Thường xuyên đổi mới phương pháp nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 9/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về 'Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới' (gọi tắt là Chỉ thị số 23), 5 năm qua, Đảng ủy BĐBP đã có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm củng cố nền tảng tư tưởng lý luận, đấu tranh phản bác các quan điểm, tư tưởng phản động, sai trái, bảo vệ, kiên định vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Thống nhất từ nhận thức đến hành động
5 năm qua, Đảng ủy BĐBP và các tổ chức đảng các cấp trong toàn lực lượng đã thực hiện hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, học tập quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 23, góp phần xây dựng Đảng bộ BĐBP vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, phục vụ đắc lực nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Trong 5 năm qua, Đảng ủy BĐBP đã chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng mở 677 lớp/20.158 cán bộ, đảng viên học tập, nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị số 23 và các văn bản có liên quan. Đảng ủy BĐBP đã chỉ đạo Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, các Cục hướng dẫn nghiên cứu, biên soạn 117 công trình, trong đó, đã xuất bản 86 công trình; Cục Chính trị BĐBP nghiên cứu thành công 2 đề tài lịch sử cấp Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, góp phần tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống của lực lượng, đơn vị…
Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong BĐBP đã cụ thể hóa vào nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch, chương trình hành động về nghiên cứu, học tập vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Do đó, tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò và giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực tư duy lý luận, chỉ đạo thực tiễn để giải quyết hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra; bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, xây dựng đội ngũ cán bộ BĐBP “vừa hồng”, “vừa chuyên” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Công tác học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong BĐBP đã phòng ngừa, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động nhằm xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
Chia sẻ về nội dung này, Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Lạng Sơn cho biết: “Từ thực tế ở địa phương cho thấy, việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23 đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ. Công tác học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển lý luận đã và đang góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề thực tiễn đặt ra trong quản lý, bảo vệ biên giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới”.
“Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23, chúng tôi tập trung vào vấn đề đổi mới phương pháp, cách thức lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị số 23 gắn với công tác giáo dục chính trị ở đơn vị. Trước tiên, chúng tôi thường xuyên lãnh đạo công tác giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và trình độ, năng lực của cấp ủy, chỉ huy các cấp, cán bộ, chiến sĩ trong vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong tình hình mới.
Các đơn vị đã thực hiện nền nếp Ngày Đảng, Ngày Chính trị văn hóa tinh thần, Ngày Pháp luật. Đội ngũ báo cáo viên, các thiết chế văn hóa ở cơ sở đã phát huy hiệu quả trong phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, qua đó, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong BĐBP tỉnh” - Chính ủy BĐBP Lạng Sơn chia sẻ thêm.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất
Với đặc thù công tác và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, cán bộ, chiến sĩ BĐBP thường đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; thường xuyên tiếp xúc với nhiều tầng lớp trong xã hội, chịu tác động của mặt trái kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế; phải đấu tranh trực diện với các phần tử xấu, phản động và các loại tội phạm, dễ nảy sinh tiêu cực là nhân tố dẫn đến suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chính vì vậy, việc học tập chính trị nói chung và việc học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng đối với cán bộ, chiến sĩ trong BĐBP là rất sức quan trọng; là công việc khẩn thiết, cấp bách, đòi hỏi phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài.
Trước tình hình trên, tại Hội nghị sơ kết 5 năm việc thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư ngày 20/4, do Đảng ủy BĐBP tổ chức tại Hà Nội bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, Đại tá Hà Học Chiến, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Hà Tĩnh đề xuất: “Trong thời gian tới, cần tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ lý luận và phương pháp truyền đạt cho đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị, Hàng năm, đề nghị tăng chỉ tiêu đào tạo cao cấp lý luận chính trị ở các trường trong và ngoài quân đội. Trong kế hoạch giáo dục chính trị hàng năm cần tăng cường các chuyên đề về các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin…”.
Tại Hội nghị sơ kết 5 năm việc thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư ngày 20/4, Đảng ủy BĐBP đã xác định 4 nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23, bao gồm các vấn đề như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tập trung nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tổng kết tuyên truyền, giáo dục vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị; chú trọng làm tốt công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; mở rộng hợp tác nghiên cứu với các cơ quan, các nhà khoa học; kịp thời phát hiện các gương điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo để nhân rộng trong việc học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…