Thủy điện miền trung thiếu nước, dân hạ du khô khát
Mặc dù mùa khô hạn chỉ mới bắt đầu nhưng hiện nay nhiều thủy điện lớn ở khu vực miền Trung đang thiếu nước, nguy cơ xâm nhập mặn vùng hạ du ngày càng cao.
Những ngày qua, khu vực miền Trung đối diện với đợt nắng nóng khốc liệt nhất trong suốt nhiều năm qua. Tình trạng khô hạn khiến mực nước ở các hồ chứa thủy điện lớn như: A Vương, sông Tranh, Sông Bung… ở mức thấp, khả năng xả tràn để "cứu" hạn vùng hạ du rất thấp.
Thủy điện "kêu" khó
Tại hồ chứa thủy điện A Vương, một trong ba thủy điện lớn ở trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn, chi phối toàn bộ hệ thống nước sinh hoạt của người dân TP.Đà Nẵng và một phần Quảng Nam.
Mặc dù có dung tích hơn 343 triệu m3 nước nhưng từ đầu tháng 4, nhà máy này thực hiện xả nước để phát điện liên tục nên đến nay, mực nước trong hồ của thủy điện này thấp hơn 6,34 mét so với quy định tích nước trong mùa cạn.
Theo tính toán, nếu tiếp tục phát điện với cường độ như vậy thì mùa khô năm nay, lượng nước dự trữ trong hồ chứa sẽ không còn đủ khả năng để "giải hạn" cho vùng hạ du.
Mới đây, trong công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam, Công ty CP thủy điện A Vương cho biết, căn cứ theo mực nước hồ hiện tại (361,06m) và nhu cầu sử dụng nước gia tăng thời đoạn 11/5-10/6/2023, đơn vị kiến nghị đề xuất kế hoạch vận hành cung cấp nước hạ du qua phát điện theo quy định tại phụ lục III, quy trình 1865 (Q xả min trung bình ngày từ 25-30 m3/s).
Trên cơ sở tính toán tần suất nước về hồ (65%) và nhu cầu sử dụng nước tối thiểu hạ du thì dự kiến đến 21/6/2023 mực nước hồ A Vương sẽ đạt mực nước tối thiểu. Do đó, phía Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, quyết định điều chỉnh lưu lượng xả, thời gian xả phù hợp nhằm đưa dần mực nước hồ về khoảng mực nước quy định tại phụ lục III của quy trình 1865, đảm bảo cấp nước an toàn cho hạ du trong thời gian còn lại mùa cạn năm 2023.
"Nếu mực nước trong hồ thủy điện A Vương được giữ lại theo đúng quy định của vận hành liên hồ (hiện đang thấp hơn – pv) thì tính tin cậy và ổn định cho việc cấp nước sẽ an toàn hơn cho vùng hạ du", ông Ngô Xuân Thế - Phó tổng Giám đốc Công ty CP thủy điện A Vương cho biết.
Trong khi đó, ông Lê Đình Bản – Giám đốc Công ty thủy điện Sông Bung cho biết, nhà máy và UBND tỉnh Quảng Nam đã có sự kết nối linh hoạt trong việc xả nước, phát điện nhằm đảm bảo việc phát điện và xả nước giải hạn vùng hạ du.
"Quảng Nam đang điều hành với mục tiêu cao nhất là bảo đảm cung cấp đủ nước cho vùng hạ du trong suốt mùa khô này. Nên tỉnh có chỉ đạo linh hoạt, tức là tùy tình hình thực tế để có mức xả của các hồ chứa khác nhau. Các thủy điện cũng thực hiện theo lệnh này", ông Bản nói.
Dự đoán mùa khô năm nay khá khốc liệt, trong khi vừa bảo đảm an ninh năng lượng (phát điện để đảm bảo cung cấp điện cho người dân) vừa đảm bảo nguồn nước xả về vùng hạ du "chống hạn", vậy phương án của các thủy điện là gì?
Ông Bản cho biết, trước khi ban hành các chỉ đạo bằng văn bản về vận hành hồ chứa, UBND Quảng Nam cũng đã tham khảo ý kiến các nhà máy nhằm đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt đến hết mùa khô.
"Các hồ chứa không còn vận hành cứng như trước đây nữa mà thay đổi theo thời hạn. Ví dụ như trước đây, ba tháng mùa khô thực hiện theo một lộ trình, còn bây giờ vận hành theo từng giai đoạn ngắn (10-15 ngày), để kịp thời điều tiết. Ví dụ tuần này, đợt nắng nóng này kéo dài đến hết ngày 23/5, sau đó sẽ hạ xuống. Do đó, vào giai đoạn cao điểm sẽ phát điện nhiều hơn. Mà phát điện nhiều sẽ xả nước nhiều hơn. Còn khi bớt khốc liệt (có mưa) thì các nhà máy tranh thủ trữ nước, xả ít lại.
Thứ hai, khi nhà máy xả nước xuống hạ du sẽ thông báo phối hợp với địa phương để bơm nước vào sinh hoạt, kịp thời, hiệu quả không để lãng phí nguồn nước. Tình hình bây giờ là chỉ có thể linh hoạt, chứ không thể cứng", ông Bản phân tích thêm.
Người dân lo lắng, chính quyền lên phương án
Những ngày này, đi dọc theo khu vực hạ lưu hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn thuộc huyện Đại Lộc (Quảng Nam), hàng ngàn nông dân cũng phải vật lộn với tình trạng nắng nóng, thiếu nước sản xuất. Anh Huỳnh Tiến Nam (người dân xã Đại Hồng, Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết: "Hai năm nay, tình hình nắng nóng, khô hạn còn khốc liệt hơn mọi năm. Nguồn nước tưới phục vụ sản xuất, sinh hoạt càng khan hiếm. Nhất là thời điểm nắng hạn kéo dài mà các nhà máy thủy điện ở vùng thượng nguồn trữ nước, không chịu xả thì nông sản coi như chết cháy hết".
Tại TP.Đà Nẵng, nơi nguồn nước sinh hoạt phụ thuộc chính vào hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn, chính quyền địa phương cũng đã lên kế hoạch ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt trong mùa cạn năm 2023. Theo kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 10-5-2023, Đà Nẵng sẽ tăng cường giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông Vu Gia -Thu Bồn để bảo đảm cấp nước an toàn cho thành phố đến cuối mùa cạn và duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông.
"Các ngành chức năng thực hiện các biện pháp bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy, phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông; thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng tài nguyên nước, nguồn nước sinh hoạt; kiểm tra, giám sát vận hành hệ thống cấp nước nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp nước ổn định, an toàn, liên tục và giảm thiểu thất thoát, lãng phí nước", văn bản của TP.Đà Nẵng nêu rõ.
UBND thành phố cũng giao Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng hoàn thành, đưa vào vận hành dự án "nâng công suất trạm bơm phòng mặn An Trạch từ 210.000m3/ngày đêm lên 420.000m3/ngày đêm" và tuyến ống dẫn nước thô từ đập dâng An Trạch về nhà máy nước cầu Đỏ.
Giao Sở NN&PTNT vận hành và phối hợp vận hành các đập An Trạch, Hà Thanh, Thanh Quýt và Bàu Nít trong mùa cạn. Đồng thời, tham mưu TP nghiên cứu đắp đập tạm trên sông Quảng Huế; Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải tham mưu đắp đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ.
Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng có trách nhiệm thông báo sớm cho các hộ gia đình và các tổ chức sử dụng nước để nắm bắt tình hình nhiễm mặn, hạn hán, thiếu nước (nếu có khả năng xảy ra) để có phương án dự trữ nước như xây bể chứa, lắp đặt bồn chứa… sử dụng ăn uống, sinh hoạt.
Tại tỉnh Quảng Nam, chính quyền địa phương cũng đã ban hành văn bản gửi các thủy điện tăng cường tích nước theo đúng dung tích đã quy định. Trong đó, yêu cầu 2 nhà máy A Vương và Sông Bung tạm dừng phát điện để tích nước; Trung tâm điều độ quốc gia giảm huy động từ nguồn thủy điện.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các địa phương vận hành hồ chứa ưu tiên cân đối nước cho hạ du trong thời gian còn lại mùa cạn, giảm thiểu tối đa nguy cơ thiếu nước ở hạ du các lưu vực sông.