Thụt lùi trong hành động khí hậu làm gia tăng các bệnh có thể phòng ngừa được
Các quốc gia đang thụt lùi hoặc dừng các hành động khí hậu và không phát thải ròng có thể khiến người dân của họ phải gánh chịu nhiều thập kỷ mắc các bệnh có thể phòng ngừa được, một nghiên cứu mới cho thấy.

Những con đường không phát thải có thể góp phần giúp cải thiện sức khỏe con người. Ảnh minh họa: alhudapk
Thực tế, những lợi ích từ không phát thải ròng thường được nhắc đến là lợi ích toàn cầu và chủ yếu dành cho các thế hệ tương lai. Nhưng việc sử dụng ít nhiên liệu hóa thạch hơn cũng có nghĩa là không khí ít ô nhiễm hơn, mang đến những lợi ích về sức khỏe từ sớm tại khu vực đó.
Ví dụ, các chính sách hướng đến không phát thải ròng vào năm 2050 của Mỹ được dự báo sẽ nhanh chóng mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe. Đến năm 2035, nước này có thể giảm từ 4.000 - 15.000 ca tử vong hàng năm do ô nhiễm không khí, giúp nền kinh tế Mỹ tiết kiệm được từ 65 tỷ - 128 tỷ USD, và những lợi ích sau đó thậm chí còn lớn hơn.
Một nghiên cứu do đại học Imperial College London (Anh) tiến hành cũng phát hiện ra rằng có những lợi ích lớn về sức khỏe từ các hành động không phát thải ròng của Vương quốc Anh.
Tiến sĩ Mike Holland, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết: “Những thay đổi cơ bản cần thiết để đạt được không phát thải ròng sẽ mang lại những lợi ích lâu dài cho sức khỏe của người dân Vương quốc Anh. Hoặc ngược lại, nếu chúng ta không đi theo con đường không phát thải ròng, chúng ta sẽ đau ốm nhiều hơn. Đây sẽ là mục tiêu kép về cả khí hậu và sức khỏe”.
Xem xét các con đường không phát thải ròng trong giao thông và trong các tòa nhà, các nhà nghiên cứu và nhận ra rằng sức khỏe con người đã được cải thiện nhờ giảm ô nhiễm không khí, cũng như tăng cường các hoạt động tập thể dục như đi bộ, đạp xe và sử dụng xe điện nhiều hơn.
Trong Ngân sách Carbon thứ 6 của Anh (kế hoạch nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050), các nhà hoạch định chính sách ước tính đến năm 2060, lợi ích kinh tế từ việc giảm số ca tử vong sẽ lên tới 26 tỷ bảng Anh - 31 tỷ bảng Anh. Bằng chứng mới cho thấy lợi ích từ việc giảm gánh nặng bệnh tật cũng có thể được tính tới, với khoảng 20 tỷ bảng Anh được bổ sung vào lợi ích kinh tế từ việc không phát thải ròng.
Một số lợi ích được kỳ vọng sẽ đạt được ngay lập tức, vì khi ô nhiễm không khí giảm, các trường hợp hen suyễn mới ở trẻ em và người lớn hơn được dự đoán cũng suy giảm, cũng như giảm số lần nhập viện vì các vấn đề về hô hấp và bệnh tim. Điều này phù hợp với những cải thiện về sức khỏe gần đây, sau khu vực không khí sạch của Bradford và một số khu vực khác trên khắp châu Âu.
Trong vòng 5 năm khi ô nhiễm không khí bắt đầu giảm, các đột quỵ và đau tim sẽ dần ít xuất hiện hơn. Đối với ung thư phổi, việc giảm các ca bệnh dự kiến cũng diễn ra khi chất lượng không khí được cải thiện từ 6 - 20 năm.
Đáng lưu ý, những thành quả này sẽ không dừng lại vào năm 2060. Trẻ em sinh vào những năm 2050 sẽ ít mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí hơn khi chúng lớn lên và trưởng thành. Mặc dù không chắc chắn bằng các bệnh khác đã được nghiên cứu, nhưng những thành quả lớn nhất về lâu dài có thể nằm ở các ca bệnh mất trí nhớ.
Ngoài ra, đi bộ, đạp xe và sử dụng xe đạp điện như một phần của mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cũng sẽ mang đến những cải thiện về sức khỏe. Theo nghiên cứu, những người đi bộ hoặc sử dụng xe đạp để đi lại có thể kỳ vọng sẽ có tuổi thọ trung bình dài hơn và có cuộc sống khỏe mạnh hơn.