Thủy điện xả lũ không gây ra ngập lụt ở ngoại thành Hà Nội

Hơn một tuần qua, nhiều khu vực ven sông Tích, sông Bùi thuộc các huyện ngoại thành của Hà Nội vẫn ngập trong nước lũ.

Hơn một tuần qua, người dân vùng ngoại thành Hà Nội vẫn sống trong cảnh ngập lụt. Để làm rõ hơn về nguyên nhân gây ngập diện rộng, kéo dài ở một số huyện ngoại thành Hà Nội và những tác động, nguy cơ có thể xảy ra trong thời gian tới, PLO trao đổi với ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT).

Ngập lụt do mưa lớn

. Phóng viên: Hơn một tuần qua, cùng với các xã ven sông Tích, sông Bùi, thuộc địa bàn huyện Quốc Oai, Thạch Thất… thì 11 xã thuộc địa phận huyện Chương Mỹ cũng bị ngập sâu trong nước. Nhiều ý kiến cho rằng, thủy điện xả lũ là nguyên nhân gây ngập lụt ở khu vực này, thưa ông?

+ Ông Phạm Đức Luận: Trước hết, phải khẳng định, việc điều tiết vận hành mở các cửa xả đáy của các hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La không liên quan đến việc ngập lụt ở các khu vực ven sông Tích, sông Bùi thuộc các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ của Hà Nội.

 Hơn một tuần qua, một số khu vực thuộc các huyện ngoại thành Hà Nội vẫn ngập sâu trong nước. Ảnh: PHI HÙNG

Hơn một tuần qua, một số khu vực thuộc các huyện ngoại thành Hà Nội vẫn ngập sâu trong nước. Ảnh: PHI HÙNG

Bởi dòng chảy sau các hồ thủy điện theo sông Đà chảy về sông Hồng và đổ ra biển tại cửa Ba Lạt, không chảy vào sông Tích, sông Bùi, sông Đáy. Cửa điều tiết lấy nước từ sông Hồng vào sông Tích tại Lương Phú (bao gồm cống lấy nước ở bờ sông và cống phòng lũ qua đê hữu Đà) và hệ thống công trình đầu mối Vân Cốc - đập Đáy (có nhiệm vụ chuyển lũ từ sông Hồng vào sông Đáy trong trường hợp đặc biệt) hiện đang đóng.

. Vậy nguyên nhân gây ngập lụt là do đâu, thưa ông?

+ Nguyên nhân xảy ra ngập lụt vùng ngoại thành Hà Nội do từ ngày 22-7 đến nay khu vực Bắc Bộ xảy ra mưa lớn kéo dài. Tổng lượng mưa tại tỉnh Hòa Bình và Hà Nội lên đến 300-450mm, đặc biệt tại Xuân Mai, Chương Mỹ lên đến 743mm.

Do mưa lớn trong khu vực và lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về làm mực nước sông Bùi, sông Tích lên rất nhanh. Ngày 24-7, trong vòng chưa đầy 12 giờ lũ sông Bùi lên đến gần 2m; lũ sông Bùi đạt đỉnh lúc 14h/28/7 là 7,43m (trên báo động 3 là 43cm), lũ sông Tích đạt đỉnh lúc 13h/24/7 là +8,33m (trên báo động 3 là 33cm).

 Nước ngập tại khu vực thuộc huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ảnh: PHI HÙNG

Nước ngập tại khu vực thuộc huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ảnh: PHI HÙNG

Đồng thời, do mực nước sông Đáy ở mức cao do mưa lớn tại lưu vực kéo dài nhiều ngày, khu vực nhập lưu từ sông Bùi vào sông Đáy có lòng dẫn co hẹp. Vì vậy việc tiêu thoát nước từ sông Bùi ra sông Đáy chậm, dẫn đến mực nước sông Tích, sông Bùi vượt mức báo động 3 dài ngày dẫn đến ngập lụt một số khu vực có địa hình trũng thấp phía bờ hữu sông Tích, sông Bùi…

. Nếu không phải do thủy điện xả lũ nhưng UBND TP Hà Nội lại có văn bản đề nghị Thủy điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả lũ, thưa ông? Thông tin này do ông Trần Sỹ Thanh nói chiều 29-7 khi thị sát rốn lũ ở Chương Mỹ.

+ Như tôi đã trả lời ở trên thì xả lũ hồ Hòa Bình, Sơn La không liên quan đến việc ngập lụt ở các khu vực huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ của Hà Nội.

Có thể việc UBND TP Hà Nội đề nghị Thủy điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả hồ Hòa Bình với mong muốn hạ thấp mực nước sông Hồng để tăng khả năng tiêu thoát nước từ sông Nhuệ ra sông Hồng.

Ngoài ra, theo tôi được biết, ngày 29-7, UBND TP Hà Nội cũng có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Nam đề nghị phối hợp vận hành hệ thống các trạm bơm tiêu để giảm mực nước sông Đáy, sông Nhuệ nhằm tăng khả năng rút nước cho sông Bùi, sông Tích.

Nhiều lo ngại về an toàn đê điều

. Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo khu vực Bắc Bộ, trong đó có thủ đô Hà Nội còn mưa kéo dài trong những ngày tới. Ông có cảnh báo, lo ngại gì về tình trạng ngập lụt ở khu vực này những ngày tới?

+ Hiện mực nước sông Tích, sông Bùi có xu thế giảm chậm, tuy nhiên vẫn ở mức cao, trên mức báo động 3. Do vậy trong trường hợp những ngày tới mưa tiếp tục xảy ra trong khu vực sông Tích, sông Bùi và vùng núi phía Tây của tỉnh Hòa Bình như dự báo thì sẽ làm mực nước sông Tích, sông Bùi dâng cao.

Hà Nội cần sẵn sàng cho kịch bản ứng phó với tình hình ngập lụt có thể còn tiếp tục kéo dài trong những ngày tới.

 Việc ngập lụt kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân. Ảnh: PHI HÙNG

Việc ngập lụt kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân. Ảnh: PHI HÙNG

Đặc biệt lưu ý, do mưa lớn và mực nước lũ cao, nhiều tuyến đê trên địa bàn thành phố đã bị ngâm nước dài ngày, trong đó một số tuyến đê đã xảy ra sự cố. Chúng tôi đang rất lo ngại về an toàn của hệ thống đê điều trước diễn biến tình hình mưa lũ còn phức tạp trong những ngày tới.

Nếu các địa phương không thực hiện nghiêm công tác tuần tra canh gác đê để kịp thời phát hiện và xử lý sớm các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu thì nguy cơ xảy ra các sự cố gây mất an toàn đê là rất cao.

Vì vậy, chúng tôi đã tham mưu cho Bộ NN&PTNT có văn bản đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm công tác tuần tra canh gác, bảo vệ đê điều khi có lũ và chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, ứng phó với mưa lũ.

. Trước thực trạng như trên, về lâu dài có giải pháp gì không, thưa ông?

+ Về lâu dài, Hà Nội cần có nghiên cứu, tính toán tổng thể và thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống lũ sông Bùi, sông Tích, sông Đáy, lũ rừng ngang từ vùng núi Lương Sơn, Kim Bôi - tỉnh Hòa Bình đổ về để giảm thiểu ngập lụt, ổn định đời sống người dân trong khu vực.

Trong đó, có thể kể đến một số giải pháp như: tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều; xây dựng, nâng cấp các trạm bơm tiêu, trục tiêu thoát lũ; cải tạo, nạo vét, khơi thông dòng chảy sông Bùi, sông Tích, nhất là khu vực sông Bùi để tăng khả năng thoát lũ ra sông Đáy…

Đồng thời, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các khu vực thường xuyên bị ngập lũ để nâng cao khả năng chống chịu, hạn chế thiệt hại, kết hợp sơ tán, di dời dân cư tại chỗ.

Ngoài ra, cần nghiên cứu tổ chức sắp xếp lại sản xuất, bố trí lại dân cư cho phù hợp với đặc điểm địa hình, điều kiện tự nhiên, thích ứng với vùng thấp, trũng thường xuyên ngập úng, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Khi xảy ra mưa lũ, Hà Nội cần có phương án vận hành hệ thống bơm tiêu phù hợp; trong đó cần sự phối hợp giữa thành phố và các địa phương lân cận như Hà Nam để vận hành các công trình thủy lợi, các trạm bơm tiêu, cống qua đê để hạ thấp mực nước sông Đáy, sông Nhuệ nhằm tăng khả năng rút nước cho sông Bùi, sông Tích.

. Xin cảm ơn ông!

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thuy-dien-xa-lu-khong-gay-ra-ngap-lut-o-ngoai-thanh-ha-noi-post803074.html