Thường xuyên hít bóng cười, cô gái trẻ ở TP.HCM tổn thương tủy sống cổ
Thường xuyên hít bóng cười, cô gái 26 tuổi ở TP.HCM nhập viện trong tình trạng đi lại khó khăn, được chẩn đoán tổn thương tủy sống cổ.
Ngày 23/7, thông tin từ Bệnh viện Quân Y 7A (TP.HCM), bệnh viện đang điều trị cho nữ bệnh nhân (26 tuổi, ngụ TP.HCM) có dấu hiệu ngộ độc sau khi sử dụng 6 - 7 quả bóng cười chứa khí N2O liên tục trong 2 ngày.
Theo người nhà bệnh nhân, sau khi hít bóng cười, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện cảm giác kim châm, đi lại khó khăn, các biểu hiện tăng dần kèm theo rối loạn chức năng cơ vòng.
Các biểu hiện này tăng dần nhưng bệnh nhân không đi khám mà tự mua thuốc uống. Sau 15 ngày, khi bệnh tiến triển nặng hơn, bệnh nhân mới đến Bệnh viện Quân y 7A để khám. Ngoài ra, bệnh nhân thường xuyên sử dụng bóng cười, 1 tuần 2 - 3 lần trong 5 năm nay, mỗi lần sử dụng 5 - 7 quả.
BS.CKII Kiều Mạnh Hà, Chủ nhiệm khoa Thần Kinh, Bệnh viện Quân y 7A, TP.HCM, cho biết, bệnh nhân nhập viện ở thể trạng béo phì, dấu hiệu sinh tồn bình thường.
Thăm khám vận động, dáng đi bệnh nhân không vững; phản xạ gân xương giảm tứ chi, không có phản xạ bệnh lý tháp. Các cơ quan khác chưa ghi nhận bất thường.
"Việc bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu ngộ độc khí cười nhưng lại không đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám mà tự ý mua thuốc điều trị ở nhà sẽ làm tăng các triệu chứng, tổn thương nặng khi nhập viện, để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài. Hiện, bệnh nhân tổn thương tủy cổ đoạn dài từ C1 đến C6, liệt không đi lại được", BS Hà cho hay.
Trên thế giới, khí cười được phép sử dụng trong y tế với liều lượng nhất định theo chỉ định của bác sĩ, tuy nhiên, khí cười N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin.
"Đây là lý do nhiều người lúc đầu chỉ sử dụng bóng cười cho vui, cho rằng vô hại vì hết cười lại bình thường. Nhưng xu hướng sẽ tăng liều dần và gây nguy cơ ngộ độc. Trong trường hợp cười do hít bóng cười, việc cười quá mức, liên tục cũng có thể gây ngạt do thiếu oxy. Nếu trên cơ địa có bệnh đường hô hấp thì rất nguy hiểm, có thể bị ngạt, suy hô hấp", BS Hà nói.
Theo BS Hà, việc sử dụng N2O kéo dài hoặc lạm dụng với mục đích giải trí không được kiểm soát có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, ức chế não, thậm chí gây tử vong.
Khi hít khí bóng cười cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, làm giảm tầm nhìn và thính giác dẫn đến kích thích, hưng cảm thời gian ngắn, sau đó an thần, nặng có thể mất ý thức, loạn nhịp tim, tụt huyết áp… Hít khí cười trong thời gian ngắn với liều lượng lớn có thể khiến người sử dụng bị co giật, run rẩy.
BS Hà lưu ý, khí N2O không tan trong máu, lượng oxy thấp, có quả bóng không có oxy nên khi sử dụng sẽ làm thiếu oxy lên não. Ban đầu có thể phấn khích, sau đó sẽ rơi vào hôn mê nếu người dùng có tiền sử các bệnh tim mạch, hen suyễn, dễ kích ứng thần kinh.
Nhiều người không hiểu rõ cơ chế gây tác hại của bóng cười nên vô tư sử dụng để giải trí là điều rất nguy hiểm.
"Tất cả các chất hóa học đều có thể gây nghiện và nếu sử dụng sai mục đích, với thời gian dài đều gây tác hại đặc biệt là các tổn thương vĩnh viễn trên não bộ. N2O được sử dụng trong y học từ hơn 150 năm trước để gây mê toàn thân. Tuy nhiên, do tác dụng yếu nên hiện nay trong y học chất này ít được sử dụng đơn độc mà thường được sử dụng phối hợp với các thuốc gây mê khác", BS Hà nhấn mạnh.
Bóng cười thực chất là một quả bóng bay được bơm một loại khí có công thức hóa học là N2O (Nitrous oxide). Loại khí này khi hít vào có khả năng tác động mạnh lên một điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng sảng khoái cho người sử dụng.