vấn đề ở khu vực Trung Đông, nhằm hiện thực hóa những lợi ích do mối quan hệ này mang lại.

Quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ vốn rơi vào khủng hoảng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố “sẵn sàng đi tìm đồng minh khác thay thế”. Ông cũng đã từng kêu gọi Lực lượng Hồi giáo trên thế giới chống lại Mỹ và Israel. Đồng thời, công khai hợp tác với Nga và Iran để chống lại Mỹ trong nhiều vấn đề.

Afzal Ashraf, giáo sư về an ninh xung đột tại Đại học Nottingham (Anh) cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục mua hệ thống S-400 bất kể cảnh báo của Mỹ có thể coi như một thông điệp chính trị rằng Mỹ không thể lấn át hay kiểm soát các thành viên trong NATO. Về khía cạnh quân sự, đây là một lợi thế của Thổ Nhĩ Kỳ so với Mỹ, khi nước này có thể tiếp cận, tìm hiểu cách thức vận hành của hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga và triển khai các biện pháp đối phó.

Tuy nhiên, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh và đối tác không dễ cắt đứt bởi những ràng buộc lợi ích chiến lược. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cần Mỹ cũng như Mỹ cần Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, mặc dù Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố rằng việc Ankara mua tên lửa phòng không S-400 là “phức tạp”, nhưng ông vẫn để ngỏ khả năng miễn trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ và khẳng định Mỹ vẫn coi nước này là đồng minh.

Thương vụ S-400 còn phản ánh chiều hướng tốt đẹp trong quan hệ giữa Ankara và Moscow. Mặc dù, trong quá khứ quan hệ hai nước trải qua nhiều sóng gió, nhưng giờ đây đã có sự “đảo chiều”. Bằng chứng là ngay sau khi đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ 4, Tổng thống Nga V. Putin đã chọn Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đầu tiên đến thăm. Ông cũng là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên chúc mừng Tổng thống Erdogan giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 6/2018.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác chặt chẽ trong vấn đề Syria, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và thương mại, xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên Akkuyu. Tháng 11/2018, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng khánh thành tuyến đường ống dưới biển thuộc dự án đường ống khí đốt tự nhiên “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” (TurkStream). Đây là “một bước tiến mới” trong quan hệ giữa Ankara và Moscow.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đang được xem là sự lựa chọn địa chính trị mang tính tất yếu đối với cả hai bên, trong bối cảnh Nga vẫn tiếp tục bị phương Tây cô lập, còn mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ với đồng minh chủ chốt là Mỹ ngày càng sâu sắc.

Bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều khả năng Nga sẽ đưa các sĩ quan, kỹ thuật viên tới nước này để huấn luyện cách làm chủ hệ thống S-400. Điều đó cho phép quân đội Nga tiếp cận với mạng lưới phòng không của NATO, cũng như nghiên cứu chiến đấu cơ F-35 để nắm thông tin tác chiến bí mật của đối phương, xóa bỏ ưu thế của chiến đấu cơ F-35.

Chuyên gia Alex Lockie đánh giá: “Nga không thể trang bị tiêm kích thế hệ 5 ngang ngửa với dòng F-22 và F-35 Mỹ, nhưng việc hệ thống S-400 hoạt động song song với chiến đấu cơ F-35 trong biên chế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây mối đe dọa không nhỏ với NATO trong tương lai”. Giáo sư khoa học chính trị người Đức Thomas Eger cho rằng, việc xuất hiện cuộc xung đột giữa Ankara và Washington có thể coi là thắng lợi tuyệt vời cho Tổng thống V.Putin. Nga tuyên bố, sẽ sớm “phủ sóng” S-400 khắp Trung Đông.

Như vậy, thương vụ S-400 là chưa từng có tiền lệ, phản ánh quan điểm độc lập, sự thay đổi trong chính sách và tham vọng chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này mặc dù có thể làm xấu đi mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, nhưng lại giúp nước này mở rộng hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng và chuyển giao công nghệ, dần vượt qua sự phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí của Mỹ và NATO./.

CTV Nguyễn Nhâm/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/thuong-vu-s400-su-chuyen-huong-chinh-sach-cua-tho-nhi-ky-932876.vov