Thùy Giang đam mê vẽ chân dung người cao tuổi vùng cao
Mỗi bức vẽ chất chứa một góc tâm hồn khác nhau của nhân vật, đồng thời thể hiện tinh thần hướng nội và đầy tinh tế của tác giả.
Trong căn homestay mang tên Pavi Garden bằng gỗ mộc mạc nơi lưng chừng đồi, bao quanh là những thửa ruộng bậc thang, tôi thực sự ấn tượng bởi những bức chân dung các cụ già vùng cao được vẽ trên những tấm gỗ cũ có kích thước lớn nhỏ khác nhau. Đó là cụ bà người Mông ngồi chơi đàn nhị, cụ bà người Dao với chiếc kính lão ngồi thêu thổ cẩm hay cụ bà người Nùng cười đôn hậu với con cháu.
Thùy Giang sinh năm 1997, là người con của mảnh đất Sa Pa xinh đẹp. Ngay từ nhỏ, Giang đã có niềm đam mê đặc biệt với hội họa. Giang từng tham gia nhiều cuộc thi vẽ và đoạt giải cao ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, khoa Mỹ thuật, Giang trở về quê hương làm một số nghề “không mấy liên quan” như pha chế, spa, make-up. Thời gian này, sau giờ làm việc, Giang tự mình lái xe thong dong khắp các bản làng để chụp ảnh, vẽ tranh.
Thùy Giang thừa nhận: Sa Pa là mảnh đất đem lại cho các nghệ sỹ nguồn cảm hứng bất tận với những chất liệu mang màu sắc văn hóa dân tộc phong phú. Đây cũng là nơi tôi sinh ra và lớn lên, một miền ký ức hội họa tươi đẹp trong tôi. Suốt những năm tháng học xa nhà, tôi luôn nghĩ mình sẽ trở về quê hương lập nghiệp. Ở đây, tâm hồn tôi được tĩnh lặng để nuôi dưỡng cảm hứng sáng tác.
Điểm dừng chân của Giang là ngôi nhà nhỏ đơn sơ mà cô và chồng thuê lại của người dân tại xã Tả Van, thị xã Sa Pa. Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, Giang cùng chồng sửa sang ngôi nhà nhỏ để kinh doanh dịch vụ homestay. Từ đó, cô bắt đầu vẽ tranh, việc mà mình yêu thích từ lâu, rồi đem tranh trang trí quanh homestay.
Lý giải về việc chọn vẽ tranh chân dung người cao tuổi vùng cao, Giang cười bảo: Rất nhiều họa sỹ, nhiếp ảnh chọn phong cảnh hùng vĩ của Sa Pa để sáng tác, nhưng với riêng tôi, hình ảnh người cao tuổi dân tộc thiểu số ở vùng cao mang lại những xúc cảm đặc biệt. Tôi ấn tượng với gương mặt già nua đầy nếp nhăn, đồi mồi, sạm màu sương gió nhưng đôi mắt lúc nào cũng sáng rực, không vướng bận phiền lo. Tôi luôn lựa chọn họ trong những khung cảnh thân thuộc, bình dị, với khoảnh khắc đời thường, mặc sức bộc lộ vẻ đẹp tự nhiên nhất.
Một điểm đặc biệt nữa trong tranh của Thùy Giang là cô chỉ vẽ trên chất liệu gỗ cũ đã nhuốm màu thời gian. Lúc rảnh rỗi, Giang lại cùng chồng rong ruổi khắp các bản làng, đến từng nhà dân để tìm mua những vật dụng sinh hoạt bằng gỗ đã cũ. Đó là chiếc thớt gỗ, thùng đựng gạo, thùng đập lúa, bàn uống nước… cũ kỹ nhiều gia đình không dùng đến, nhưng đối với Giang lại rất giá trị.
Vẽ tranh trên gỗ có ưu điểm là chất “mộc” được giữ nguyên bản. Đây là thứ rất cần trong những bức chân dung mang màu sắc vùng cao. Màu nâu trầm của gỗ kết hợp với màu xanh lam của chàm, màu nâu đỏ của sắc thổ cẩm hoặc màu vàng nâu của làn da nhân vật tạo nên vẻ đẹp cổ kính, nhuốm màu thời gian. Khi vẽ trên bề mặt gỗ, màu sơn ngấm từ từ tạo nên độ đậm nhạt, xa gần huyền ảo. Tuy vậy, các tấm gỗ sau khi mua về, tôi đều phải xử lý bề mặt trám keo, mài phẳng những chỗ bị hỏng, nứt, lõm, rửa sạch và phơi khô, rồi mới vẽ tranh. Làm như vậy khi lên màu mới đẹp được.
Nhân vật trong tranh sau khi hoàn thiện sẽ được Giang “đeo” thêm trang sức như vòng cổ, hoa tai hoặc “đội” thêm tấm khăn thổ cẩm màu sắc. Chính vì thế, nhìn tổng thể bức chân dung thêm sống động và có “hồn” hơn.
Khách ghé thăm Pavi Garden homestay thích thú chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật của Giang và nhiều người mua, đặt hàng về làm đồ trang trí trong nhà rồi giới thiệu khách gần xa.
“Là người trẻ tuổi nhưng Thùy Giang rất tinh tế trong sáng tác hội họa. Đơn giản là tranh chân dung người cao tuổi vùng cao, nhưng Giang đã khéo léo lồng vào tranh hình ảnh đời sống sinh hoạt cũng như bản sắc văn hóa, để người xem cảm nhận được sự khác nhau của mỗi vùng đất, mỗi dân tộc… từ đó gửi gắm thông điệp mong muốn giữ gìn giá trị văn hóa, nét đẹp truyền thống, từ trang phục, tiếng nói, đến phong tục, tập quán”. - một khách du lịch mua tranh của Giang nhận xét.
“Hội họa vốn dĩ là phương pháp trị liệu tâm hồn, giúp thư giãn và giải tỏa tâm lý. Đó là lý do tôi kết hợp hội họa với du lịch. Tôi mong Pavi Garden sẽ là nơi giúp bạn “chữa lành” tâm hồn còn nhiều phiền muội bằng đường nét, sắc màu cuộc sống vùng cao” - Giang chia sẻ.