Thương vụ Việt Nam lên tiếng việc loạt doanh nghiệp bị lừa đảo ở châu Âu
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Italia cho biết, tình trạng lừa đảo thương mại tại Italia hiện diễn ra rất phức tạp. Một số doanh nghiệp Italia đã đặt cọc cho doanh nghiệp Việt Nam và nhận hàng nhưng sau đó không trả tiền hàng còn lại.
Ngày 31/1, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Italia, từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Italia luôn tăng trưởng ở mức hai con số.
Hiện ngoài những dòng thuế về mức thuế suất 0% khi hiệp định có hiệu lực, còn hơn 13% số dòng thuế sẽ được giảm theo lộ trình. Do đó, còn khá nhiều những lĩnh vực và loại hàng hóa mà doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội làm ăn ở thị trường này.
Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Italia lưu ý, hiện tình trạng lừa đảo thương mại tại Italia diễn ra rất phức tạp. Một số doanh nghiệp Italia đã đặt cọc cho doanh nghiệp Việt Nam và nhận hàng nhưng sau đó không trả tiền hàng còn lại; hoặc phía doanh nghiệp Việt đã đặt cọc nhưng doanh nghiệp Italia không giao hàng...
“Thương vụ đang giải quyết rất nhiều vụ việc gian lận của doanh nghiệp Italia với doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều vụ việc đã xảy ra, doanh nghiệp Việt mới liên hệ với Thương vụ để đi xác minh thông tin phía đối tác. Tuy nhiên, nhiều địa chỉ của doanh nghiệp Italia chỉ là giả mạo. Một số người Italia còn phối hợp với nhóm lừa đảo quốc tế, làm giả các loại chứng từ, kể cả chứng từ thanh toán... để tìm cách chiếm đoạt bộ chứng từ gốc để nhận hàng tẩu tán...”, bà Dương Phương Thảo - Tham tán thương mại Việt Nam tại Italia - chia sẻ.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nga cho biết, tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine đang có những diễn biến rất khó lường. Dự báo, trong thời gian tới, Mỹ và đồng minh có thể thực hiện các biện pháp trừng mạnh hơn đối với nền kinh tế Nga. Do đó, các doanh nghiệp Việt làm ăn tại thị trường Nga cần theo dõi sát tình hình thị trường để có các biện pháp ứng phó phù hợp.
"Trước khi giao dịch, ký hợp đồng ngoại thương cần tiến hành tìm hiểu, kiểm tra kỹ về đối tác (có thể thông qua Thương vụ). Nội dung của hợp đồng cần đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam", đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nga cho hay.
Đáng chú ý, theo các Thương vụ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ đang tăng cường quản lý các mặt hàng đã bị áp thuế phòng vệ thương mại. Cụ thể, tính đến tháng 12/2022, Mỹ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt Nam hơn 52 vụ, chủ yếu là điều tra chống bán phá giá và chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp thông qua gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Các sản phẩm bị điều tra khá đa dạng, từ nông - lâm - thủy sản như: gỗ, cá tra, basa, tôm, mật ong, tới các sản phẩm công nghiệp như: Rơ moóc kéo, thép, máy cắt cỏ... thậm chí sản phẩm bìa kẹp hồ sơ.
"Các doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu qua thị trường này cần chủ động nghiên cứu các vụ việc đã có kết luận để chuẩn bị sẵn hồ sơ chứng minh cho các lô hàng xuất khẩu để tránh bị áp thuế chống bán phá giá cao. Doanh nghiệp cần theo dõi và tuân thủ các khuyến cáo, cảnh báo sớm của cơ quan chức năng Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) về phòng vệ thương mại", đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ khuyến cáo.