Thường Xuân phát triển cây ăn quả tập trung

Nhằm phát huy tiềm năng về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, huyện Thường Xuân chú trọng lựa chọn những loại cây trồng mới, năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Trong đó, những loại cây ăn quả được thị trường ưa chuộng, có tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế cao đã được người dân lựa chọn, mở rộng diện tích sản xuất, không chỉ góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án được phê duyệt mà còn nâng cao đời sống cho Nhân dân.

Diện tích trồng bưởi Diễn của gia đình ông Lê Đình Thực, xã Luận Thành (Thường Xuân).

Diện tích trồng bưởi Diễn của gia đình ông Lê Đình Thực, xã Luận Thành (Thường Xuân).

Ông Trịnh Văn Trường, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thường Xuân, cho biết: Theo định hướng tại Quyết định số 198/QĐ-UBND, ngày 12/1/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển cây ăn quả tập trung trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Thường Xuân đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân áp dụng kỹ thuật nhân giống, các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, tưới nước tiết kiệm và đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tập trung xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP và chú trọng xây dựng mã số vùng trồng, thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm cây ăn quả địa phương.

Thực hiện Quyết định số 198/QĐ-UBND, ngày 12/1/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Đề án "Phát triển cây ăn quả tập trung trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ngày 5/6/2022, UBND huyện Thường Xuân đã xây dựng, ban hành Kế hoạch phát triển cây ăn quả trên địa bàn huyện giai đoạn 2022–2025. Theo đó, huyện đã lồng ghép kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, dự án và ngân sách địa phương để khuyến khích Nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích sản xuất hiệu quả kinh tế thấp, trong đó, cây ăn quả là một trong những đối tượng cây trồng được khuyến khích sản xuất, nhân rộng. Đồng thời, vận động người dân từng bước trồng thay thế những vườn cây ăn quả già cỗi, nhiễm bệnh, năng suất và hiệu quả thấp, bằng các giống mới; sử dụng cây giống đảm bảo chất lượng, sạch bệnh để bảo đảm năng suất, chất lượng của diện tích cây trồng.

Từ năm 2018, hàng chục hộ dân thuộc thôn Minh Sơn, xã Luận Thành trồng mới 2,5ha cây bưởi Diễn và bưởi đỏ Tân Lạc từ nguồn hỗ trợ của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Người dân được tập huấn kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ nguồn cây giống chất lượng nên chỉ sau hơn 3 năm sản xuất, diện tích cây ăn quả đã cho thu hoạch mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn những loại cây trồng khác nên người dân đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất trên địa bàn. Ông Lê Đình Thực, người dân thôn Minh Sơn, cho biết: Gia đình tôi được hỗ trợ hơn 1.000 cây giống bưởi đỏ Tân Lạc và bưởi Diễn. Đồng thời được tập huấn kỹ thuật sản xuất, đưa vào trồng đúng khoảng cách, chăm sóc đúng giai đoạn nên cây bưởi sinh trưởng, phát triển khá ổn định. Từ năm 2022, cây bưởi đã cho thu hoạch, và lại hiệu quả kinh tế cao nên gia đình tiếp tục đầu tư, phát triển gần 2ha cây ăn quả khác như bưởi da xanh, ổi, cam... theo hướng VietGAP và chủ động liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đến nay, sản lượng cây ăn quả của gia đình tôi đạt khoảng 70 - 80 tấn/năm, doanh thu hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với những loại cây trồng khác.

Được biết, thông qua nguồn hỗ trợ của các Chương trình 30a, 135... nhiều địa phương khác trong huyện, như: Thọ Thanh, Tân Thành, Lương Sơn, thị trấn Thường Xuân... người dân cũng được hỗ trợ giống cây ăn quả và hướng dẫn áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ... để tạo ra sản phẩm cây ăn quả chất lượng, giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả sản xuất, UBND huyện Thường Xuân đã khuyến khích các thành phần kinh tế thực hiện tích tụ, tập trung đất để phát triển mô hình sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, cân đối ngân sách, hỗ trợ đầu tư 2 dự án xây dựng hạ tầng vùng cây ăn quả tập trung tại xã Ngọc Phụng và xã Thọ Thanh, nhờ đó hiệu quả sản xuất đã tăng lên rõ rệt.

Theo thống kê của UBND huyện Thường Xuân, tính đến tháng 6/2024, toàn huyện đã phát triển được 507,16ha cây ăn quả, bằng 92,2% kế hoạch. Trong đó, diện tích cây ăn quả tập trung là 110,75ha, còn lại là diện tích trồng cải tạo vườn tạp, nhỏ lẻ. Nhờ được đầu tư, hỗ trợ và định hướng phát triển, trên địa bàn huyện đã có một số mô hình trồng cây ăn quả gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, như: mô hình sản xuất dưa vàng Kim Hoàng hậu của xã Thọ Thanh; mô hình trồng bưởi Diễn tại xã Ngọc Phụng... Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 huyện Thường Xuân có 550ha cây ăn quả, sản lượng đạt hơn 8.500 tấn/năm, huyện trực tiếp chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát kế hoạch sử dụng đất để xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất cây ăn quả tập trung phù hợp với điều kiện đất đai, lợi thế của từng địa phương. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai liên kết sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao. Cùng với đó, ngành nông nghiệp và các xã, thị trấn tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp, HTX, người dân tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả. Đây không chỉ là giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn góp phần thay đổi tư duy của người dân về sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa và phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Lê Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thuong-xuan-phat-trien-cay-an-qua-tap-trung-218324.htm