'Thủy quái' hải tượng giúp cứu rừng nhiệt đới Amazon
Nhờ nỗ lực bảo tồn của dân địa phương, loài cá khổng lồ hải tượng đã lại xuất hiện trong vùng rừng nhiệt đới Amazon sau thời gian tưởng như chúng đã bị tuyệt chủng.
Cá hải tượng bản địa Amazon được gọi là cá Pirarucu hoặc apapaima, nổi bật trong khu rừng nhiệt đới đa dạng sinh học nhất thế giới, trước tiên vì kích cỡ khổng lồ, một con có thể dài đến 3 mét và nặng 200 kg, là loài cá lớn nhất trong 2.300 loài cá đã được ghi nhận tại rừng Amazon, chủ yếu ở các hồ nước lũ trong vùng chậu Amazon gồm vùng Medio Jurua thuộc Brasil.
Loài cá này hít thở không khí, cho phép chúng sống trong nước nghèo oxy và có thể tồn tại một ngày khi hoàn toàn không có nước. Chúng ăn cá nhưng cũng ăn cả chim, thằn lằn và động vật có vú nhỏ. Cá Pirarucu có lưỡi đầy răng, bộ hàm chắc khỏe cho phép nghiền nát con mồi.
Tuy là “thủy quái” hủy diệt động vật nhưng cá Pirarucu có thịt chắc và ít xương, ăn rất ngon và chúng còn được gọi là “cá tuyết của Amazon”.
Người bản địa được giữ rừng, chỉ bắt Pirarucu một lần trong năm
Cá Pirarucu cách đây không lâu gần như biến mất khỏi sông Jurua do tàu dùng lưới lớn đã quét các hồ, nạn đánh cá trái phép và không bền vững khiến con sông và các cộng đồng dân cư bản địa chật vật tìm nguồn thức ăn cơ bản.
Từ đó, cá Pirarucu bị coi là có nguy cơ tuyệt chủng, trừ khi việc buôn bán loài cá này được kiểm soát chặt chẽ bởi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Nhưng hiện nay, cá hải tượng đã quay lại các hồ của vùng Medio Jurua. Câu chuyện này liên quan nhiều người thuộc các nền văn hóa khác nhau, cùng góp sức hợp tác bảo tồn cá Pirarucu.
Công tác phục hồi loài cá hải tượng đòi hỏi có tổ chức xã hội, hợp tác và khâu hậu cần rất phức tạp, nhưng nạn đánh bắt trái phép đã giảm và cá Pirarucu lại sinh sôi.
Sự thay đổi bắt nguồn từ cuối những năm 1990. Với sự hỗ trợ của một linh mục người Hà Lan, thợ lấy mủ cao su tổ chức và dẫn đầu một chiến dịch thuyết phục chính phủ liên bang Brazil lập nên Khu Bảo tồn-Khai thác Medio Jurua.
Họ đề xuất các cộng đồng bản địa sống ven sông Jurua nhận giữ rừng và sông hồ, bảo vệ các khu vực khỏi kẻ săn bắn động vật trái phép. Chương trình này đạt hiệu quả, ngày nay cư dân địa phương trồng được loại quả cơm cháy đen (acai), sản xuất dầu thực vật và trồng cây cao su khi giữ rừng.
Thành công nhất là quản lý nguồn cá Pirarucu.
Riêng việc đánh bắt cá hải tượng cá Pirarucu chỉ được tiến hành mỗi năm một lần, khoảng tháng 9 là lúc mực nước sông hạ thấp nhất. Việc đặt định mức đánh bắt nhờ một đặc trưng của loài cá này: chúng là một trong số ít động vật phải ngoi lên khỏi mặt nước để thở bằng cách quật mạnh chiếc đuôi màu đỏ.
Vận dụng điểm đặc trưng này, một ngư dân cùng một nhà nghiên cứu ở vùng Mamirarua đã tạo ra một cách đếm cá từ việc cá hải tượng ở dưới nước không quá 20 phút lại phải ngoi lên thở.
Chính phủ Brazil nay đã công nhận cách đếm nói trên, và cuộc khảo sát số cá được tiến hành mỗi năm một lần, bởi những ngư dân có bằng chứng nhận sau khi trải qua một khóa huấn luyện. Họ tính toán số lượng khai thác phù hợp trong mỗi mùa đánh bắt ở mỗi hồ trong những năm tiếp theo, với điều kiện không khai thác nhiều hơn 30% số lượng cá trưởng thành, và bất kỳ cá thể nào có kích cỡ nhỏ hơn 1,55 mét đều phải thả trở lại vào sông hồ.
Cách đánh bắt có kiểm soát đã dẫn đến việc tăng đàn cá Pirarucu ở các vùng có áp dụng cách này. Tại vùng Carauari dài 650 km ven sông Jurua và là nơi ở của 35.000 người, đã ghi nhận số cá hải tượng tăng từ 4.916 con hồi năm 2011 lên 46.839 con vào năm 2021.
Tại Sao Raimundo từng có 1.335 cá thể Pirarucu trong những hồ gần cận hồi năm 2021, khi chương trình quản lý bắt đầu. Đến năm 2021 có 4.092 con.
Manoel Cunha, thủ lĩnh một tổ chức thợ cạo lấy mủ cao su và có quê ở Sao Raimundo, một trong những nơi tham gia chương trình đánh bắt có kiểm soát. Ông cho biết “Chúng tôi cố gắng ngăn chặn các công ty đánh cá và người đánh bắt trái phép bằng cách giám sát và quản lý. Trên sông này chỉ có thuyền đánh cá của các tổ chức của chúng tôi”.
Dân bản địa chia đều thu nhập có từ cá hải tượng
Sao Raimundo có 34 nhà, đa số là của gia đình lớn của Cunha, người có tổ tiên từ vùng đông bắc nghèo đói và hay bị lụt tìm đến vùng này làm thợ cạo mủ cao su.
Cư dân thường bắt cá Pirarucu làm món ăn và cũng là nguồn thu nhập cho mọi người: tiền bán được cá được chia cho những người tham gia đánh bắt, và nam giới cùng phụ nữ đều lãnh khoản thù lao bằng nhau. Chị họ của Cunha đặt mục tiêu năm nay mua một bảng pin điện mặt trời để thay máy phát điện chạy bằng dầu diesel.
Để bắt cá hải tượng, ngư dân dùng các lưới đặc biệt do chính họ đan. Lưới rất chắc, lỗ lưới đủ to để các cá thể nhỏ thoát ra. Khi bắt được một con cá Pirarucu, ngư dân kéo lưới lên thuyền, dùng gậy đánh vào đầu con vật rồi chuyển nó sang ghe nhỏ.
Khi con cá quá nặng thì cần 2,3 người đàn ông thực hiện các khâu vừa kể.
Tiếp nữa, các con cá Pirarucu đã bắt được chuyển lên một ghe lớn ở sông Jurua. Trên ghe, những người phụ nữ moi ruột cá và ướp đá lạnh lên thân con vật. Tất cả các sản phẩm này được Hiệp hội các nhà sản xuất nông sản Carauari (ASPROC) mua lại trực tiếp, ngư dân không bị “cò” trung gian mua ép giá.
ASPROC do các thợ cạo mủ cao su lập vì họ muốn tự thoát khỏi những điều kiện làm việc cực khổ như nô lệ. Tổ chức này hiện rất quan trọng trong toàn vùng Amazon. Họ lập nhiều chương trình kinh tế- xã hội như khử mặn, mở chợ, hỗ trợ con em học tập...
ASPROC bán cá hải tượng đến các thành phố lớn của Brasil như Sao Paulo và Brasília, và đó là một hành trình vận chuyển nhiều ngày bằng ghe, xe tải và thường mất hai tuần mới đến nơi.
Thành công nhất của ASPROC là thu hút nhiều đối tác, như Cục Lâm sản Hoa Kỳ hỗ trợ lập thương hiệu Gosto da Amazoania (Hương vị Amazon) để quảng bá thịt cá hải tượng trên toàn nước Mỹ, hoặc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) giúp tài trợ một xí nghiệp chế biến ở thành phố Carauari, nơi mà cá Picarucu được xẻ, trữ đông và đóng gói.
Vùng Medio Jurua hẻo lánh, không có đường bộ nên hiện không bị nạn chặt phá rừng hoặc cháy rừng như ở các vùng khác thuộc rừng Amazon. Nhưng khói khiến bầu trời xám xịt vào tháng 9 là sự nhắc nhớ nạn phá rừng không cách xa vùng này.
Cunha là lãnh đạo Khu Bảo tồn-Khai thác Medio Jurua, nói: “Thách thức là phải có một tổ chức mạnh và kinh tế mạnh để ngăn chặn mọi mối đe dọa trong tương lai. Nếu chúng tôi không tự tổ chức quản lý đánh bắt để bảo vệ môi trường và nguồn cá, thì chúng tôi có thể cung tình cảnh như các đồng nghiệp ở vùng Javari. Nếu họ sớm tự tổ chức thì họ đã có thể giữ mạng sống của hai người”.
Ý ông nói vụ chuyên gia bản địa Bruno Pereira và nhà báo Anh Dom Phillips bị giết hồi tháng 6.2021 tại thung lũng Javari. Nguyên do là cuộc tranh chấp hàng chục năm giữa cộng đồng bản địa với các thợ cạo mủ cao su do các doanh nghiệp địa phương thuê đánh cá trái phép, chủ yếu nhằm vào loài cá hải tượng. Hai ngư dân địa phương đã nhận tội giết hai người.
Nạn đánh cá trái phép đang tràn lan ở Brasil, là tội phạm liên quan phá hoại môi trường trên đất được bảo vệ, chỉ sau nạn phá rừng, theo một nghiên cứu dựa theo số liệu chính thức.