Thủy điện ở miền Bắc liên tục mở thêm cửa xả

Ngày 5-8, Bộ NN-PTNT đã có thêm 2 công điện yêu cầu thủy điện Hòa Bình và thủy điện Thác Bà mở thêm các cửa xả nước.

Thực hiện yêu cầu trên, Công ty Thủy điện Hòa Bình đã mở thêm cửa xả đáy thứ 3 vào hồi 10 giờ ngày 5-8; Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà mở tiếp 1 cửa xả mặt từ hồi 14 giờ ngày 5-8. Như vậy, tính đến chiều 5-8, ở miền Bắc có 4 hồ chứa thủy điện lớn cùng vận hành xả nước. Trong đó, hồ Sơn La mở 3 cửa xả đáy, hồ Hòa Bình mở 3 cửa xả đáy, hồ Tuyên Quang mở 3 cửa xả đáy, hồ Thác Bà mở 3 cửa xả mặt.

Để đảm bảo an toàn cho công trình và các hoạt động ven sông khi xả nước từ các hồ thủy điện, chiều 5-8, Bộ NN-PTNT đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố liên quan lưu vực sông Hồng (bao gồm cả TP Hà Nội và TP Hải Phòng) thông báo ngay cho các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông biết để chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Ghi nhận của PV Báo SGGP trong ngày 5-8, ở thượng nguồn sông Hồng, các tỉnh thuộc miền núi Tây Bắc bộ vẫn có mưa to cục bộ, một số khu dân cư vẫn bị ngập lụt cục bộ, sạt lở. Thông tin từ tỉnh Lào Cai, sáng 5-8, lũ trên sông Chảy (thượng nguồn thủy điện Thác Bà) đoạn qua 2 xã Điện Quan, Thượng Hà của huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) bất ngờ dâng cao gây ngập nhiều hộ dân ở thôn Trang, xã Điện Quan. Cũng tại địa bàn huyện Bảo Yên, từ ngày 4 đến 5-8 đã xảy ra một vết nứt núi kéo dài 100m, rộng 30cm trên dãy núi thuộc khu vực bản Mo 2, xã Xuân Hòa (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai). Ông Hoàng Văn Nhâm, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, cho biết, cơ quan chuyên môn của huyện Bảo Yên đã kiểm tra thực tế, sau đó di dời khẩn cấp 4 hộ dân ở chân núi đến nơi an toàn.

 Sạt lở đường từ thị trấn Tân Quang (huyện Bắc Quang) đi thị trấn Vinh Quang (huyện Hoàng Su Phì) của tỉnh Hà Giang ngày 5-8

Sạt lở đường từ thị trấn Tân Quang (huyện Bắc Quang) đi thị trấn Vinh Quang (huyện Hoàng Su Phì) của tỉnh Hà Giang ngày 5-8

Trên địa bàn tỉnh Hà Giang(gần khu vực huyện Bảo Yên của tỉnh Lào Cai và hồ Thác Bà của tỉnh Yên Bái) ngày 5-8 xảy ra mưa lớn tại huyện Hoàng Su Phì. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hoàng Su Phì cho biết, khoảng 5 giờ ngày 5-8 xảy ra một vụ lở đất ở xã Thông Nguyên làm 1 người tử vong là bà Đặng Mùi S. (sinh năm 1950, dân tộc Dao, trú tại thôn Giàng Thượng); 2 người bị thương là chị Đặng Thị L. (sinh năm 1990, trú tại thôn Nậm Nghí) và Triệu Mùi S. (sinh năm 2010, trú tại thôn Giàng Thượng). Đoạn đường từ huyện Tân Quang đi huyện Hoàng Su Phì bị sạt lở, đất đá tràn kín mặt đường, ô tô không thể qua lại. Còn tại xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La trong ngày 5-8 cũng xảy ra vụ sạt lở đất khiến 1 cháu bé sinh năm 2024 tử vong tại chỗ và 2 người khác (là ba mẹ cháu bé) bị thương.

Qua rà soát trước mùa mưa bão năm 2024, tỉnh Thanh Hóa có tới 1.286 công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp; trong đó có 86 hồ chứa, 106 đập dâng, 609 kênh mương. Nguyên nhân chính do các công trình này xây dựng đã lâu trong khi kinh phí duy tu, sửa chữa hạn chế.

Ngày 5-8, Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, những ngày qua, đoạn đê biển Đông (thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tiếp giáp tỉnh Sóc Trăng) bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài hơn 100m.

Nguyên nhân do rừng phòng hộ tại vị trí bờ biển của đoạn đê này bị sạt lở trước đó, sóng đánh trực tiếp vào trong, gây sạt lở đê. Theo dự báo, tình hình sạt lở đê sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn trong thời gian tới do triều cường dâng cao kết hợp với sóng to.

Trước tình hình trên, ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn nhanh chóng thống kê mức độ thiệt hại, khẩn trương đề xuất giải pháp khắc phục. UBND TP Bạc Liêu tăng cường kiểm tra, giám sát tuyến đê trên địa bàn, theo dõi chặt chẽ diễn biến, kịp thời báo cáo những điểm có dấu hiệu bất thường, nguy cơ sạt lở cao để có phương án ứng phó kịp thời.

Cùng ngày, Sở KH-CN tỉnh Hậu Giang phát đi cảnh báo: Mưa lớn kéo dài khiến dòng chảy trên các sông, kênh, rạch rất mạnh, xoáy, làm gia tăng nguy cơ sạt lở. Các địa phương sạt lở cao là huyện Châu Thành, TP Ngã Bảy và huyện Châu Thành A. Đây là những địa phương nằm ven các tuyến sông lớn, chịu tác động trực tiếp từ các dòng chảy trong mùa mưa lũ.

Tại TP Cần Thơ, mưa lớn những ngày qua đã gây ra 24 vụ sạt lở bờ sông với tổng chiều dài 830m, gây thiệt hại hơn 14,5 tỷ đồng và làm 13 căn nhà bị sạt hoàn toàn, 1 nhà kho bị sụt lún, 34 căn nhà bị sạt một phần hoặc bị ảnh hưởng. Chính quyền địa phương đang phối hợp các ngành chức năng liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó trước mắt, đồng thời thực hiện các dự án, công trình ngăn lũ, chống ngập, chống sạt lở… về lâu dài.

Ngày 5-8, từ vùng “rốn lũ” của Hà Nội, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ), thông tin, tính đến sáng cùng ngày xã còn 4 thôn với khoảng 550 hộ dân bị nước lũ cô lập, ảnh hưởng tới 2.677 người, nặng nhất là thôn Nhân Lý. Ngoài việc thực hiện phương châm “nước rút tới đâu vệ sinh môi trường đến đó”, xã phối hợp với Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ vận hành 3/4 tổ máy Trạm bơm tiêu Nhân Lý để tiêu nhanh nước trong khu dân cư, chuẩn bị khôi phục sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục rà soát, cung cấp nhu yếu phẩm và cấp thuốc phòng bệnh đến người dân còn bị lũ cô lập.

Những ngày gần đây, nước lũ sông Bùi, đoạn huyện Chương Mỹ đã rút thêm. Nhiều đoạn đường vào các thôn Nam Hài, Nhân Lý, Hạnh Bồ, Hạnh Côn (ở xã Nam Phương Tiến) đã cạn nước. Tranh thủ nước lũ rút, chính quyền huyện Chương Mỹ đã huy động hơn 220 cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện tổng vệ sinh trường học, trạm y tế, tuyến đường đã cạn nước nhằm phòng ngừa dịch bệnh và chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học ngay sau khi nước lũ rút.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thuy-dien-o-mien-bac-lien-tuc-mo-them-cua-xa-post752737.html