Thụt lùi, quay lại hay nhích lên?
Khi chùa và tượng luôn được xây mới để được tuyên bố nhất khu vực hay nhất châu lục thì việc du lịch tâm linh đã rõ ràng rằng: phá núi bằng mọi giá, kiếm tiền bằng mọi giá.
Thập kỷ 80 của thế kỷ trước, hầu như chúng tôi đã đi gần hết chùa - đình - đền – phủ ở Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc bộ. Mỗi nơi một vẻ, thanh tịnh, nề nếp khiến đinh ninh rằng ấy mới là nguyên bản. Dấu vết tàn phá thời đạp đổ và trưng dụng cho hợp tác hóa đâu, tôi hỏi chồng. “Tàn phá nặng nhất ở Khu Bốn, phía Bắc không có san bằng, chỉ có bị chiếm dụng làm kho và sân phơi hợp tác nhưng giờ em thấy đấy, mọi thứ đã dần trở lại”.
Nghe vậy thì biết vậy và tin. Chùa Kim Liên hàng ngàn năm tuổi, chùa Trấn Quốc vị thế đắc địa như mơ, đền Quán Thánh cho những người lần đầu biết thế nào là đền và tượng của đền. Chùa Thầy, chùa Trăm Gian, chùa Bút Tháp, chùa Đậu, chùa Thập Phuơng, chùa Keo… và những ngôi chùa gần như vô danh chỉ cho cư dân của làng của xã. Là con dân miền Tây sông nước giao thoa văn hóa nhiều dân tộc, thâm tâm tôi không mê chùa Việt lai tạp với nét và nếp chùa Hoa kiều. Ở chùa đất bắc cội nguồn, lịch sử khẽ khàng với tôi rằng vì sao rêu phong, vì sao khác biệt, vì sao tự hào, vì sao thành kính.
Tuyến cáp treo Yên Tử đang vận hành. Ảnh: CTV
Một thập niên lơ đễnh, bỗng chốc ngay ngôi chùa Lũ hẻo lánh gần Kim Giang chỗ tôi sống bắt đầu có cảnh khách nhét tiền lẻ vào bệ và tay tượng. Ngạc nhiên chưa. Như thể một thế lực hắc ám nào đó đã rỉ tai với từng con người tuyệt vọng đói kém. Thử đi lại các chùa nổi tiếng trong bản đồ danh thắng của đồng bằng Bắc bộ, thì ra cũng có cảnh này. Phủ Tây Hồ và Phủ Dầy, ôi thôi, ngốt ngát lễ vật và khói hương mờ cả mắt.
Nhìn thấy các bà các chị về hưu trong khu phố bỗng dưng đồng phục nâu chàm hoặc xám nhạt đi lễ theo tràng theo hội. Ấy là những người có thể từng là vẹt đả phá hết việc thờ đến việc cúng. Họ trút bỏ vẻ ngoài hay đã lột xác tận bên trong? Đêm đêm, trong những căn hộ của khu dân cư vẳng ra những bài thuyết pháp từ băng hoặc đĩa của các vị được coi là Cao tăng trong nước lẫn cả hải ngoại, lấn át nhạc đỏ nhạc vàng. Nên mừng hay nên băn khoăn, những lời du đương dắt đẫn ấy khiến đoàn người bất an có tìm thấy bình an như mong muốn?
Mười năm đầu thế kỷ mới. Không hiểu sao đoàn người ấy bỗng dưng huỳnh huỵch chạy? Tìm đến mọi nơi mọi cửa. Ngay cả chùa Hương và Yên Tử cũng không thoát được xênh xang lễ vật hào nhoáng, bái lạy cầu xin rì rầm, sì sụp mải mê. Nhưng không ít những người trong đám đông bon chen ấy vừa lui ra khỏi không khí thành kính đã sẵn sàng chí chóe nhau khi va quệt, hoặc bỡn cợt văng bừa, hoặc say khướt bên những bữa thịt thú rừng tú hụ.
Nhớ khi khai trương Thiền Viện Yên Tử, ê kíp của Thiền viện Đà Lạt phải ra đảm đương mùa đầu tiên; họ đứng ở của Thiền viện để chỉ nhắc du khách mấy việc: bỏ dép ở ngoài, yên lặng trật tự, không kẹp nách mũ và túi xách vừa đi vừa khấn, không được giắt tiền vào tượng…Nó chứng tỏ điều gì? Rằng là nếp tâm linh của khách thập phương ở Bắc đã rất cần được chỉnh đốn. Không biết họ cầm trịch được bao lâu (vì khi Yên Tử làm cáp treo và Chùa Đồng được cơi nới thì chúng tôi đã không muốn quay lại Yên Tử lần nào).
Nay thì mọi việc không còn chừng mực ở mức không thể chừng mực được nữa. Khi chùa và tượng luôn được xây mới để được tuyên bố nhất khu vực hay nhất châu lục thì việc du lịch tâm linh đã rõ ràng rằng: phá núi bằng mọi giá, kiếm tiền bằng mọi giá. Nhưng ở đời, kinh doanh chùa và tượng thường đưa lại rủi ro cũng có thể là cao nhất. Vì sao, đơn giản vì đây là lĩnh vực tâm linh. Hà Nội một thời rêu phong, thanh tịnh, mực thước mà tôi hằng biết và hằng yêu đã bị thay thế bằng hình ảnh hàng ngàn con người ngồi tràn ra đường, chiếm cả lòng đường để cầu và cúng.
Lộ ra một bầy người vô vọng và yếu đuối và sa lầy hình như chưa bao giờ như vậy trong lịch sử của Hà Nội và những vùng phụ cận. Một câu hỏi đặt ra, cho chính tôi, một người miền Nam từng sống và yêu Hà Nội, rằng vì sao chùa chiền – đình – đền trong đây vẫn yên ắng, như đã, hàng mấy trăm năm qua? Hay là… Thì ra, lẽ nào, nơi ngự trị cái gốc của cỗ máy, con người tin rằng cõi phật, cõi thần, cõi mẫu…kỳ thực là rất dễ xin – cho, có xin thì có được. Vì sao đám đông năm sau đông hơn năm trước? Hóa ra thế giới tâm linh ở đất này thiêng theo kiểu định hướng, nơi đó và những nơi nào đó rất cụ thể, người xin “biết điều” thì y rằng sẽ có sự phù hộ đặc cách!
Tha hóa hàng chục triệu người chỉ chăm lo cầu an và xin xỏ (hoặc để bấu víu) không là chuyện quy luật hay ngẫu nhiên. Một đám đông đang loay hoay, rất khó mà lý giải về họ, rằng con người đang thụt lùi, hoặc đang tìm cách quay lại, hay là đang nhích lên như những nhà cai quản cả quyết?
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/thut-lui-quay-lai-hay-nhich-len-28708.html